Va chạm khi tham gia giao thông là điều ngoài ý muốn nhưng lại là chuyện thường xảy ra trên đường. Người tham gia giao thông dù cẩn thận cỡ nào, hoặc hạ tầng giao thông tốt đến đâu, vẫn có thể xảy ra va chạm khi tham gia giao thông. Trừ những vụ va chạm mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng, phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật; còn những vụ va chạm nhẹ, người trong cuộc thường tự xử lý. Tuy nhiên, có những vụ va chạm nhỏ, thậm chí là chưa va chạm, chỉ suýt va chạm, nhưng do người trong cuộc thiếu kiềm chế, thiếu bình tĩnh hoặc ứng xử không khéo, đã dẫn đến bạo lực và để lại hậu quả đáng tiếc.
Có những người ứng xử đẹp trên đường, dù không có luật nào quy định. Vừa rồi, bạn tôi lái xe đến một con đường hẹp, chỉ đủ một làn xe. Từ xa, một chiếc ô đối diện đã nháy đèn và bấm còi, bạn tôi bèn lui xe lại chỗ ngã ba, tránh và nhường đường cho xe kia. Sau khi qua khỏi chỗ hẹp, bác tài bên kia xuống xe, đến chào và cảm ơn bạn tôi đã nhường đường. Nếu lúc ấy bạn tôi không lùi xe, thì cả hai đều bị mắc kẹt, và phải lùi một đoạn khá xa mới có đến chỗ tránh. Trong trường hợp này, tôi nghĩ, cả hai đều có ứng xử đẹp.
Ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông, nhất là khi không may xảy ra va chạm, là một nét đẹp của văn hóa giao thông. Trên thực tế, có những vụ va quẹt nhỏ, nhưng do thiếu bình tĩnh đã dẫn đến “chuyện bé xé ra to”. Trong nhiều va quẹt nhẹ trên đường, nếu người gây ra lỗi kịp thời xin lỗi, chủ động bồi thường; còn người bị va chạm vui vẻ cho qua, thì mọi chuyện hết sức nhẹ nhàng. Nhưng có những người phạm lỗi, còn hùng hổ, không nhận ra cái sai của mình, đòi hành hung người bị phạm lỗi. Sự thiếu kiềm chế ấy, thậm chí còn dẫn đến án mạng, như đã xảy ra trong thực tế. Có người chỉ vì trầy xước nhỏ, đã hành hung và đập phá phương tiện của người khác, nên vừa phải lo bồi thường thiệt hại, vừa bị xử lý hành chính - thậm chí là hình sự, theo quy định của pháp luật.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nội dung thi lý thuyết lấy bằng lái xe mô tô, ô tô, có một phần không thể thiếu là văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe (bao gồm cả văn hóa khi tham gia giao thông). Nhưng dường như đó vẫn chỉ là lý thuyết. Còn trên thực tế, xảy ra nhiều tình huống va chạm khi tham gia giao thông, mà cách ứng xử với va chạm như thế nào, thì người tham giao thông phải “tùy cơ ứng biến” và cần phải học.
SÁU CÒI