Hôm qua (13.2), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành liên quan, các chủ đầu tư nhà máy thủy điện và chính quyền một số địa phương để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành về vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Phối hợp nhịp nhàng
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 6 nhà máy thủy điện (gồm các nhà máy thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5) thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Để hài hòa lợi ích phát điện và nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân vùng hạ du, từ đầu vụ đông xuân 2015 - 2016, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch sử dụng nước và điều tiết các hồ thủy điện. Nhờ đó, mùa khô năm qua không xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ do thiếu nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại cuộc họp rút kinh nghiệm trong vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện vào sáng 13.2. Ảnh: T.H |
Còn mùa mưa lũ cuối năm 2016, do thời tiết diễn biến phức tạp, cụ thể trong ngày 4.11.2016, một số nơi có lượng mưa lớn như Trà My 725mm, Phước Sơn 389mm, Nông Sơn 348mm, Hội Khách 330mm..., trước đó, trong 2 ngày (1 và 2.11.2016), có 3 hồ chứa thủy điện thực hiện vận hành điều tiết qua tràn gồm nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Đắc Mi 4 và Sông Tranh 2. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), từ 7 giờ ngày 30.10.2016 đến 7 giờ ngày 4.11.2016, các hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 4, Đắc Mi 4, A Vương, Sông Tranh 2 đã góp phần làm giảm bớt lưu lượng nước về hạ du là hơn 573 triệu mét khối. Việc vận hành điều tiết qua tràn của các hồ chứa thủy điện không làm tăng thêm lưu lượng nước về hạ du.
Ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho rằng, mùa mưa lũ qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác vận hành, điều tiết xả lũ. Nhà máy sử dụng các bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ làm căn cứ để vận hành, điều tiết xả lũ. Lượng nước về hồ A Vương rất ít. Theo ông Trâm, mùa lũ vừa qua nhà máy chỉ truy cập được một số hồ có xả lũ như nhà máy thủy điện A Vương, Sông Tranh 2; còn nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 thì không cập nhật được thông tin. “Chúng tôi muốn có thông tin dự báo mực nước về sông Ái Nghĩa hàng giờ, nhà máy vận hành mà 3 giờ mới có thông tin thủy văn là quá chậm. Cho nên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phải thường xuyên cập nhật lệnh điều hành; cập nhật thông tin lượng mưa ở thị trấn Ái Nghĩa. Hệ thống tin nhắn cần gửi đến đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp” - ông Trâm kiến nghị. Còn các nhà máy thủy điện Sông Bung 5, Sông Bung 4A do lưu vực hồ nhỏ không ảnh hưởng đến điều tiết nước vùng hạ lưu.
Nằm dưới “quả bom nước” khổng lồ của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, các địa phương như Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, thị xã Điện Bàn... cũng không tránh khỏi lo lắng khi xả lũ. Theo lãnh đạo chủ đầu tư các nhà máy này, đơn vị đã ký quy chế phối hợp với chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, mùa lũ người dân rất cần thông tin thủy văn từ các trạm ở huyện Nông Sơn. Sắp tới thủy điện Sông Tranh 3 vận hành, điều tiết cả sông Trường và Nước Oa nên cần chỉ đạo nhà máy này điều tiết xả phù hợp. Thành công lớn nhất của công tác chỉ đạo, điều hành về điều tiết các hồ chứa thủy điện mùa lũ năm 2016 chính là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các chủ nhà máy và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Dự báo, cảnh báo phải kịp thời
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Kịch bản càng tốt thì càng giảm rủi ro thiên tai” Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, năm 2017, các nhà máy thủy điện và các ngành điều hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện phải chuyên nghiệp, thiết bị công nghệ phải hiện đại. Rủi ro luôn rình rập mà xây dựng kịch bản không chuyên nghiệp thì khó tránh khỏi thiệt hại; ngược lại kịch bản càng tốt thì càng giảm rủi ro thiên tai. Thêm nữa, các nhà máy xây dựng kịch bản diễn tập thường xuyên, phối hợp với các cơ quan dự báo thủy văn. Sổ tay tuyên truyền phải thực sự dễ hiểu dễ nhớ. Thống nhất với đề xuất xây dựng một đề án phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh, trình HĐND tỉnh. Riêng nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 cần có dự báo khác biệt so với các hồ khác, phải chỉ huy đặc biệt. |
Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, lũ muộn xuất hiện hồi năm ngoái gây thiệt hại lớn về sản xuất trồng trọt. Dự báo thời tiết còn chậm và chưa chính xác. Bản đồ ngập lũ và vết lũ không còn tác dụng do xây dựng đường cao tốc dang dở. Cho nên, cần tính toán lượng mưa ở mức báo động chuẩn xác nhất để di dời, sơ tán nhân dân kịp thời. Ngân sách tỉnh cần đầu tư, nâng cấp trang website của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, sắp tới sở sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh xây dựng kế hoạch. Còn ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, bản đồ ngập lũ vùng hạ du nên gắn với nhiều kịch bản xả lũ của các chủ đập thủy điện. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN làm đầu mối xây dựng bản đồ ngập lũ. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin thêm, việc điều hành nước trong mùa kiệt sẽ có kế hoạch trong tháng 3.2017.
Thời gian đến, sẽ cung cấp sổ tay tuyên truyền cho người dân; kiện toàn nâng cấp trang website của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN. Các hồ thủy điện nhất thiết phải đầu tư xây dựng các trạm quan trắc mới. Nhìn nhận ở góc độ giải quyết hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thời gian lấy nước và thời gian xả nước; tổng lượng xả với các đợt xả cần cân nhắc phù hợp. Trường hợp các hồ thiếu nước cũng chia sẻ xả nước cho hạ du. Bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ có độ chênh nhau trong dự báo. “Ngoài những việc làm được thì thực tế vẫn còn hạn chế trong công tác dự báo, chỉ dự báo mang tính cục bộ, chưa chính xác. Tình trạng xả lũ về ban đêm vẫn còn nhiều. Do vậy, quy chế cung cấp thông tin phải rõ ràng, các chủ hồ đều nắm. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xem lại vị trí lắp đặt camera. Cử cán bộ Sở TN&MT và Sở Công Thương tham gia trực. Đồng thời tham vấn ý kiến chuyên gia trong lũ lụt. Trong thời điểm nhạy cảm, lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phải thông tin kịp thời để tạo yên tâm cho người dân. Khẩn trương xây dựng đề án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh có tính lâu dài, chủ động” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.
Thừa nhận hạn chế trong chỉ đạo điều hành, theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, công tác dự báo khí tượng thủy văn thường có độ chính xác chưa cao; dự báo, cảnh báo mưa lũ về hồ còn chưa kịp thời nên việc tính toán để đưa ra quyết định vận hành đưa mực nước hồ ở cao trình phù hợp vừa tăng dung tích phòng lũ cho hạ du vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho năm sau rất khó khăn. Cạnh đó, việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động; có trường hợp lũ về nhanh sẽ không kịp vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ. Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh nhìn nhận: “Bất cập lớn nhất là tỉnh chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong tình huống tất cả các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ hoặc dựa trên kịch bản”.
TRẦN HỮU