Văn hóa chúc tết

LÊ NGUYÊN KHANG 05/02/2013 08:49

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin truyền thông thường nói nhiều đến các thứ văn hóa như “văn hóa từ chức”, “văn hóa xin lỗi”, “văn hóa nhận thưởng”..., nhưng có lẽ trong không khí tết đến xuân về, xin bàn đến một thứ văn hóa khác - “văn hóa chúc tết”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ngày tết.Ảnh tư liệu
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ngày tết.Ảnh tư liệu

Lâu nay, việc các đoàn Trung ương thăm và chúc tết ở các địa phương đã trở thành thông lệ. Thế nhưng vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 21 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây cũng là lần đầu tiên, việc thăm chúc tết của lãnh đạo được quy định rõ trong một văn bản của Trung ương. Chỉ thị 21 nêu rõ: “Không tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc tết các địa phương. Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.2013) là năm lẻ, không tổ chức đón, tiếp khách tại trụ sở các cơ quan đảng”. Trước đó, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Khác với các năm trước, năm nay Trung ương sẽ không cử cán bộ về địa phương chúc tết, tránh gây phiền hà cho địa phương; ưu tiên chăm lo, thăm hỏi các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo, vùng đặc biệt khó khăn”. Phải chăng, Trung ương đã thấy được rằng, đằng sau cái thông lệ ấy vẫn còn nhiều điều cần xem xét, uốn nắn.

Thoạt nhìn, việc thăm và chúc tết cũng có những mặt tích cực, đó là động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của cấp trên đối với cấp dưới, của Trung ương đối với địa phương, ghi nhận những cố gắng của địa phương. Địa phương được thăm cũng thấy tự hào, nở mày nở mặt, coi đó như là một phần thưởng xứng đáng cho những lo toan, tất bật suốt cả năm. Ai cũng vui vẻ, duy chỉ có bộ phận tài chính là phải “vắt óc” tính toán để cân đối chi phí đón tiếp phù hợp với tình hình ngân sách địa phương. Trong khi đó, các vấn đề tình hình đời sống của nhân dân thế nào; các gia đình chính sách, người có công có đủ điều kiện để đón một cái tết vui tươi, đầm ấm hay không; làm sao để vừa động viên được địa phương, đồng bào mà lại ít tốn kém ngân sách của địa phương... thì hình như chưa được quan tâm đúng mức.

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần nâng “chúc tết” từ một nét đẹp truyền thống thành một thứ văn hóa, “văn hóa chúc tết”. Không đâu xa, chúng ta cần học cách chúc tết, văn hóa chúc tết từ Bác Hồ.

Kể từ khi nước ta giành được độc lập (1945), suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, mỗi lần tết đến, xuân về, Bác đều nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Bác coi đó như là trách nhiệm, là cái đạo phải làm của người lãnh đạo. Đi chúc tết, Bác thường không chọn những nơi phố phường đông đúc, không mang theo đông người. Trong đoàn thường chỉ có Bác, một người thư ký và bảo vệ. Nơi đến của Bác chủ yếu là những vùng nông thôn ở ngoại thành, những con hẻm nghèo khó, những gia đình gặp điều bất hạnh. Bác đến một cách bất ngờ, bình dị, gần gũi như người thân trong nhà. Qua cảnh tết của mỗi nhà, Bác dễ dàng nắm được tình hình đời sống của nhân dân, hiểu được thái độ của chính quyền địa phương đối với đồng bào.

Cách đây 67 năm, Tết Bính Tuất - cái Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc - Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình “tết mà không có tết”. Chủ nhà là người đạp xích lô ở ngõ Sinh Từ, trong nhà chỉ có nén hương đang cháy dở trên bàn thờ, còn gia chủ đắp chiếu nằm ở góc nhà vì ốm. Hay tối ba mươi tết năm 1960, nếu chỉ đến thăm những địa chỉ đã được định sẵn trong chương trình của cơ quan thì làm sao Bác biết được rằng, gần đến giao thừa rồi mà chị Tín - một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội - vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mùng một tết có cơm ăn cho 4 đứa con của mình. Cái gia cảnh ấy diễn ra ngay tại thủ đô, sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, hòa bình đã được lập lại hơn 6 năm. Nếu cứ ngồi nghe báo cáo, nghe đọc diễn văn trên báo đài thì ở đâu cũng vui vẻ, no ấm, làm sao biết được trên đất nước còn có bao nhiêu gia đình như vậy.

Những gia cảnh nghèo khó ấy đã làm tim Bác đau nhói. Bác đã từng tâm sự với những người phục vụ: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, Bác Hồ về thăm xã Nghiêm Xuyên và tiếp xúc với nhân dân 2 huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Nếu đi thẳng đến địa điểm đã được sắp xếp từ trước thì làm sao Bác biết được rằng: huyện Phú Xuyên đã có lệnh dời dân để mở rộng đường mà không bồi thường, cũng không chỉ dẫn phương hướng chuyển đi đâu của một gia đình ở xã Xuân Nghiêm. Nhờ đó mà Bác đã kịp thời chỉ thị chính quyền địa phương xem xét giải quyết đất ở cho gia đình ấy. Trên đường về, Bác không vui và nói với các đồng chí đi cùng: “Đối xử với dân như thế là không tốt”.

Trong lúc đất nước đang chuyển mình vào xuân, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang học tập theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, chúng ta cần xây dựng một thứ văn hóa nghe rất quen thuộc “văn hóa chúc tết”.

LÊ NGUYÊN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa chúc tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO