Phần mềm “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, tra cứu trụ nước, bến lấy nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh mở ra nhiều kỳ vọng về việc ứng dụng vào thực tiễn công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).
Giải pháp từ thực tiễn
Nghiên cứu kỹ đặc thù kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là những nguy cơ phát sinh cháy nổ từ nhà dân đến cơ sở kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở, các thành viên trong tổ nghiên cứu của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh nhận thấy những bất cập nảy sinh trong việc tiếp cận nguồn nước phục vụ chữa cháy lâu dài đối với các đám cháy lớn, đám cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện. Theo phân tích, hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an các địa phương được trang bị xe chữa cháy có dung tích téc nước nhiều nhất là 8m3, với lưu lượng phun trung bình khi chữa cháy thực tế thì chỉ trong khoảng thời gian 19 phút lượng nước trên xe sẽ hết hoàn toàn, nếu không được tiếp nước kịp thời, công tác chữa cháy sẽ bị gián đoạn dẫn tới việc đám cháy bùng phát trở lại, kéo dài thời gian chữa cháy, làm gia tăng thiệt hại. Vì vậy, việc kịp thời tìm ra nguồn nước dự trữ để phục vụ chữa cháy trong thời gian dài là hết sức cần thiết và là một trong những yếu tố quyết định hàng đầu đến chất lượng, hiệu quả trong công tác chữa cháy. Để tiếp cận nguồn nước nhanh nhất, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương đã khảo sát và xây dựng sơ đồ giao thông nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, tuy nhiên việc này còn mang tính thủ công đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức và độ tin cậy chưa cao do một số điểm lấy nước chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc không có nước, đặc biệt là các trụ nước chữa cháy.
Số liệu từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho thấy, đến tháng 12.2018, toàn tỉnh có 347 trụ nước chữa cháy do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam quản lý (chưa tính các trụ nước trong các khu - cụm công nghiệp), trong đó có 181 trụ đang hoạt động tốt và 166 trụ hư hỏng không thể sử dụng. Để khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trụ nước chữa cháy, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống “ứng dụng quản lý trụ nước và điểm lấy nước chữa cháy trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đây được xem là bước đi tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên máy tính, điện thoại di động, việc truy xuất dữ liệu, tìm kiếm thông tin về trụ nước, bến lấy nước phục vụ chữa cháy, hiện trạng của các điểm này đều sẽ được cung cấp nhanh chóng. Đây được xem là giải pháp công nghệ hữu hiệu, chính xác, độ tin cậy cao cũng như tiết kiệm rất nhiều thời gian, phục vụ cho yêu cầu tác chiến khẩn trương của lực lượng PCCC trong điều kiện thực tế.
Bước đột phá
Phần mềm “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, tra cứu trụ nước, bến lấy nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực PCCC&CNCH trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0, do Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Bộ Công an tổ chức. Điều này mở ra kỳ vọng phát triển thêm phần mềm để ứng dụng vào thực tế trong thời gian tới.
Theo Đại úy Lê Văn Thắng - Bí thư Đoàn Công an tỉnh, phần mềm là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tra cứu trụ nước, bến lấy nước chữa cháy. Phần mềm được xây dựng với hai ứng dụng: ứng dụng web app và ứng dụng trên thiết bị di động (mobile app). Khi ứng dụng được kích hoạt trên máy tính hoặc điện thoại di động, tất cả thông tin vị trí về trụ nước, bến lấy nước chữa cháy tại địa bàn sẽ hiển thị trên màn hình. Càng đến gần đám cháy, ứng dụng ngay lập tức có được thông tin, vị trí của các trụ nước, bến lấy nước gần nhất xung quanh vị trí người dùng, giảm thiểu thời gian, công sức tìm điểm lấy nước theo cách thông thường, nên công tác chữa cháy không bị gián đoạn góp phần giảm tối đa thiệt hại do cháy gây ra. Trong trường hợp đám cháy có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, có thể phân bổ điểm lấy nước cho từng xe theo vị trí gần nhất.
Ngoài ra, trong công tác quản lý, trụ nước chữa cháy được đưa lên ứng dụng sẽ phải bảo trì định kỳ theo đúng quy định. Nếu chưa được bảo trì và cập nhật thông tin, hệ thống sẽ báo động đỏ, giúp Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nắm bắt kịp thời để có hướng xử lý, hạn chế tình trạng trụ nước bị hư hỏng, không sử dụng được do không được bảo trì. Nếu có chiến lược phát triển lâu dài và kế hoạch đầu tư hợp lý, ứng dụng có thể mở rộng ra nhiều mảng trong công tác quản lý PCCC&CNCH như báo cháy thông qua ứng dụng với độ tin cậy cao, chỉ đường ngắn nhất đến đám cháy, tra cứu bộ thủ tục hành chính PCCC&CNCH, quản lý số liệu thống kê, quản lý hồ sơ cơ sở, số liệu điều tra cơ bản... “Hệ thống này được thiết kế trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại, có độ tin cậy cao, kết nối và sử dụng các thiết bị theo kiểu module nên dễ dàng mở rộng và nâng cấp về sau, hệ thống cũng dễ dàng kết nối với các hệ thống khác khi cần trao đổi thông tin. Đặc biệt, ứng dụng này có thể được áp dụng trên phạm vi cả nước khi có nhu cầu. Với sản phẩm này, chúng tôi kỳ vọng sẽ phát huy được lợi thế của nền tảng công nghệ, giải quyết các bất cập còn tồn tại trong công tác PCCC&CNCH” - Đại úy Lê Văn Thắng cho biết.