Văn hóa... tiêu tiền

ĐĂNG QUANG 13/06/2016 08:23

Làm ra đồng tiền đã khó, tiêu tiền cũng không dễ.

Không dễ, vì cách tiêu tiền thường bị người đời soi xét, dựng lên “bia miệng” phẩm bình.

Xưa thì hay dẫn chuyện “công tử Bạc Liêu” coi tiền như lá mít, đốt cháy tờ 20 đồng soi cho người khác tìm 1 đồng.

Giờ cũng lắm chuyện liên quan đến cách tiêu tiền của giới nhà giàu.

Một ông chủ nắm trong tay cả tập đoàn kinh tế, đất đai cò bay thẳng cánh, sắm cả máy bay riêng, bỗng thành kẻ nợ như chúa chổm.

Một minh tinh màn bạc, điển trai nổi tiếng, thù lao đóng phim bách vạn, ăn chơi mút mùa, nay tụ mai tán đến rạc rời không còn xu dính túi bị đuổi ra khỏi nhà.

Không thiếu các cô cậu quý tử đua nhau sắm xe sang, điện thoại xịn, hàng hiệu... nhưng văn hóa “ngắn” với khoe khoang cũn cỡn, vô cảm trước nỗi đau cộng đồng.

Hình như với nhiều kẻ giàu mới nổi, chuyện tiêu tiền là vung tay cho sướng, “trưởng giả học làm sang”. Vậy còn những nhà nghèo thì sao?

Nhà nghèo, hẳn nhiên phần lớn là tằn tiện chi tiêu. Không ít bậc cha mẹ làm nông như ở xứ Quảng, phải tần tảo quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm được đồng tiền bát gạo nuôi con ăn học. Mùa này, họ cũng phải chăm giữ mấy con bò, đàn gà vịt, chắt chiu từng đồng chuẩn bị cho con vào đại học.

Tuy nhiên, không phải ai nghèo cũng biết tằn tiện đồng tiền. Báo Quảng Nam từng lên tiếng phản ánh về những ngôi làng, “tự dưng rơi vào đống tiền” do được bồi thường giải phóng mặt bằng, đã đua nhau làm “biệt phủ”, sắm xe sang, rồi đến một ngày nghèo lại hoàn nghèo. Tục lệ ăn trâu huê (đâm trâu) và tục cúng “heo ba đầu” ở một số làng vùng cao, đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều hộ nghèo, quanh năm túng thiếu, nợ ngân hàng mấy chục triệu đồng, song vẫn đi vay mượn để mua heo, nấu rượu, cúng và... nhậu.

Rõ ràng, đứng ở giới tầng xã hội nào, việc tiêu tiền cũng có điều đáng nói, liên quan đến văn hóa. Bởi ứng xử với đồng tiền đòi hỏi phải có trình độ văn minh, văn hóa nhất định. Giàu hay nghèo mà không biết cách quản lý đồng tiền đều sinh ra những hệ lụy tiêu cực. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, việc “bày” cách tiêu tiền ít được chú ý như chuyện “cầm tay chỉ việc” làm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Do đó, các chương trình hỗ trợ hay từ thiện nhân đạo thường chăm lo quà tặng, hoặc giúp cái ăn mặc trước mắt. Không chỉ thiếu quan tâm chiều sâu văn hóa khi đầu tư các công trình, dự án mà đồng bào thấy xa lạ, nhiều nơi còn quyên tiền để giúp cho người nghèo tiêu dùng tùy ý mà không hướng dẫn cách thế nào để sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất. Nhân đây cũng xin nhắc một chuyện đang hồi tranh cãi nảy lửa trong dư luận vì một chương trình của VTV đặt ra là “Làm từ thiện để làm gì?”. Vấn đề VTV nêu là cần nhìn lại cách làm từ thiện nhân đạo, bàn về “của cho” và “cách cho” thế nào với các ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, cách đặt câu hỏi như vậy của VTV bị rất nhiều người phản pháo là “vô cảm”, “phản cảm”, vì theo họ đất nước còn nhiều người nghèo cần giúp đỡ. Và có người nêu ý kiến chia sẻ rằng, làm từ thiện là để “tạ ơn đời”. Chung quy, các luồng ý kiến trái ngược nhau là biểu hiện cho thấy quan niệm khác nhau về cách tiêu tiền. Ngay cả việc làm từ thiện cũng cần biết sử dụng đồng tiền như thế nào để đem đến cho những người nghèo một cách hiệu quả nhất, ích lợi nhất.

Khi đời sống xã hội đang có nhiều biến động, chuyện phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, cách ứng xử với đồng tiền theo đó cũng có nhiều chiều hướng phức tạp. Đặc biệt, trong khi tham nhũng, tiêu cực “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” thì dân nghèo cần có tiền để an sinh, mưu cầu vun đắp ước mơ cho con cái học hành. Người giàu - kẻ nghèo, cũng đầy mâu thuẫn trong cách kiếm tiền và tiêu tiền. Văn hóa có làm được cái “chân phanh” để điều hòa tốc độ xoay tít của đồng tiền?

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa... tiêu tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO