Tại châu Á -Thái Bình Dương, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế khu vực ngày càng được phát huy nhưng họ phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức để khẳng định năng lực bản thân.
Theo thống kê, hiện nữ giới chiếm hơn một nửa trong tổng số dân của khu vực. Tổ chức Liên hiệp quốc nhận định rằng, với lực lượng đông đảo đó, nếu nữ giới được tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát huy hết tiềm năng, mỗi năm các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tăng thêm 89 tỷ USD. Thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, hiện tại phụ nữ khu vực Đông Á quản lý khoảng 6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tương tự, con số này ngày càng gia tăng tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.
Vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được chú trọng. |
Còn theo khảo sát của Tạp chí Bloomberg (Mỹ), tỷ lệ phụ nữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữ vai trò quản lý các ngân hàng tư nhân lên tới 3/2 so với nam giới. Trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ phụ nữ/nam giới trong ngành ngân hàng tài chính chỉ là 1/4, còn ở Thụy Sĩ, trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới là 1/9. Ví như, tỷ lệ phụ nữ làm việc ở hai trung tâm tài chính lớn nhất của châu Á là Singapore và Hồng Kông vào khoảng 60%. Ngân hàng Standard Chartered, một trong top 10 nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Á, cho biết 60% nhà quản lý khách hàng của họ là nữ. Tại JPMorgan Chase, đứng thứ 4 về quản lý tài sản ở châu Á, có trên 50% nhà quản lý khách hàng là nữ.
Trên thực tế, tại một số nước trong khu vực, nhiều nữ doanh nhân muốn vay tín dụng phải có chứng minh nhân dân hay chữ ký của người chồng trên hồ sơ vay mượn. Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ các nữ doanh nhân được tiếp cận với hệ thống giáo dục cao hơn về kỹ năng, quản lý… còn hạn chế. Trong khi đó, phụ nữ luôn được coi là động lực phát triển cũng như góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các nền kinh tế mới của khu vực giai đoạn hiện nay. Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2013 vừa được diễn ra đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội. Các đại biểu cho rằng phụ nữ cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực và không ngừng phấn đấu vươn lên để khẳng định vai trò cũng như vị trí của mình. Hội nghị đã kêu gọi xóa bỏ những định kiến về giới trong suy nghĩ, văn hóa và hành động ở mỗi gia đình, công sở và ngoài xã hội, nhằm tạo điều kiện phát triển thuận lợi và bình đẳng hơn nữa cho phụ nữ. Nhất là trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng cường hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững và tối ưu hóa nguồn lực càng khẳng định vai trò ngày càng tăng của phụ nữ trong việc tạo ra các nền kinh tế mới.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2013, Việt Nam đã chia sẻ những chính sách và thực tiễn thúc đẩy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc tạo ra nền kinh tế mới mang tính bền vững hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Nhiều doanh nghiệp nữ Việt Nam hiện đang đi tiên phong trong một số ngành nghề mới và có những đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)