Nông thôn trong văn học nghệ thuật xứ Quảng

ĐẶNG TRƯƠNG 05/12/2021 08:27

Trong suốt nhiều năm qua, đề tài nông nghiệp, nông thôn đã trở thành một trong những điểm sáng của sáng tác văn học - nghệ thuật xứ Quảng.

Tác phẩm “Đua thuyền” của Phan Trọng Đạt .
Tác phẩm “Đua thuyền” của Phan Trọng Đạt .

Mạch nguồn sáng tạo

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh thời từng tiết lộ rằng, ông viết ca khúc “Quảng Nam yêu thương” có một chút xuất phát từ “tự ái nghề nghiệp”, viết để thấy văn nghệ sĩ Quảng Nam luôn trải lòng mình với mảnh đất quê hương.

Nhưng ông cũng khẳng định nếu quê hương ấy không có truyền thống văn hóa lâu đời, không có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tinh thần kiên trung, bất khuất trong đấu tranh, cần cù, siêng năng trong lao động... thì khó có một tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người được. Tất cả đã tạo nên “chất men” vô cùng quý báu, làm say đắm tâm hồn người nghệ sĩ mỗi lần khởi sự sáng tạo văn học nghệ thuật về quê hương mình…

Nhà thơ Phan Chín - Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, khẳng định: “Hiện nay, đề tài nông thôn là đề tài ưu tiên trong hoạt động văn học nghệ thuật và các cuộc vận động sáng tác của giới văn nghệ. Đảng và Nhà nước cũng tập trung ưu tiên cho những tác phẩm viết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt là nông thôn mới. Do đó, trách nhiệm của người làm văn học nghệ thuật hôm nay là thông qua tác phẩm góp phần gìn giữ, tôn lên vẻ đẹp làng quê nông thôn Việt…”.

Trong số 7 chuyên ngành của văn nghệ Quảng Nam, có thể nói âm nhạc trong hơn 20 năm qua đã đóng góp rất lớn cho đời sống tinh thần của đông đảo người dân xứ Quảng.

Các tác phẩm “Quảng Nam quê hương tôi”, “Trà My yêu thương” của Nguyễn Hoàng Bích, “Sông quê” của Vương Quốc Toàn, “Đêm trăng sông Thu” của Huỳnh Ngọc Hải, “Tình khúc Thu Bồn”, “Người Quảng dáng nâu” và hàng chục bài hát về miền núi của Phan Văn Minh, “Diệu kỳ vùng quê cát” của Hồ Xuân Hương hay “Chiều trên sông Thu”, “Tam Kỳ tôi yêu” của Nguyễn Huy Hùng… đều nằm trong mạch nguồn cảm hứng ấy.

Quê hương ngày càng thay da đổi thịt, nhưng những ký ức ấu thơ, nơi mảnh đất chôn nhau vẫn là cung bậc say đắm trong mỗi nhạc sĩ xứ Quảng. Như làng Bến Đền ở xã Điện Quang (Điện Bàn) của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải đã đi vào nhạc của anh rất tự nhiên.

Anh bảo: “Mỗi lần đặt bút viết ca khúc về mảng đề tài quê hương, đất nước, dù là bất cứ đâu thì bóng dáng làng quê Bến Đền, Điện Quang - Gò Nổi… lại hiện lên, tạo cho tôi cảm xúc để viết nhiều ca khúc về đề tài nông thôn như “Chợ quê”, “Đêm trăng sông Thu”, “Tôi là trưởng thôn”, “Cô gái làng dâu”… Quê hương luôn là mạch nguồn để tôi được thăng hoa trong âm nhạc”.

Góc nhìn đa diện

Cùng với âm nhạc, những trang văn trong tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Tam Mỹ, Lê Trâm, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Giúp, Ngô Hà Phương, Ngô Phú Thiện, Phạm Thông…, đặc biệt là Lam Hà - được mệnh danh “Người kể chuyện làng” đã khắc họa rõ nét nông thôn Quảng Nam trải rộng với biết bao câu chuyện, cảnh sắc, phong tục tập quán, thói quen của người nông dân.

Người đọc xứ Quảng cũng như cả nước có thể hiểu hơn về mảnh đất nông thôn quê hương xứ rượu hồng đào qua từng tản văn, truyện ngắn và kể cả tiểu thuyết “Quê nội” của Võ Quảng, Nguyễn Tam Mỹ với “Hoàng hôn quê ngoại”, Nguyễn Bá Hòa với “Bình minh sông Hoài”, Lê Trâm với “Về yêu xứ rượu hồng đào” hay Lam Hà trong “Tiếng phèng la”, “Hương xưa”, rồi Phạm Thông trong “Con của biển”… Tất cả đều thấm đẫm không khí làng quê vừa mộc mạc thân thương.

Ở mảng ảnh nghệ thuật và hội họa, các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nhà điêu khắc Quảng Nam gần như đã dành trọn tâm huyết và tài năng của mình cho những miền quê nơi họ được sinh ra hoặc bàn chân đã chạm bước trong những chuyến thực tế sáng tác.

Người xem có thể bắt gặp một miền quê Tiên Phước bình lặng nhưng ẩn chứa sức sống mới trong tranh của Nguyễn Ba hay những ngôi làng của đồng bào các dân tộc miền núi phía tây trong tranh Nguyễn Thượng Hỷ.

Với nhiếp ảnh, những tay máy chuyên nghiệp như: Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm, Thái Tuấn Kiệt, Thái Bích Thuận, Mai Thành Chương, Phan Trọng Đạt… đã có rất nhiều khoảnh khắc “vàng” về nông thôn Quảng Nam. Ảnh nghệ thuật của họ đã góp phần đem đến cho người xem trong và ngoài nước một Quảng Nam đa diện.

Tại cuộc thi ảnh quốc tế Smederevo năm 2021, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Trọng Đạt - hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải. Đó là tác phẩm “Đua thuyền” - huy chương Bạc hạng mục du lịch do FIAP trao tặng. Đồng thời tác phẩm “Ra đồng” của anh cũng nhận bằng danh dự của Liên minh Nhiếp ảnh toàn cầu, hạng mục tự do cho ảnh màu.

Phan Trọng Đạt nói, nông thôn là đề tài anh luôn dành mọi tâm huyết và tình cảm trong sáng tác. “Tôi rất thích đi về các vùng quê xứ Quảng để tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp từ trong cảnh sắc tự nhiên, trong lao động của người nông dân và luôn bắt gặp những điều thú vị ở mỗi chuyến đi.

Đôi khi, những tác phẩm đắt giá người nghệ sĩ đạt được chỉ là một khoảnh khắc vàng như bức “Đua thuyền” - rất tự nhiên không hề sắp đặt. Thế nhưng có những cảnh mùa màng, sinh hoạt phải đầu tư thời gian, công sức lên ý tưởng, theo đuổi chủ đề rất công phu. Nông thôn Quảng Nam luôn có sức hấp dẫn tôi nói riêng và anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh nói chung...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông thôn trong văn học nghệ thuật xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO