Đa dạng cách thụ hưởng văn hóa

PHAN THỊ DIỄM HƯƠNG 21/05/2022 07:41

(VHQN) - Thế kỷ 21 được xem là kỷ nguyên của văn hóa. Công nghiệp văn hóa được quốc tế hóa nhanh chóng và nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn tăng trưởng kinh tế từ các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một cách đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh.

Sản phẩm của công nghiệp văn hóa phải đến được với người có nhu cầu hưởng thụ. Trong ảnh: Một show diễn thực cảnh. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Sản phẩm của công nghiệp văn hóa phải đến được với người có nhu cầu hưởng thụ. Trong ảnh: Một show diễn thực cảnh. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Công nghiệp văn hóa

Trong xu thế toàn cầu hóa với công nghệ thông tin phát triển vượt bậc - thời đại số, văn hóa vượt khỏi khuôn khổ địa phương và trở thành sản phẩm xuyên quốc gia. Việc “buôn bán” các sản phẩm văn hóa có bản chất độc đáo - một loại sản phẩm tự do hơn bất cứ sản phẩm hàng hóa nào khác. Sản phẩm văn hóa được buôn bán nhanh chóng và linh hoạt vì có ít rào cản như thuế quan hoặc luật hải quan hơn bất kỳ loại hình thương mại nào khác.

Khái niệm “công nghiệp văn hóa” được sử dụng lần đầu tiên bởi hai nhà triết học Frankfurt Theodor Adorno và Max Horkheimer trong cuốn “Dialectic of Enlightenment” xuất bản vào năm 1947.

Ban đầu, khái niệm công nghiệp văn hóa gặp không ít ý kiến phản bác rằng đây là một thứ tiêu cực, chỉ là cái vỏ bọc của nhà máy sản xuất các sản phẩm văn hóa hàng loạt.

Ngày nay công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp tiên tiến, sáng tạo. Khái niệm “công nghiệp văn hóa” dùng để chỉ sự “công nghiệp hóa văn hóa và nghệ thuật”, đó là sự tìm kiếm lợi nhuận bằng cách sản xuất các sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống sinh hoạt và giải trí của con người như: ăn (đồ ăn, đồ uống và các dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt ăn uống), ở (kiến trúc hiện đại), mặc (thời trang, thiết kế thời trang), công nghiệp nội dung số (điện ảnh, ca nhạc, truyện tranh, phim hoạt hình, nghệ thuật biểu diễn, game, show truyền hình, phần mềm giải trí...), du lịch, quảng cáo, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, in ấn xuất bản...

Gợi ý cho Quảng Nam

Tôi cho rằng, chúng ta cần hiểu rõ đặc trưng cơ bản của ngành công nghiệp văn hóa, chính là “Một nguồn sử dụng đa năng”. Nói cách khác, tùy thuộc các phương tiện mà người sản xuất sử dụng để sản xuất các nội dung văn hóa, một sản phẩm văn hóa có thể có nhiều dạng khác nhau.

Sáng tạo, khai thác các sản phẩm văn hóa giúp phát triển du lịch. Trong ảnh: Sản phẩm thực cảnh Ký ức Hội An. Ảnh: Q.TUẤN
Sáng tạo, khai thác các sản phẩm văn hóa giúp phát triển du lịch. Trong ảnh: Sản phẩm thực cảnh Ký ức Hội An. Ảnh: Q.TUẤN

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Internet và công nghệ thông tin mang đến cơ hội thị trường vô tận cho ngành công nghiệp văn hóa. Cần vận dụng hiệu quả nguyên tắc này trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Xin gợi ý vài khía cạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Nam. Đó là chú trọng việc nghiên cứu, phát huy những giá trị văn hóa bản địa vào trong công nghiệp nội dung số. Hội An là nơi chứa đựng nhiều lớp trầm tích văn hóa từ Sa Huỳnh, Chămpa cho đến vai trò là một đô thị - thương cảng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 17 với sự hội tụ của thương thuyền đến từ khắp nơi trên thế giới như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản…

Chính vì thế tài nguyên văn hóa ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung rất phong phú, đa dạng bao gồm kiến trúc cảnh quan đô thị, lễ hội, ẩm thực, ngôn ngữ, truyền thống bản địa…

Nhưng chúng còn nằm tản mát đâu đó, chưa được thống kê một cách toàn vẹn, có hệ thống. Vì vậy, cần có chương trình nghiên cứu tổng thể các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Quảng Nam. Sau đó tiến hành số hóa nguyên gốc văn hóa truyền thống, tạo thành các kho chất liệu, kho tài nguyên số để cung cấp chất liệu sáng tạo cho các doanh nghiệp và người dân với cách thức gần như là miễn phí.

Đây chính là nền tảng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú, đa dạng của mọi tầng lớp trong xã hội. Sản phẩm của công nghiệp văn hóa không phải chỉ dành riêng cho một giới hay một tầng lớp trong xã hội, mà dành cho tất cả người dân có nhu cầu hưởng thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Sau 2 năm bị dịch bệnh “tàn phá”, thị trường văn hóa, giải trí, du lịch trên toàn thế giới đang có tín hiệu hồi sinh. Vậy nên với những lợi thế tiềm năng văn hóa có sẵn, Quảng Nam cần chuẩn bị nền tảng vững chắc cho các sản phẩm văn hóa tung ra vào đúng thời điểm “nóng” của thị trường sau đó. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp được hỗ trợ để tái cấu trúc và định vị thị trường rõ ràng sẽ có bước nhảy vọt mạnh mẽ hậu Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng cách thụ hưởng văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO