Đôi nét về hiện vật gốm Chu Đậu

TRẦN VŨ 31/10/2021 06:54

Hơn 50 hiện vật gốm Chu Đậu trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam là sản phẩm tiêu biểu về kiểu dáng, hoa văn trang trí, màu men… Xem những sản phẩm này như được sống trong không khí làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa và hiểu biết thêm về dòng gốm cao cấp của Việt Nam thế kỷ 14-16.

Lọ gốm.
Lọ gốm.

Nguồn cổ vật phong phú

Những hiện vật trưng bày nêu trên được chọn lựa công phu từ hơn 13.200 món đang lưu giữ tại kho hiện vật. Theo nội dung lưu trữ và trưng bày tại bảo tàng, Chu Đậu là tên địa danh được các nhà nghiên cứu phát hiện ra nghề sản xuất dòng gốm này đầu tiên (thôn Chu Đậu ở tả ngạn sông Thái Bình, thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) nên gọi là gốm Chu Đậu; dòng gốm có niên đại thế kỷ 14 - 16 và thất truyền vào thế kỷ 17.

Đĩa trung gốm Chu Đậu trang trí hoa văn khá lạ.
Đĩa trung gốm Chu Đậu trang trí hoa văn khá lạ.

Gốm Chu Đậu đang trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng đến từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể: phân chia từ cuộc khai quật (1997 - 1999) tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An), do Bộ VH-TT&DL, Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ Giao thông vận tải) và Trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp thực hiện.

Phân chia và hiến tặng từ cuộc khai quật (2004) tại vùng biển Cù Lao Chàm, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương thực hiện, nhận bàn giao từ các cơ quan chức năng thu giữ của những người trục vớt, vận chuyển, mua bán trái phép cổ vật.  

Đĩa lớn vẽ men tam thái còn khá nguyên vẹn.
Đĩa lớn vẽ men tam thái còn khá nguyên vẹn.

Hơn 50 hiện vật gốm Chu Đậu được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam là sản phẩm tiêu biểu về kiểu dáng, hoa văn trang trí, màu men… Mặc dù những hiện vật này đã nằm ở độ sâu hơn 70m dưới biển hơn 500 năm, song xương gốm vẫn chắc chắn, màu men vẫn sáng đẹp đến lạ kỳ.

Đây là các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ xuất khẩu. Đó là bình tỳ bà (lớn, nhỏ), ấm tỳ bà (lớn nhỏ), kendy (lớn, nhỏ), bát (chân cao, chân thấp), đĩa (đại, lớn, trung, nhỏ), chén tượng vẹt, ấm hai bầu, ấm hình con gà, âu, bình, con tiện, liễn, hũ sành, tước, hộp (lớn, trung, nhỏ), hộp hình con cua, lọ tròn (lớn, trung, nhỏ), lọ hình quả lựu, quả lê, quả xoài, củ hành, chim phụng, lọ có quai, lọ hình lục giác, lọ hai bầu, lọ cổ cao, lọ minh khí, lại còn có đồ chơi của trẻ em như các lọ có hình tượng con cóc, cá, voi, rùa…

Hoa văn đa dạng

Hầu hết sản phẩm gốm đều được phủ men và trang trí hoa văn. Về màu men, hiện vật được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men màu khác nhau, phổ biến là men trắng hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm.

Hoa văn được vẽ bằng ba màu (tam thái) đỏ, xanh lục và vàng; nhiều sản phẩm ở phần trôn được quét son nâu. Hoa văn chủ đạo là sen, cúc, đào dưới nhiều dạng khác nhau và rất nhiều loại hoa văn cách điệu khác, khó có thể gọi tên chính xác. Hình động vật và côn trùng có chim, cá các loại, ngựa, hổ, ong và nhiều con vật được cách điệu khó có thể biết rõ là con gì…

Đa số chén, bát được trang trí một bông hoa giữa lòng, có số ít trang trí con chim, con cá, cành hoa và bao quanh là đường tròn; bên ngoài trang trí dải những cánh hoa sen hoặc hoa cúc dây.

Đĩa đại, đĩa lớn, đĩa trung thường có đề tài trang trí phong phú, bao gồm bông hoa, con chim đang đậu, đang bay, con cá đang bơi, đớp mồi, con ngựa đang phi, con hổ hoặc trang trí kết hợp con chim đang đậu trên cành cây, đang kiếm ăn trong bụi cỏ, con cá đang bơi trong đám rong, con ngựa đang phi trong những đám mây cuộn.

Bên cạnh đó, hoa văn trang trí là bức tranh phong cảnh thể hiện nét đẹp trong đời sống hằng ngày của người dân như: hình người đội nón, áo dài, người chăn trâu, câu cá, ngôi nhà; một cành đào đầy hoa và nụ với một con chim nhỏ ngơ ngác; từng đàn chim sải cánh bay trên cánh đồng; bồ nông, vịt trời bơi lội trên mặt nước; những con cò đang kiếm ăn… Các loại hộp, lọ có kích thước nhỏ thường được trang trí khá tỉ mỉ và đề tài cũng khá phong phú. Cá biệt có loại hình chỉ phủ men không trang trí hoa văn.

Đặc biệt một số bát, đĩa có khắc một chữ Hán giữa lòng, nhiều nhất là chữ Phúc, Chính, Trung, Ngọc… Đây có thể là dấu hiệu của chủ lò và những chữ đó được khách hàng đương thời ưa chuộng?

Phương pháp làm gốm đỉnh cao

Từ các cuộc khai quật tại các lò gốm cổ ở Chu Đậu, các nhà nghiên cứu cũng đã lý giải phương pháp làm gốm đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Trang trí hoa văn thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi.

Trong những hiện vật gốm trưng bày, ấn tượng nhất là chiếc đĩa lớn vẽ men tam thái hình con chim đang đậu trên cành cây, xung quanh là mây cuộn, sóng nước còn khá rõ nét và sinh động. Những hiện vật được vẽ men tam thái có màu đỏ và màu xanh lục không bền, rất dễ mất màu (sờ tay vào có thể bay màu) nhưng chiếc đĩa này còn khá nguyên vẹn, điều đó chứng tỏ quá trình trục vớt, bảo quản rất cẩn thận và chuyên nghiệp. Đáng chú ý nữa là chiếc ấm tỳ bà. Theo các nhà nghiên cứu, món này xa lạ với sinh hoạt dân gian Việt Nam, có thể chỉ được làm để xuất khẩu.

Ấm tỳ bà có hình dáng giống cây đàn tỳ bà để dựng đứng, thân thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, tay cầm và vòi ấm nhìn rất uyển chuyển; men trắng vẽ lam, trong lòng miệng ấm vẽ hoa lá, cổ ấm vẽ những chiếc lông chim công, bên dưới là những đám mây cuộn với những con chim thiên nga đang xòe đôi cánh, gần đế trang trí những cánh hoa sen cách điệu.

Đặc biệt hai bên thân ấm trang trí mảng đắp nổi tổ ong hình con chim đậu trên cành cây, trên mảng đắp nổi sơn màu đỏ và đính kim loại vàng (đã bay màu nhiều). Đây là kỹ thuật khá độc đáo được tìm thấy trong gốm Chu Đậu.

Tại Bảo tàng Quảng Nam còn nhiều hiện vật liên quan. Bạn hãy thử dành thời gian đến tìm hiểu và cảm nhận tài hoa của những người thợ làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu Việt Nam cách đây hơn 500 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi nét về hiện vật gốm Chu Đậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO