Từ đất Quảng - Khu 5...

BẢO ANH 20/05/2022 10:11

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm văn nghệ sĩ đã đến, sống, chiến đấu và sáng tác ở đất Quảng - Khu 5, và sau ngày nước nhà thống nhất, mỗi khi có dịp họ lại về thăm đất Quảng...

Hy sinh, cống hiến và tác phẩm của các VNS kháng chiến khu V vẫn còn mãi cùng khu V, cùng đất Quảng. TRONG ẢNH: Một buổi giới thiệu tác phẩm “Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng” tại Hội VHNT Quảng Nam. Ảnh: B.A
Hy sinh, cống hiến và tác phẩm của các VNS kháng chiến khu V vẫn còn mãi cùng khu V, cùng đất Quảng. TRONG ẢNH: Một buổi giới thiệu tác phẩm “Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng” tại Hội VHNT Quảng Nam. Ảnh: B.A

Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nguyên cán bộ biên tập, sáng tác Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, thành viên Ban Liên lạc văn nghệ sĩ (VNS) kháng chiến Khu 5 thời chống Mỹ, VNS kháng chiến nay người trẻ nhất cũng đã qua 75 tuổi, còn số đông đã ngoài 80, sức khỏe suy giảm nhiều.

Do vậy, mỗi lần họ về thăm lại chiến trường Quảng Nam - Khu 5 xưa đều trong tâm thế “chuyến đi cuối cùng”. Dù vậy, ai cũng tin rằng “nẻo về” của các VNS kháng chiến Khu 5 thời chống Mỹ sẽ vẫn còn mãi - thông qua các tác phẩm văn nghệ, những cống hiến cho quê hương, đất nước trong tư cách trí thức - VNS - chiến sĩ.

Những cuộc “trở về”

Ngay trong những ngày đầu sau giải phóng, nhiều VNS kháng chiến đã có một cuộc “trở về” khá dài ngày thông qua Trại sáng tác văn học Quân khu 5 (1976 - 1980). Trại sáng tác này là nơi, là cơ hội để các nhà văn - chiến sĩ sáng tác mới hoặc chỉnh sửa, hoàn chỉnh tác phẩm được viết, được thai nghén từ chiến trường.

Để rồi, hàng chục tác phẩm, gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản phim... được ra đời, tái hiện chân thực gương mặt của vùng đất Khu 5 - Quảng Nam đau thương và hào hùng...

Các nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và Nguyễn Bảo (từ phải qua) trong một chuyến đi thực tế tại một số địa bàn ở Quảng Nam - nơi họ từng sống, chiến đấu và sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: B.A
Các nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và Nguyễn Bảo (từ phải qua) trong một chuyến đi thực tế tại một số địa bàn ở Quảng Nam - nơi họ từng sống, chiến đấu và sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: B.A

Ngoài trại sáng tác đặc biệt này, nhiều VNS khác đi ra từ chiến trường Khu 5 cũng đã có những cuộc “trở về” với chiến trường xưa theo cách riêng của mình. Các nhà thơ Thanh Quế, Ngân Vịnh; các nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá Lợi; đạo diễn Nguyễn Trung Thiện; nhà điêu khắc Phạm Hồng... chọn Quảng Nam - Đà Nẵng để sống, làm việc và sáng tác. Các nhà thơ, nhà văn, nhà báo Cao Duy Thảo, Liên Nam, Trần Thị Lệ Thu, Bùi Thị Chiến... thì gắn bó với hoạt động của hội VHNT các tỉnh miền Trung.

Các nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Hồ Duy Lệ “về” hẳn với Quảng Nam kể từ khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính độc lập, sống, làm việc, sáng tác và cống hiến cho đến khi nghỉ hưu.

Một người nữa, là Nguyễn Đức Hạt, nguyên cán bộ Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, cũng có một thời gian dài gắn bó với Quảng Nam, Đà Nẵng trong cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (và sau đó là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương).

Với những người không tiếp tục sống ở đất Quảng - Khu 5, cứ vài ba năm một lần hoặc bất cứ khi nào có dịp là lại khoác ba lô trở lại những nơi từng sống và chiến đấu, để gặp gỡ bạn bè, tìm kiếm tư liệu sáng tác.

Riêng họa sĩ Giang Nguyên Thái, ông còn có một cách “trở về” đặc biệt nữa là dành nhiều thời gian và tâm sức để kiếm tìm, sưu tập, gìn giữ những bức ký họa từ chiến trường Khu 5 - Quảng Nam máu lửa...

Dù với cách thức nào thì những cuộc “trở về” ấy, trên hết và trước hết vẫn là vì nghĩa tình với đất Quảng, như bộc bạch của nhà văn Nguyễn Bảo trong bút ký “Quảng Nam, miền ký ức của tôi”: “Một số sáng tác tôi viết ra chủ yếu là trên đất Quảng Nam. Con người và xứ sở này là quê hương thứ hai của tôi.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những năm tháng sống chết cùng đồng đội và nhân dân nơi đất Quảng vẫn mãi mãi còn trong ký ức của tôi. Lâu lâu không về đất Quảng lại thấy hoang hoải, vắng lặng trong lòng. Ơi! Con người và đất Quảng của tôi!”.

Còn mãi cùng Khu 5 - đất Quảng

Từ Trại sáng tác văn học Quân khu 5 (1976 - 1980), nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đã ra đời. Đến nay, nhiều tác phẩm trong số ấy vẫn “sống” trong lòng người đọc: tập truyện ngắn “Vùng chân Hòn Tàu” và tiểu thuyết “Thung lũng thử thách” của Thái Bá Lợi; kịch bản phim “Thành phố không bị chiếm” của Nguyễn Khắc Phục; tiểu thuyết “Năm 1975, họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân; tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” của Bùi Minh Quốc; trường ca “Ở làng Phước Hậu” của Trần Vũ Mai; tập thơ in chung “Tình yêu nhận từ đất” của Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Ngân Vịnh; tập truyện ngắn in chung “Miền đất ấy” của Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Bảo...

Đây chính là những gạch nối quan trọng để các tác giả ấy trưởng thành hơn; để tiếp nối cùng những tên tuổi khác như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn... góp phần làm nên một vùng văn học sôi động.

Từ những chuyến “tìm về” khi thì tập trung, khi thì riêng lẻ của các VNS, lại có thêm nhiều tác phẩm khác ra đời. Hồ Duy Lệ với một loạt bút ký mà đình đám nhất là “Mười Chấp và một thời”, “Trụ lại”, “Dặm trường gian truân”...; Nguyễn Bảo với 2 tiểu thuyết “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”; Nguyễn Bá Thâm với tập bút ký “Đất của máu và lửa”; Đỗ Viết Nghiệm với tiểu thuyết “Đường đen nước đỏ”...

Đặc biệt, sau những chuyến “trở về” như thế, một số VNS đã có được những tác phẩm sừng sững như những “tượng đài”: nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo với tác phẩm “Tượng đài chiến thắng Quế Sơn” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; nhà điêu khắc Phạm Hồng với tượng đài “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”, nhà văn Thái Bá Lợi với các tiểu thuyết “Trùng tu”, “Họ cùng thời với những ai” được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Đúng như tên một tập hồi ký văn nghệ của nhà văn Hồ Duy Lệ - “Không gì trôi đi mất”, tuổi thanh xuân, cống hiến và sáng tạo của các VNS kháng chiến Khu 5 trên và về mảnh đất Quảng Nam - Khu 5, vẫn còn mãi với thời gian. Để rồi, khi nhắc đến tên người, lập tức công chúng nhớ đến tên các tác phẩm của họ, và ngược lại.

Đó là các tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Đoàn vệ quốc quân, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ nia, Thuyền và biển), của cố nhà thơ Thu Bồn (các tiểu thuyết “Chớp trắng”, “Vùng pháo sáng” và tập truyện ngắn “Dưới tro”).

Đó là các tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước của liệt sĩ - nhà văn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong (“Mặt biển, mặt trận”, “Rét tháng giêng” và “Nhật ký Chu Cẩm Phong”), của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý ( “Chỗ đứng”, “Hoa rừng”)...

Cứ thế, những cuộc “trở về” vẫn tiếp tục, và những hy sinh, cống hiến và tác phẩm của các VNS kháng chiến Khu 5 vẫn còn mãi cùng Khu 5, cùng đất Quảng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ đất Quảng - Khu 5...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO