Dạy Văn - dạy người

THS.NGUYỄN THỊ BÍCH HIỀN 18/12/2019 14:48

Hội thảo Dạy Văn - dạy người do Sở GD-ĐT vừa tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, mang đến nhiều suy nghĩ cho người tham dự. Khi chuyên đề “dạy Văn - dạy người” được phổ biến về các trường phổ thông, có không ít thầy cô đã nói rằng: vậy xưa nay giáo dục không “dạy người” thì dạy cái gì? Phải chăng chỉ có môn Văn mới chú trọng dạy người còn những bộ môn khác thì không? Theo tôi nghĩ, một vấn đề có nhiều ý kiến đa chiều là đáng hoan nghênh.

Vậy một nền giáo dục như thế nào là một nền giáo dục thiên về dạy người? Dạy người ở đây chúng ta hiểu là chú trọng nhiều đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách làm người. Chúng ta có thể mượn năm tiêu chí của lễ giáo Nho gia “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín” để khái quát lên nội hàm “dạy người” của chúng ta ngày hôm nay. Một nền giáo dục chú trọng hướng cho con người cố gắng rèn luyện đạo đức ở mọi hành vi ứng xử trong cuộc sống. Hiểu như vậy để thấy rằng không phải bây giờ chúng ta mới quan tâm đến vấn đề này mà ngày xa xưa ông bà ta đã dạy “tiên học lễ, hậu học văn”.

Trong thời gian qua có nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến chất lượng giáo dục và đặc biệt là đạo đức giáo viên, nên khi chúng ta đặt ra vấn đề “dạy Văn – dạy người” cũng cần phải suy ngẫm lại vấn đề đạo đức của thầy cô giáo hiện nay. Bên cạnh những thầy cô giáo sống làm việc một cách cần mẫn, nghiêm túc, góp phần không nhỏ cho nền giáo dục thì xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng trước hiện tượng một bộ phận giáo viên bị tha hóa về đạo đức nhân cách.

Nói ra như vậy để thấy rằng khi đặt vấn đề “dạy Văn - dạy người” thì ta mới thấy rằng yêu cầu đối với thầy cô giáo dạy Văn là rất cao. Ngành nghề nào cũng có những chuẩn mực đạo đức, riêng đối với nghề giáo thì yêu cầu càng khắt khe hơn, người thầy đạt chuẩn mực đạo đức thì mới dạy đạo đức cho học sinh được. Mỗi thầy cô giáo phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và có trách nhiệm với xã hội. Thầy cô giáo muốn tự tin đứng trên bục giảng để giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thì bản thân mỗi thầy cô giáo phải chuẩn mực trong đạo đức nghề nghiệp và đời sống, lúc đó học trò, phụ huynh mới tâm phục, khẩu phục.

Mỗi bài học thuộc bộ môn Ngữ văn đều ẩn chứa những bài học về đạo đức, cách ứng xử cho học sinh. Vì vậy, mỗi thầy cô giảng dạy bộ môn này bằng tài năng, kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình mà khai thác vấn đề “dạy người” qua từng bài học cụ thể. Sau mỗi bài học, thầy cô giáo có thể hướng cho học sinh đến một vấn đề nào đó về giá trị sống, giá trị làm người trong cuộc đời này.

Xác định được tầm quan trọng của việc “dạy Văn - dạy người”, mỗi thầy cô giáo dạy Văn cần quan niệm việc rèn luyện ý thức đạo đức cho các em cũng quan trọng giống như việc cung cấp kiến thức. Mục đích của quá trình dạy học là nhằm hướng đến vừa phát triển năng lực vừa rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Vì thế, giáo viên cần phải có ý thức kết hợp cả hai vấn đề trên trong từng đơn vị bài học cụ thể. Có như thế thì vấn đề chúng ta đặt ra mới có giá trị thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dạy Văn - dạy người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO