Giám đốc sản xuất - đạo diễn Lê Ngọc Lượng: "Giữ rừng là văn hóa truyền đời của cộng đồng Cơ Tu"

LÝ ĐỢI (thực hiện) 08/08/2022 07:46

(VHQN) - Gần đây, phim tài liệu Mẹ rừng đã tạo ấn tượng khá tốt cho giới làm nghề, vì sự khách quan, chỉn chu trong việc ghi lại tinh thần sống hòa hợp với rừng của cộng đồng người Cơ Tu ở Tây Giang. Ngoài ghi chép thực tế về đời sống, văn hóa, tập tục - không dàn dựng - điểm đặc sắc của phim này là dùng chủ yếu tiếng Cơ Tu, rồi phụ đề, chứ không để người Cơ Tu nói tiếng Kinh.

Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC
Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC

Giám đốc sản xuất - đạo diễn Lê Ngọc Lượng, đại diện của tổ hợp truyền thông My Vietnam, đơn vị sản xuất phim tài liệu Mẹ rừng, chia sẻ với Báo Quảng Nam về quá trình làm phim này.

* Vì sao My Vietnam muốn làm một phim tài liệu về văn hóa giữ rừng của người Cơ Tu, mà không phải một tộc người nào khác?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng.
Đạo diễn Lê Ngọc Lượng.

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Phim Mẹ rừng là câu chuyện người Cơ Tu ở Tây Giang với văn hóa giữ rừng độc đáo. Khu rừng pơmu với hơn 2.000 cây cổ thụ, trong đó có hơn 1.000 cây tuổi đời từ vài trăm đến cả nghìn năm, là minh chứng của văn hóa giữ rừng của người Cơ Tu.

Trong bối cảnh nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá như hiện nay, thì rừng pơmu ở Tây Giang là điển hình giữ gìn môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, My Vietnam đã quyết định thực hiện phim tài liệu Mẹ rừng để truyền tải đến cộng đồng văn hóa giữ rừng, tôn trọng thiên nhiên của người Cơ Tu, với mong muốn nhân rộng điển hình đó.

* Từ suy nghĩ ban đầu đó, khi đến tiếp xúc và có mấy tháng gần gũi với cộng đồng người Cơ Tu ở Quảng Nam, đạo diễn thấy từ suy nghĩ đến thực tế có nhiều khác biệt không?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Trước khi quyết định thực hiện phim Mẹ rừng, chúng tôi đã có quá trình dài tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của đồng bào Cơ Tu, đặc biệt là văn hóa giữ rừng. Khi tiếp xúc với cộng đồng, ngoài những điều đã được đọc, điều khiến chúng tôi xúc cảm đến từ tình yêu quê hương, bản quán, cộng đồng của các bạn trẻ người Cơ Tu.

Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC
Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC

Có thể nói, trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa đang hòa quyện vào nhau, có rất nhiều mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị truyền thống.

Các bạn trẻ Cơ Tu luôn trăn trở về điều đó, họ đang nỗ lực mỗi ngày cho cuộc sống, nhưng cũng rất ý thức giữ gìn bản sắc, tục lệ của đồng bào mình, giữ gìn rừng. Các bạn đã truyền cho chúng tôi những xúc cảm sâu sắc, thôi thúc chúng tôi vượt qua khó khăn trở ngại về điều kiện thời tiết, về dịch Covid-19 ở thời điểm bấm máy… để thực hiện trọn vẹn bộ phim.

Người Cơ Tu có nếp ứng xử rất văn minh với rừng và môi trường sống xung quanh. Với người Cơ Tu, rừng là sự sống, nên từ nhiều đời qua, cộng đồng luôn truyền dạy các thế hệ con cháu phải luôn biết ơn và trân trọng rừng.

Từ chuyện nhỏ như cành củi khô nhóm bếp, họ cũng chỉ chọn những cây đã ngã đổ, tuyệt không xâm phạm đến rừng. Đến chuyện lớn như làm nhà, khai thác cây nào thì già làng cũng tính toán sao cho không ảnh hưởng đến rừng già…

Văn hóa giữ rừng đã trở thành văn hóa tâm linh của cả cộng đồng. Cây cối trở thành thiêng liêng, là đại diện của thần linh. Việc ứng xử với rừng, qua bao thế hệ truyền đời đã trở thành hệ thống các giá trị của luật tục được dân làng chấp thuận và thực hiện rất nghiêm túc.

Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC
Một số cảnh quay trong phim. Ảnh: NVCC

* Trong các triết lý về rừng đó, đạo diễn thấy thú vị với các khía cạnh nào?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Trong cộng đồng Cơ Tu, những câu hát lý, nói lý, những câu chuyện kể trong gươl, những lời già làng dạy con cháu… đều nhắc nhở đến sự biết ơn rừng đã ban cho sự sống.

Lễ hội Tạ ơn rừng vào đầu năm mới được tổ chức trọng thể, thiêng liêng, để tỏ lòng biết ơn của cộng đồng đến mẹ rừng, thần núi, thần sông, thần suối… đã che chở và bảo bọc cộng đồng. Tôi nghĩ rằng, văn hóa giữ rừng xuất phát từ lòng biết ơn. Từ lòng biết ơn biến thành nghĩa cử cao đẹp là tôn trọng và bảo vệ thực thể đó, từ đó trở thành trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi cá nhân.

Điều thú vị là, chúng ta - những người ở xã hội văn minh cần phải học hỏi sự ứng xử văn minh ở một cộng đồng dân tộc thiểu số. Chúng ta đang sống, hít thở nhờ vào “lá phổi xanh” là rừng.

Rừng bảo vệ cuộc sống của chúng ta, làm trong lành không khí, cung cấp nước, chặn lũ lụt, giảm thiểu biến đổi khí hậu… nhưng nhiều người trong xã hội hiện đại vẫn chưa biết đến trách nhiệm gìn giữ rừng, cũng là gìn giữ cho chính cuộc sống của chúng ta.

Gươl ở thôn Agrồng, xã A Tiêng, Tây Giang. Ảnh: X.H
Gươl ở thôn Agrồng, xã A Tiêng, Tây Giang. Ảnh: X.H

* Phim này không có yếu tố đạo diễn/hư cấu, theo nghĩa không tái hiện hoặc phục dựng, mà toàn bộ thước phim là những hình ảnh thật của cộng đồng Cơ Tu hôm nay, còn lại gì thì ghi hình nấy. Điều được là phim sẽ chân thật, nhưng sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều, chưa nói các câu chuyện xưa, bản sắc cũ có thể không ghi được nữa, vì không còn trong sinh hoạt cộng đồng. Vì sao đạo diễn vẫn muốn làm vậy?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Đặc trưng của phim tài liệu là cuộc sống/vấn đề phải được phản ánh một cách khách quan, trung thực như nó vốn có. Lựa chọn thể loại phim này, chúng tôi đã ghi lại chân thực nhất cuộc sống hiện tại của cộng đồng người Cơ Tu với những gì diễn ra trên thực tế, người thực việc thực.  

Một bộ phim sẽ không thể thỏa mãn hết các khía cạnh, vấn đề trong cuộc sống, văn hóa của một tộc người, nên chúng tôi chỉ tập trung vào yếu tố cốt lõi nhất là văn hóa giữ rừng, để truyền đi thông điệp về sự bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên của cộng đồng người Cơ Tu.

* Đạo diễn nói rằng muốn đưa câu chuyện văn hóa và sự đặc sắc của tiếng nói Cơ Tu đến với đông đảo người Việt và bạn bè quốc tế. Vậy theo đạo diễn những vỉa tầng văn hóa/văn minh nào làm nên sự đặc sắc của tiếng Cơ Tu?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Tiếng nói là bản sắc, linh hồn của một dân tộc/tộc người. Giữ gìn tiếng nói là giữ gìn bản sắc, hồn cốt của dân tộc/tộc người đó. Việc sử dụng toàn bộ tiếng Cơ Tu trong phim thể hiện được đặc trưng văn hóa của cộng đồng bản địa, khắc họa chân thật nhất cuộc sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, khi sử dụng tiếng bản địa, các nhân vật dễ dàng thể hiện rõ và đầy đủ nhất những gì họ muốn truyền tải.

Ở góc độ nhà làm phim, việc sử dụng tiếng Cơ Tu trong phim gặp nhiều khó khăn, đôi khi phải xác minh lại nhiều lần vì có rất nhiều từ Cơ Tu cổ được sử dụng. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định sử dụng tiếng Cơ Tu trong phim, để góp phần lưu trữ và bảo tồn tiếng nói bản địa, là tư liệu quý cho các thế hệ Cơ Tu sau này. Mặt khác, việc giữ nguyên tiếng bản địa sẽ tăng cảm xúc chân thật của người xem.

* Phim được xây dựng từ thông điệp: “Trong mỗi bước đi cùng với thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta tìm kiếm”. Nhưng thực tế thì việc tàn phá thiên nhiên thật lạnh lùng và khốc liệt. Qua phim này, cũng như qua đời sống rừng của người Cơ Tu, những nhà làm phim có muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo không?

Đạo diễn Lê Ngọc Lượng: Phim được thực hiện từ tiếng kêu cứu của rừng, từ thôi thúc bảo vệ thiên nhiên. Nhiều năm qua, rừng tự nhiên đã bị tàn phá nghiêm trọng. Thiên nhiên đã giận dữ, đáp trả sự tàn phá của con người bằng những đợt thiên tai, bão lũ… Nếu con người không coi trọng, giữ gìn rừng thì chính bàn tay chúng ta sẽ hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Thực hiện bộ phim này, đoàn phim mong muốn mang lại thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường, như đồng bào Cơ Tu đã làm bao đời nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám đốc sản xuất - đạo diễn Lê Ngọc Lượng: "Giữ rừng là văn hóa truyền đời của cộng đồng Cơ Tu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO