Trong bối cảnh các bệnh nhiễm trùng ngày càng có xu hướng gia tăng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo “Cập nhật tình hình bệnh nhiễm trùng” để chia sẻ thông tin liên quan và chủ động ứng phó.
Cán bộ y tế tổ chức cho người dân thôn 8B xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) uống thuốc dự phòng khi nơi này bùng phát bệnh bạch hầu hồi giữa năm 2015. Ảnh: S.Y.T |
Nhiều thách thức
Hội thảo do PGS-TS-BS. Phạm Thị Lệ Hoa - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm - Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh chủ trì, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Sở Y tế Quảng Nam, BVĐK Trung ương Quảng Nam, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Phan Châu Trinh.
Hội thảo nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng nội khoa, truyền nhiễm và người làm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Quảng Nam cập nhật tình hình bệnh lý nhiễm trùng hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam - đặc biệt là tại Quảng Nam.
Theo PGS-TS-BS. Phạm Thị Lệ Hoa, số liệu thống kê ghi nhận được về tình hình bệnh nhiễm trùng đang ở mức đáng lo ngại.
Tại các nước thu nhập thấp, 52% số người tử vong do bệnh lây nhiễm, bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, trong khi ở nước giàu, con số này chỉ khoảng 7%. Nhiễm trùng hô hấp dưới hiện vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu.
“Các bệnh nhiễm trùng đang lưu hành, bệnh mới nổi và tái nổi, bệnh do kháng thuốc, do hạn chế vắc xin phòng nhiễm trùng,... vẫn còn là những thách thức lớn cho y học hiện nay. Bệnh nhiễm trùng đang lưu hành ở Việt Nam là gánh nặng y tế và là mối đe dọa đến tính mạng của người dân” - bác sĩ Hoa nói.
Còn theo ThS-BS. Lê Viết Nhiệm - BVĐK Trung ương Quảng Nam, nghiên cứu sinh Đại học Aix (Marseille, Cộng hòa Pháp), tại Quảng Nam bệnh lý nhiễm trùng rất đa dạng và nguy hiểm, mà xảy ra gần đây nhất là các loại dịch cúm A, dịch sốt xuất huyết Dengue, ổ dịch bạch hầu,...
“Tuy nhiên, việc việc chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn do đó là bệnh thường gặp trên lâm sàng nhưng nguyên nhân của bệnh đa dạng, công cụ chẩn đoán hạn chế và còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu bệnh lý” - ThS-BS. Lê Viết Nhiệm nhận định.
Như một cách chia sẻ với ông Nhiệm về những quan ngại chung quanh khó khăn, thách thức trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhiễm, TS-BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Phan Châu Trinh cho rằng, trong lâm sàng có những bệnh nhiễm triệu chứng rõ ràng, nhưng cũng có những bệnh không có triệu chứng cụ thể. Vì thế, xét nghiệm vi sinh đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán xác định từng bệnh và đối với bệnh nhiễm, đây còn là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh. Hiện nay, các phương pháp truyền thống vẫn được áp dụng chủ yếu trong lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp này còn nhiều hạn chế như độ nhạy và độ đặc hiệu chưa cao, kết quả xét nghiệm sớm nhất là sau 48 giờ, đôi khi không kịp thời cho bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị. Hơn nữa, có những vi sinh vật không thể nuôi cấy được hoặc rất khó nuôi cấy.
Trong khi đó, ở một hướng tiếp cận khác, có tính đặc thù, BSCKI. Thân Trọng Long - Trưởng khoa Nội - nhi - nhiễm Trung tâm Y tế huyện Nam Giang đưa ra cảnh báo về sốt mò, một loại bệnh truyền nhiễm từng xảy ra trong mùa ươi ở Nam Giang năm 2014. Thách thức của bệnh này không hoàn toàn nằm ở chuyên môn mà ở những vấn đề khác: bệnh có khả năng liên quan với yếu tố đi rừng thu hái ươi, làm rẫy; người bệnh là nữ giới chiếm đa số và hầu hết bệnh nhân được điều trị muộn.
Chủ động ứng phó
Đúng như tên gọi của hội thảo, đa số các nhà khoa học tham gia đều nhất trí rằng, để kiểm soát được bệnh nhiễm, các cơ sở y tế phải cập nhật được tình hình dịch bệnh, cùng với đó là triển khai đồng bộ các biện pháp dịch tễ và giải pháp kỹ thuật.
Từ kinh nghiệm trong công tác khống chế dịch bạch hầu từng xảy ra ở Quảng Nam trong các năm 2015 - 2017, TS-BS. Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, một khi cập nhật được tình hình của bệnh thì khả năng thành công trong ngăn chặn, điều trị rất cao. Trong đó, bên cạnh việc cập nhật chính xác khu vực bệnh lưu hành, xác định được đường lây, nhất thiết còn phải “cập nhật” kỹ thuật với các chẩn đoán lâm sàng chính xác cũng như nâng cao hiệu quả điều trị và cách ly.
Còn BSCKI. Thân Trọng Long - Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, từ kinh nghiệm điều trị sốt mò, cho rằng bên cạnh việc chẩn đoán dựa vào dịch tễ, lâm sàng, cần thiết phải giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng bệnh cho người dân và cả nhân viên y tế.
Đề cập ở một phạm vi rộng hơn, TS.BS Nguyễn Đỗ Ngọc Linh cho rằng trong chẩn đoán bệnh nhiễm, việc áp dụng kỹ thuật real-time PCR - một kỹ thuật sinh học phân tử có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, là tiếp cận rất cần thiết, bổ trợ cho xét nghiệm vi sinh truyền thống. Biện pháp này không chỉ khả thi cả về kỹ thuật mà cả về mặt kinh tế. Các xét nghiệm vi sinh hiện đại cung cấp nhiều thông tin hơn và cho kết quả nhanh hơn, giúp cải thiện hiệu quả chẩn đoán và điều trị... Hiện tại, Trường Đại học Phan Châu Trinh đang tiến hành xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ gene trong chẩn đoán và điều trị. Trong lĩnh vực vi sinh lâm sàng, trường đang thiết lập hệ thống xét nghiệm Multiplex real-time PCR xác định các tác nhân vi sinh vật gây bệnh chủ yếu trong từng mẫu bệnh phẩm. “Mong muốn của chúng tôi là đầu tư nghiên cứu khoa học không chỉ phục vụ cho mục đích giảng dạy và nâng cao năng lực tư duy khoa học của sinh viên mà còn nghiên cứu ứng dụng đưa ra những giải pháp thực tế trong lâm sàng” - TS.BS Nguyễn Đỗ Ngọc Linh nói thêm.
CHÂU NỮ