Vận hành liên hồ chứa thủy điện: Cần đảm bảo an toàn cho hạ du

TRẦN HỮU 11/10/2016 09:25

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với các nhà máy thủy điện vào hôm qua (10.10), các ý kiến đều đánh giá phần lớn các nhà máy đều trang bị hệ thống cảnh báo, phương án phòng chống lũ lụt mùa mưa và thực hiện chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, các phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du bộc lộ một số bất cập, khả năng điều tiết lũ của các hồ chứa còn hạn chế.

Các nhà máy thủy điện miền núi trong tỉnh đang kiểm định chặt chẽ an toàn đập mùa lũ. Ảnh: TRẦN HỮU
Các nhà máy thủy điện miền núi trong tỉnh đang kiểm định chặt chẽ an toàn đập mùa lũ. Ảnh: TRẦN HỮU

Chưa xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du

Việc phối hợp giữa các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương trong tỉnh để quản lý, vận hành các công trình hồ chứa nước thời gian qua mang lại những hiệu quả tích cực. Hai năm nay chưa xuất hiện các trận lũ lớn, do đó chưa phát sinh các tình huống phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, hiện nay một số đập thủy điện xây dựng trên một hệ thống sông và cùng điều tiết nước về hạ du cho nên khi xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du của từng hồ thủy điện theo quy định năm 2011 không còn phù hợp trong tình huống các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ. Mặt khác dự báo khí tượng thủy văn có độ chính xác chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành, điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các nhà máy thủy điện cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước trong mùa mưa bão năm 2016 và Chỉ thị số 15/CT-UBND  ngày 17.5.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN. Theo đó, các nhà máy làm cuộc tổng kiểm tra cửa van, vận hành thử trang thiết bị máy móc, đường truyền hệ thống dự phòng; các hệ thống loa, còi cảnh báo; kiểm định an toàn đập. Lắp đặt thêm các trạm đo mưa, dự báo được nước về hồ. “Các nhà máy thủy điện khẩn trương báo cáo hiện trạng an toàn đập; triển khai thực hiện đúng quy chế phối hợp giữa nhà máy, chính quyền các địa phương với  Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Đài Khí tượng thủy văn phải cảnh báo chính xác để lãnh đạo tỉnh quyết định đúng đắn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vùng hạ du. Các trạm thủy văn cần tính lại chứ hiện nay mới lắp đặt 17/40 trạm là quá mỏng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.

Ông Trương Thiết Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 cho biết, từ sự cố vỡ hầm dẫn dòng tại nhà máy thủy điện Sông Bung 2 gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu người dân, đơn vị đang xúc tiến rà soát, nếu có thể sẽ điều chỉnh lại phương án phòng chống lũ lụt bằng cách hoàn thiện sơ đồ, cắm mốc ở vị trí cảnh báo nguy cơ lũ lụt cao để người dân biết đề phòng. “Sau sự cố đáng tiếc vừa xảy ra, đang ở mùa mưa nên tuyệt đối nhà máy không tích nước, thi công các hạng mục. Đơn vị đang cố gắng trả lại dòng chảy tự nhiên cho sông” - ông Hùng khẳng định. Còn đại diện nhà máy thủy điện A Vương nêu bất cập trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” về phòng chống thiên tai, việc cập nhật các thông số kỹ thuật cùng một lúc trên nhiều trang website khác nhau của các bộ ngành tốn nhiều thời gian, công sức và dễ nhầm lẫn. Công tác truyền thông về cơ sở vẫn chưa phát huy hiệu quả. Một hạn chế khác, thời điểm này, nhà máy Sông Bung 4A, Sông Bung 5 vẫn chưa lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera theo quy định. Ngoài ra, nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 vẫn chưa phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt, kịch bản vỡ đập. Hệ thống quan trắc thủy văn, các mốc cảnh báo lũ còn thiếu. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, bản đồ ngập lụt vùng hạ du đến nay các nhà máy thủy điện cũng như các địa phương vẫn chưa xây dựng xong.

Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối

Ông Nguyễn Sơn - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 4) khẳng định, đơn vị đã thực hiện 3 chu kỳ đo đạc, quan trắc biến dạng đập, kết quả đều ổn định và an toàn trong vận hành. Công ty đã hợp đồng với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa và phòng chống lụt bão liên tục từ khi tích nước đến vận hành. Để trang bị hệ thống thông tin đầy đủ, nhà máy này lắp đặt 8 camera giám sát đập tràn, đưa vào sử dụng 4 trạm cảnh báo và 1 mốc báo lũ, sử dụng chung hệ thống cảnh báo lũ hạ du với nhà máy thủy điện A Vương. “Đầu tháng 8, công ty phối hợp cùng với Công ty CP Thủy điện A Vương và các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Vu Gia thực hiện tuyên truyền cảnh báo lũ ở các các xã thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có lũ trên địa bàn huyện Đại Lộc để nhân dân chủ động ứng phó” - ông Sơn nói. Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN&MT đưa ra “tối hậu thư” từ nay đến hết ngày 20.10, các nhà máy thủy điện phải báo cáo tình hình quan trắc để UBND tỉnh tổng hợp, trình Bộ TN&MT xem xét. Còn ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu các nhà máy thủy điện giữ nguyên hệ thống quan trắc, quy định của Chính phủ là các nhà máy bắt buộc phải gắn camera chuyển hình ảnh về các cơ quan chức năng địa phương giám sát. Sở Công Thương cũng đã thành lập liên ngành kiểm tra các nhà máy thủy điện về phòng chống lũ lụt, quản lý an toàn đập, an toàn điện, an toàn lao động năm 2016.  

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đến nay đã ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị quản lý nhà máy thủy điện và địa phương liên quan trong công tác vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ hàng năm. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, tổ chức thực hiện, cung cấp thông tin, báo cáo của các bên trong công tác phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa lũ. Khi có hiện tượng mưa lũ, các chủ hồ tổ chức thực hiện quan trắc mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút 1 lần, thực hiện bản tin dự báo lũ định kỳ 3 giờ 1 lần. Hiện nay, ngoại trừ nhà máy thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5 chưa gắn camera, các nhà máy thủy điện còn lại đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan có liên quan theo quy định của các quy trình… Về kinh nghiệm dự báo thời tiết, ông Trương Văn Tý chia sẻ, các trạm quan trắc, khí tượng ở các nhà máy thủy điện cần xuống hồ thủy lợi Phú Ninh học hỏi vì nơi đây có thể dự báo mưa chính xác đến 4 ngày sau.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vận hành liên hồ chứa thủy điện: Cần đảm bảo an toàn cho hạ du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO