Thời gian qua, nhiều tổ chức hội, liên đoàn hay câu lạc bộ (CLB) thể thao ở Quảng Nam ra đời và hoạt động khá tích cực, thật sự là “đòn bẩy” thúc đẩy phong trào phát triển. Điển hình nhất là Liên đoàn quần vợt và Liên đoàn cầu lông. Chưa nói đến phong trào cơ sở, chỉ với số lượng giải đấu, quy mô giải và số lượng vận động viên dự tranh liên tục tăng lên theo từng năm… đủ thấy bước phát triển mạnh mẽ của 2 môn thể thao này.
Lần đầu tiên giải cờ tướng dành cho người khuyết tật được tổ chức vào năm 2012. Ảnh:T.VY |
Chẳng hạn giải Cầu lông các CLB tỉnh lần thứ 8 diễn ra vào cuối năm 2012, có đến 370 vận động viên đến từ 25 CLB trên toàn tỉnh tham gia thi đấu ở 8 nhóm tuổi với tổng cộng 258 trận đấu. Để tạo nên giải đấu phong trào có quy mô lớn như vậy, rõ ràng vai trò “bà đỡ” của Liên đoàn Cầu lông tỉnh khá tích cực và hiệu quả. Dù quy mô không lớn do đặc thù của quần vợt, nhưng môn thể thao này cũng tạo ra bước đột phá mạnh mẽ khi nhiều lần tổ chức sân chơi mở rộng với sự tham gia của các tay vợt đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Chính điều đó đã tạo ra sức hút đáng kể đối với người chơi cũng như khán giả trên toàn tỉnh.
Ở các bộ môn võ, dù chưa thể hiện được tốt nhất vai trò của mình nhưng các Hội karatedo hay Hội võ thuật cổ truyền cũng đã để lại dấu ấn trong việc đẩy mạnh phong trào. Trong 2 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, tổ chức hội của 2 môn võ này đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào, giúp các vận động viên, huấn luyện viên có điều kiện tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Trong khi đó, dẫu còn không ít khó khăn, CLB thể thao người khuyết tật Quảng Nam vẫn nỗ lực kết nối tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật trên địa bàn. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 và chỉ trong thời gian ngắn, CLB đã tạo ra một số sân chơi, cụ thể là giải cờ tướng và cầu lông, thu hút nhiều người tham gia.
Ở cấp huyện, một số chi hội cũng đã phát huy khá tốt vai trò của mình, chẳng hạn như Chi hội Võ thuật cổ truyền huyện Điện Bàn. Theo võ sư Huỳnh Khải - chi hội trưởng thì trước năm 2007 toàn huyện chỉ có 3 CLB, nhưng từ khi chi hội thành lập đến nay đã phát triển lên thành 10 CLB với 600 võ sinh tập luyện thường xuyên. Chi hội cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cho các võ sinh tham gia thi đấu cọ xát nâng cao trình độ, dự thi thăng đẳng cấp; đồng thời giới thiệu các võ sư, huấn luyện viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn. Có thể nói, nếu Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh cũng như Chi hội Võ thuật cổ truyền Điện Bàn không phát huy tốt vai trò của mình thì phong trào của huyện Điện Bàn chưa chắc có được sự phát triển nhanh như vậy.
Vai trò “bà đỡ” của các tổ chức hội, liên đoàn hay CLB trong thể thao rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế có một vài tổ chức hội chưa phát huy hết vai trò của mình hoặc một số môn thể thao chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức hội, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào. Vì vậy, với vai trò quản lý nhà nước về TDTT, Sở VH-TT&DL cần có định hướng và tạo điều kiện để phát triển tổ chức hội cũng như giúp đỡ hội hoạt động hiệu quả.
T.VY