Ưu tiên giảm nghèo cho miền núi

ALĂNG NGƯỚC 27/12/2018 02:03

Sáng 26.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân tộc năm 2018 và bàn phương hướng năm 2019 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng các hạng mục phát triển miền núi.

Từ nguồn ngân sách tỉnh và trung ương, năm 2018 nhiều địa phương miền núi đã ưu tiên hỗ trợ ổn định dân cư đồng bào dân tộc thiểu số.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ nguồn ngân sách tỉnh và trung ương, năm 2018 nhiều địa phương miền núi đã ưu tiên hỗ trợ ổn định dân cư đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều nguồn lực hỗ trợ

Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, năm 2018, qua đánh giá thực tế của các địa phương, đời sống của đồng bào miền núi tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo một cách có hiệu quả và thiết thực. Từ các nguồn vốn, dự án giảm nghèo của Chính phủ, các địa phương đã linh hoạt lồng ghép thực hiện nhiều hạng mục tại chỗ có hiệu quả, nhất là việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn và xây dựng mặt bằng tái định cư tập trung miền núi, tiêu biểu như huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My… Bên cạnh đẩy mạnh các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương về công tác giảm nghèo, nhiều chính sách đầu tư của tỉnh được triển khai tại miền núi cũng đã góp thêm diện mạo mới về cuộc sống của đồng bào. Trong đó, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với ổn định sắp xếp dân cư miền núi được xem như “đòn bẩy” giúp các địa phương sớm hoàn thành mục tiêu theo chiến lược giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4 - 5%, với thu nhập trên đầu người đạt hơn 11 triệu đồng/năm.

Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, cùng với chính sách đầu tư cho miền núi theo các nghị quyết của tỉnh, việc duy trì chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, từ nguồn ngân sách phân bổ của Chính phủ, huyện Nam Giang đã triển khai hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế cho người dân địa phương, với việc cấp hơn 28 nghìn cây giống ba kích, đinh lăng và keo Úc, với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, giúp 1.341 hộ hưởng lợi trực tiếp. “Ngoài ra, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ cho vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi cũng đã thực hiện hỗ trợ gần 500 nghìn giống keo Úc và 60 con bò giống, giúp 975 hộ dân hưởng lợi, với kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng” - ông Sơn nói.

Trong khi đó, tại huyện Nam Trà My, theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, năm 2018, nghị quyết của Huyện ủy xác định việc sắp xếp dân cư sẽ được thực hiện tại 51 điểm của 10 xã, đảm bảo nhu cầu ổn định về chỗ ở cho khoảng 2.200 hộ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh bố trí còn hạn chế nên đến nay chỉ triển khai thực hiện được 13 điểm dân cư, giúp 631 hộ hưởng lợi, kinh phí hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng. “Qua 2 năm (2017 - 2018) triển khai thực hiện hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư, chúng tôi đã bố trí cho 962 hộ đồng bào ổn định về chỗ ở và 457 hộ được hỗ trợ chỉnh trang tại chỗ, với tổng ngân sách hơn 73 tỷ đồng. Năm 2019, nhu cầu sắp xếp dân cư ở huyện Nam Trà My khoảng 1.618 hộ, được triển khai tại 39 điểm dân cư, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 90 tỷ đồng” - ông Mẫn cho biết.

Cần kế hoạch lâu dài

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - Nguyễn Hoàng Thanh cho hay, kế hoạch phân bổ hỗ trợ cho đầu tư miền núi năm 2018 khoảng 2.271 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 552 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 1.719 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện các dự án, hạng mục công trình về giao thông, giáo dục, y tế và bố trí, sắp xếp dân cư miền núi. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, các địa phương chỉ mới giải ngân khoảng 1.351 tỷ đồng, khiến việc đầu tư chưa đảm bảo theo kế hoạch dự tính ban đầu. Vì thế, ông Thanh nói, bước sang năm 2019, các địa phương cần sớm phân bổ kinh phí một cách linh hoạt nhằm đảm bảo thực hiện các dự án đầu tư được đồng bộ, theo đúng kế hoạch chung. Theo đó, cùng với tập trung công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực cán bộ trong việc triển khai các dự án, các huyện miền núi cần lồng ghép có hiệu quả giữa các chính sách hỗ trợ nhằm đồng bộ nguồn lực theo mục tiêu thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, giải quyết bài toán giảm nghèo ở miền núi không phải chỉ “một sớm một chiều”, mà cần có lộ trình, kế hoạch lâu dài. Vì thế, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại giúp miền núi “giải phóng đói nghèo”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án dân sinh cho miền núi, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, mô hình sản xuất phát triển kinh tế, đầu tư bố trí sắp xếp dân ổn định cuộc sống, nhằm sớm chặn được tình trạng tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. “Mục tiêu đưa lực lượng con em miền núi hiện nay chưa có việc làm ổn định về làm việc, học nghề tại một số doanh nghiệp, công ty lớn ở khu vực đồng bằng, để các em có có cơ hội làm quen, học tập dần được tác phong công nghiệp. Bởi trong tương lai, đây sẽ là lực lượng nòng cốt, sau này khi doanh nghiệp ở miền núi nhiều hơn, chính các em sẽ lại là lực lượng quay trở về để phục vụ cho sự phát triển của miền núi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tiên giảm nghèo cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO