Chuyện dại chuyện khôn

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/05/2022 07:43

Cổ nhân vốn dĩ tổng kết 4 cái ngu lớn ở đời, thế nhưng học giả Vương Hồng Sển vẫn muốn “hiệu đính” và người thời nay cứ tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa. Xem ra chuyện khôn/ dại ở đời muôn hình muôn vẻ…

Vương Hồng Sển và tập sách “Hồi ký 50 năm mê hát”.
Vương Hồng Sển và tập sách “Hồi ký 50 năm mê hát”.

Ngu tân thời

Nói là “tân thời”, nhưng đã được học giả Vương Hồng Sển nhắc đến từ quãng giữa thập niên 60 thế kỷ 20. Viết những dòng “Lẩn thẩn chút chơi” nhân nhắc lại kỷ niệm thời mê hát cải lương, cụ Vương Hồng Sển muốn xáo trộn “top 4 cái ngu” mà cổ nhân đã sắp xếp: “Trong bốn cái ngu của cổ nhơn để lại, sao cho bằng cái ngu tân thời mà tôi cho là ngu bực nhứt, duy thời xưa chưa có nên không liệt kê vào câu cổ ngữ bất hủ kia thôi. Và đó là nghề “cơm nhà áo vợ, diễn thuyết không công!” (Hồi ký 50 năm mê hát, NXB Trẻ - 2007, trang 22).

Học giả Vương Hồng Sển cao hứng “thảo luận” chuyện này nhân có người học trò cũ chạy xe máy đến nhà cung kính mời ông diễn thuyết giùm một chuyến về đề tài 50 năm kỷ niệm hát cải lương. Tất nhiên là ông tìm cách từ chối khéo.

Tiễn học trò về rồi, ông quay vào, cười thầm trong bụng và nảy ra ý khác so với những gì mà người xưa đã từng liệt kê về 4 cái ngu (làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu). “Nếu cho phép, tôi đề nghị đổi câu kia lại là: “Trong đời có bốn cái ngu: diễn thuyết, làm mai, gác cu, cầm chầu”, ông viết.

Vì sao cụ Vương Hồng Sển nhất quyết đòi xáo trộn thứ tự trong câu cổ ngữ quen thuộc và biến nó thành một câu “tân ngữ” trúc trắc như vậy?

Thứ nhất, ông ngại tốn kém. Đi diễn thuyết thì phải lo mướn ủi giặt đồ cho thật thẳng thớm, lại tốn thêm tiền taxi bởi đi ô tô buýt thì “còn gì thể thống?”. Chưa rõ “hợp đồng” giữa ban tổ chức với diễn giả thế nào mà cụ Vương Hồng Sển gián tiếp nhắc đến tình huống sẽ diễn thuyết không công.

Thứ nữa, cụ sợ bị chê nhiều hơn khen, nhất là với đề tài về cải lương, “tiếng chê có nước lấy thúng mà hốt!”. “Đã về hưu, thân tàn ma dại, còn sính tài làm chi cho mệt xác”, cụ cảm thán.

Đến những người kiến văn thâm hậu như cụ Vương Hồng Sển mà vẫn có lúc phải lo nghĩ chuyện hứng chịu nhiều lời chê lẫn cảm giác “sính tài”.

Mà dường như các bậc thiện tri thức ai cũng khiêm cung như vậy. Nhà bác học Lê Quý Đôn khi viết bộ sách cuối cùng (Kiến văn tiểu lục), công trình được đánh giá là “thu nhặt tất cả những tri thức, những thể nghiệm còn sót lại, chưa đưa vào sách nào…”, cũng tỏ ý e dè và tự nhận mình “vốn là người nông cạn”.

Cụ bảo, lúc còn bé thích chứa sách, lớn lên vâng lời cha dạy bảo (phải đọc sách), sau được giao du nhiều. Tính ra cụ dong ruổi cũng nhiều phương: mặt bắc sang sứ Trung Quốc (năm 1760), mặt tây bình định Ai Lao (năm 1769, vụ Lê Duy Mật), mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (năm 1776 giữ chức Tham thị kiêm hiệp trấn Thuận Quảng), “đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận”…

Ấy thế mà, viết lời tựa cho “Kiến văn tiểu lục” hồi năm 1777, cụ vẫn cho rằng những bình luận ấy chưa được tinh tường, sự lịch duyệt ấy chưa được rộng rãi nên còn mong sau này tiến thêm nữa…

Ngay trong bộ sách này, cụ Lê Quý Đôn còn dẫn lời của Cố Hoa Ngọc, không biết có phải để nói hộ lòng mình hay không: “Sính biện bác để rước lấy thù oán, không bằng ngậm miệng để di dưỡng tính tình.

Giao du rộng để cầu tiếng khen, không bằng ở riêng lẻ để tự toàn lấy thân phận. Quá phí tổn để kinh doanh nhiều, không bằng bớt công việc để giữ lấy kiệm ước. Khoe tài năng để làm cho người ta ghét ghen, không bằng ẩn giấu tinh hoa để tỏ mình là người vụng dại”.

Ngu cập nhật

Trở lại với cái “ngu tân thời” mà học giả Vương Hồng Sển vừa đề xuất. Đưa cái ngu “diễn thuyết không công” lên vị trí đầu tiên, lược bỏ luôn cái ngu thứ hai mà cổ nhân đã bình chọn nhưng cụ vẫn cầu thị bảo rằng những ai sẵn tánh hiếu cổ, không muốn bỏ cái ngu “đi lãnh nợ giùm” thì xin cứ thêm nó vào đoạn chót, “cho số ngu thêm nhiều”! Riêng cụ thì chủ động thêm một “cái ngu tày trời” nữa: nghề viết sách khảo cứu.

Cụ Vương có lý do để bổ sung nghề viết sách khảo cứu. Chuyện rằng, với người viết sách dạng này, mang bản thảo đến thường bị nhà xuất bản chê, “họ xua hai tay như mình ôm bịnh dịch vào nhà”.

Nếu thương tình, họ chịu in và xuất bản thì có bán 3 năm cũng… chưa được vài trăm cuốn, xem như đôi bên cùng phá sản. Nhưng nếu mang sách ấy tặng biếu thì lại sôi động hẳn, “anh em giành giựt như tôm tươi”. Tặng biếu, vẫn phải ký đủ họ tên thì người nhận mới bằng lòng…

Mới hay, sang đến thế kỷ 21, chuyện viết sách, bán sách, tặng sách vẫn chưa đi hết câu thơ “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị “đồng thị thiên nhai luân lạc nhân”, cùng một lứa bên trời lận đận. Nhiều nhà văn tự trào rằng, thời này phần lớn làm sách kiểu “sách bốn triệu”, nói lái thành sách… biếu trọn. Những tác giả nổi danh cỡ như cụ Vương Hồng Sển cũng đã vận hành mô hình xuất bản “sách bốn triệu” từ rất sớm vậy chăng?

Sau hơn 50 năm kể từ ngày cụ Vương đòi “hiệu đính” 4 cái ngu, lại thấy có thêm nhiều người khác tiếp tục bổ sung chỉnh sửa. Nào là “điểm danh 9 cái ngu kinh điển”, “10 cái ngu phải tránh thì đời mới khôn”… Chung quy cũng chỉ là những va vấp trong cuộc sống mà ai đó trải qua, giờ muốn gửi một lời cảnh tỉnh.

Nào là cái ngu cho mấy thằng bài bạc mượn tiền, làm thầy dạy thằng dại, đẽo cày giữa đường, quá hà tiện… Hoặc sa vào chuyện gia đình như kết hôn mà không có tình yêu, thậm chí đeo bám cả vấn đề tranh chấp rất “thời sự” kiểu như gửi tiền người khác mua đất mà không đứng tên, bán đất lấy tiền gửi ngân hàng…

Lan man chuyện khôn dại ở đời, quả thực không biết nói bao nhiêu cho đủ. Mỗi ngày, ta lại nghe thấy đâu đó có người tiếc nuối, tự trách sau những thất bại trong làm ăn, gia đình, tình cảm… Từ xưa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dồn nén chuyện dại khôn trong một câu thơ rồi, “làm người có dại mới nên khôn”. Hậu sinh có lẽ không cần phải “hiệu đính” hay cập nhật bổ sung gì nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện dại chuyện khôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO