Cộng cảm xứ Quảng

HỨA XUYÊN HUỲNH 15/08/2021 07:41

Mối liên kết cộng đồng và liên cộng đồng, qua soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa, thấy bật lên một khái niệm thú vị: cộng cảm. Xét riêng ở xứ Quảng và trong thời buổi dịch giã đang gây giãn cách nhiều nơi, “cộng cảm” càng lộ sáng…

Cung đường ven biển ngang qua Ngũ Hành Sơn, nối Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: H.X.H
Cung đường ven biển ngang qua Ngũ Hành Sơn, nối Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: H.X.H

1. GS.Trần Quốc Vượng từng đưa ra kiến giải về sự liên kết bởi con người (liên kết cộng đồng và liên cộng đồng) khi bàn về đặc trưng văn hóa Quảng Nam. Kiến giải này nằm trong nhóm vấn đề “có tính chất lý thuyết” mà ông trao đổi tại hội thảo Văn hóa Quảng Nam - những giá trị đặc trưng tổ chức cách đây đúng 20 năm.

Đấy là mối liên kết bằng kinh tế, như hệ ghe bầu qua câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le (mít non) gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Là kết nối xã hội với 3 nguyên lý: cùng dòng máu, cùng chỗ, cùng lợi ích. Là kết nối bằng hành chính - quản trị, chính trị…

Nhưng tôi chú ý nhiều hơn đến mối liên kết khác, đằm sâu hơn: bằng cộng cảm (communion). Diễn đạt ý này, GS.Trần Quốc Vượng cho rằng cộng cảm được thể hiện bằng sự cảm thông “lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Ông cũng nhìn thấy có cả sự cảm thông qua lễ hội văn hóa được tổ chức quanh đền tháp, quanh chùa chiền, quanh đình tạ. Như lễ hội đình Ngũ Kiệu ở vùng Trà Kiệu (Duy Xuyên) với Trà Kiệu thượng, Trà Kiệu tây, Trà Kiệu đông, Trà Kiệu trung, Trà Kiệu nam…

Ở một xứ sở mà tính liên kết cộng đồng được gói ghém bằng 2 chữ “đồng bào” gợi nhớ truyền thuyết trăm trứng như Việt Nam, yếu tố cộng cảm của riêng xứ Quảng hẳn sẽ không có gì quá khác biệt. Cho nên, không bàn sâu như cách mà GS.Trần Quốc Vượng từng gợi ý về vấn đề phối biến cái nhất thể - đa thể của văn hóa Việt Nam, văn hóa Quảng Nam, mà chỉ muốn soi rọi kỹ hơn yếu tố “cộng cảm” trong không gian hẹp hơn.

2. GS.Trần Viết Ngạc (Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh) khi bàn về cốt tính xứ Quảng đã dẫn ra những chi tiết thú vị. Trong Đại Nam nhất thống chí, bản Tự Đức (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn), quyển VII, tỉnh Quảng Nam, phần phong tục có ghi nhận người dân “vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công”. Đại Nam thực lục cũng cho rằng người dân “vui thích làm việc nghĩa”.

Dẫn lại các dữ liệu này, GS.Trần Viết Ngạc có chỗ đồng tình khi cho rằng những lời bình phẩm từ Đại Nam nhất thống chí, vốn do những nhà khoa bảng khai thác nguồn tư liệu lưu trữ của triều đình với thái độ cẩn trọng, nên “có thể tin cậy được”. Nhưng cũng có chỗ ông bàn thêm, vì dù sao phong tục, tính cách ấy cũng chỉ giới hạn trong hoàn cảnh sinh hoạt nửa sau thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Thí dụ, “thích làm việc nghĩa” cũng là cốt tính chung cho nhân dân 3 tỉnh Nam - Ngãi - Định (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), mà cũng không chỉ có 3 tỉnh ấy. Tất nhiên, “Nam” là Quảng Nam, mà Quảng Nam từ nửa sau thế kỷ XIX bao gồm cả Đà Nẵng.

“Làm việc nghĩa” cũng đâu chỉ là cốt tính của riêng Nam - Ngãi - Định. Không cần dẫn chứng cũng đủ hình dung những gì mà đồng bào 3 miền đã đùm bọc nhau vượt qua thiên tai địch họa bao lâu nay ở dải đất hình chữ S. Không cần ngồi đếm có bao nhiêu chuyến hàng từ miền Nam gửi ra sau mỗi lần hứng chịu bão lũ.

Cũng không nhắc lại có bao nhiêu phần quà vừa kịp gửi vào cho đồng bào vùng dịch phía Nam. Có chăng, là thử nhắc về cách mà tự thân người xứ Quảng đang “cộng cảm”. Cuối tuần trước, Quảng Nam muốn san sẻ quà quê cho vùng dịch Đà Nẵng, và chỉ 3 ngày sau ý tưởng đó đã thành hiện thực.

Hồi đầu tuần này, chuyến xe đầu tiên chở 30 tấn gạo, rau củ từ Đại Lộc đã kịp lăn bánh hướng về phía sông Hàn. Nơi đó, nhiều đồng bào trong vùng giãn cách xã hội có thể đang cần nông sản, thực phẩm…

Chợt nhớ bức ảnh cháu bé Ca Dong 8 tuổi Hồ Ánh Khiết chân trần vai vác gốc măng rừng ở huyện miền núi cao Nam Trà My hồi năm ngoái mà Báo Quảng Nam có lần nhắc đến. Đấy là món quà quê, khi Đà Nẵng và nhiều huyện đồng bằng của Quảng Nam vướng dịch. Quà quê vùng rau Đại Lộc lần này cũng vậy…

Tôi không nghĩ đấy chỉ là mối “liên kết kinh tế” bằng hệ ghe bầu mà cố giáo sư họ Trần mượn câu ca dao quen thuộc của xứ Quảng để minh chứng. Đó phải là mối “liên kết tâm hồn”.

“Mít non” đang gửi xuống, sau nhiều lần “cá chuồn” đã gửi lên…

3. Tháng 8 hằng năm nhắc nhớ sự kiện Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 228-CP thành lập TP.Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1977. Đúng 20 năm sau - 1997, thêm một sự kiện trọng đại khác nữa ở vùng đất này khi Quảng Nam và Đà Nẵng chính thức có hai bộ máy hành chính hoạt động riêng biệt. Và cũng chẵn 20 năm kể từ ngày mở hội thảo về đặc trưng văn hóa Quảng Nam (2001-2021), tôi muốn nhắc lại suy tư khác của GS.Trần Quốc Vượng đã trình bày trong dịp đó.

Giáo sư cho rằng, dù Đà Nẵng - Quảng Nam tách đơn vị hành chính, nhưng cán bộ và nhân dân hai địa phương vẫn “liên kết văn hóa”. “Đó chính là phép biện chứng của lịch sử. Ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai… đã và sẽ diễn ra một quá trình hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội”, ông viết.

Trong cuốn Người Quảng Nam, sau khi liệt kê các cột mốc liên quan kể từ khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập TP.Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam (năm 1889) đến các lần tách - nhập khác (1952, 1962, 1975, 1997), nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cũng cho rằng “đó chỉ là việc phân chia theo vùng địa lý, chứ trong tâm thức của con dân chỉ là một”. “Ta thường gọi gộp chung là “người Quảng Nam” một cách thân thương, trìu mến và đó cũng là cách gọi xuất phát máu thịt, từ tình cảm rất đỗi tự nhiên”, ông bình luận.

Cũng chính tình cảm ấy đã thúc giục Lê Minh Quốc viết một bài thơ dài, trong đó có mấy câu da diết:

“Dặn lòng ai có đừng xiêu
Mưa mai có bậu, nắng chiều có ta”
Nhìn về bán đảo Sơn Trà
Bỗng nghe gió hát thiết tha nắng vàng
Vòng tay ôm lấy Quảng Nam
Yêu thương lắm giọng hò khoan Thu Bồn…

Có thể cộng cảm không chỉ của riêng xứ Quảng, nhưng cộng cảm đã góp phần hình thành đặc trưng văn hóa xứ Quảng. Mối liên kết ấy như sợi dây vẫn đang được thầm lặng nối dài, ngay cả trong những câu chuyện đời thường và tưởng chừng “nhỏ nhặt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng cảm xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO