Quảng Nam được xem là một trong những địa phương năng động trong việc vận dụng các cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, đã có không ít DN phải “bơi” để tồn tại. Đầu năm mới, các nhà quản lý, chủ DN cùng ước vọng sẽ tiếp tục tìm ra và áp dụng các giải pháp hợp lý để vươn lên…
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty CP Trường Hải tại lễ ra quân đầu năm. Ảnh: DIỄM LỆ |
GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT TRẦN VĂN TRI:
“Chọn nhà đầu tư chất lượng”
Tất cả mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Ba nút thắt của nền kinh tế về nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư yếu kém… được nhận diện, đang được lãnh đạo tỉnh và người dân Quảng Nam “xác lập” trong một “tư duy chiến lược phát triển” đồng bộ và dài hạn. Quảng Nam thực sự lọt vào tầm ngắm và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư tiềm năng từ khắp thế giới chính là nhờ sự năng động trong việc vận dụng các cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách phù hợp. Đó là cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách chính sách và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI, tạo một hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và mở rộng.
Quảng Nam sẽ chọn những nhà đầu tư chất lượng bằng những dự án tăng trưởng xanh, có giá trị gia tăng cao. Để thực hiện được điều này, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch đối với chính sách và thủ tục đăng ký đầu tư, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình đầu tư của DN. Tiếp tục huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để tăng cường việc xây dựng kết cấu hạ tầng, các nguồn năng lượng cho phục vụ sản xuất. Những tồn tại cần được mổ xẻ, phân tích để cải thiện trong việc phối hợp thống nhất, kịp thời. Các cơ quan công quyền, địa phương cần thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, DN và nâng cao mức sống của người dân, đừng để DN đến đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác... Giải quyết được điều này, Quảng Nam sẽ trở thành một trong những tỉnh, thành thực sự có cơ chế ưu đãi, môi trường đầu tư tốt, dễ dàng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng giám đốc Thaco Group:
“Cởi mở chính sách, hiệu suất đầu tư sẽ cao”
Không thể nói Quảng Nam không có môi trường đầu tư tốt được khi Công ty CP Ô tô Trường Hải đã gia tăng từ 1 lên 20 nhà máy sản xuất và công nghiệp hỗ trợ tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Vấn đề chính là sự chồng chéo chính sách giữa các bộ, ngành Trung ương, cần được giải quyết nhanh chóng để thúc đẩy phát triển. Chính quyền cần xem xét và hài hòa lợi ích giữa dân – nhà đầu tư – Nhà nước, xem lại hiệu lực hành chính từ tỉnh đã giảm dần xuống cơ sở. Giải quyết được điều này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy lãnh đạo, quản lý và tư duy quản trị của DN.
Những ưu đãi của Chu Lai năm 2003 là đúng thời điểm, hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng đã qua 10 năm, có những cơ chế không còn phù hợp cần có những đột phá, thay đổi. Vào sân chơi lớn AFTA, những chính sách lỗi thời không còn phù hợp. Chúng ta cần phát triển công nghiệp phụ trợ thu hút nhà đầu tư và xem xét lại chính sách, cơ chế ưu đãi được áp dụng từ 10 năm trước. Nếu chính sách cởi mở hơn, thông thoáng hơn, chúng tôi tin rằng hiệu suất đầu tư của các DN sẽ phát triển hơn nữa. Đối với những dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô, về nguyên tắc nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro do dung lượng thị trường chúng ta còn nhỏ. Vì vậy, phải có cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, khoa học công nghệ. Cần những liên kết vùng để tạo ra những chuỗi giá trị, vùng sản xuất. Đầu tư hạ tầng, phát triển đào tạo thì phải làm thường xuyên, liên tục, nhưng phải có những ý tưởng đột phá để kết nối với các nhà sản xuất nhỏ lẻ thành một chuỗi giá trị. Ví dụ như ngành ô tô, có thể sản xuất một vài chi tiết với mong muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như vậy cần phải có sự liên kết mạnh hơn nữa.
Mười năm qua, đã hình thành được một phần không gian kinh tế và tiếp theo thì phải thay đổi, đầu tư mạnh cho hạ tầng xã hội. Vấn đề là làm cái gì vào lúc nào cho phù hợp chứ không nên “đi tắt đón đầu” sớm quá cũng không được.
ÔNG NGUYỄN TÂM - GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ĐẤT QUẢNG:
“Doanh nghiệp tự kiếm củi… để giữ lửa”
Thị trường đầu ra không đáng lo ngại, nhưng DN đang gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu vào tăng quá lớn. Theo thống kê của DN, từ năm 2012 đến hết 2013, chi phí đầu vào tăng trên dưới 25% nhưng giá bán không tăng, thậm chí giảm. Thứ hai, khó khăn bị tác động bởi yếu tố ngân hàng. Trước đây khi lập phương án đầu tư, DN đã tính khá kỹ để hy vọng có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, kinh doanh rơi đúng giai đoạn suy thoái, ngân hàng không tiếp tục cho vay. Công suất thì tăng gấp đôi, nhưng lại hụt vốn nên bị mất cân đối ngay từ đầu, dẫn đến hệ quả là DN rơi vào vùng xoáy khó khăn sản xuất kinh doanh.
Giữa bối cảnh hiện nay, mỗi DN phải tự bươn chải để tồn tại chứ không còn con đường nào khác hơn. Hiện tại để vượt qua khó khăn, DN tìm mọi cách để giảm bớt tiền vay ngân hàng, bằng cách bán những tài sản nào không thiết yếu để trả nợ; tiết kiệm chi phí và nâng sản lượng. Tuy nhiên, hiện thời hai giải pháp ấy chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ của ngân hàng thì mới có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn. Có những chính sách đúng, nhưng thực thi mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nơi, mỗi phách, không phân định rõ ràng nên khuyến khích cái gì và cấm cái gì? DN rất cần một hành lang pháp ý rõ ràng, chứ không cần sự ưu đãi. Lỗ, lãi là chuyện thường trong kinh doanh, nhưng đừng để DN bơi trong vòng luẩn quẩn.
Thị trường thăng trầm nhưng chắc chắn sẽ hồi phục. Nhưng điều quan trọng quyết định mang tính đột phá đến tốc độ và mức độ phục hồi của nền kinh tế, thị trường đều phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. DN chỉ là phụ thuộc. Có lẽ thời điểm này, mỗi DN phải “tự lo kiếm củi” cho mình để tiếp tục “giữ lửa” cho DN; phải tự tìm cái gì đó bám víu vượt qua, chờ ngày hồi phục.
Chính quyền Quảng Nam đã chia sẻ, hỗ trợ nhiều cho DN. Những gì không trái pháp luật, có thể vận dụng, giải quyết được, rất mong tỉnh nhà vận dụng để cứu cho những DN gặp khó khăn.
TRỊNH DŨNG