Ghe bầu trở lái về đông...

NGUYỄN KIM PHƯỢNG 05/11/2022 08:23

(VHQN) - Ghe bầu là phương tiện vận chuyển đường biển của cư dân biển miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng.

Nhộn nhịp ghe thuyền trên biển.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhộn nhịp ghe thuyền trên biển.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong lịch sử hàng hải Việt Nam, ghe bầu xuất hiện trong khoảng thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20, là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam và là sản phẩm bản địa độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung. Ghe bầu trở lái về đông/Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi... Câu ca dao ấy, bây giờ vẫn còn ngân nga ở vùng cư dân ven biển.

Định danh tên gọi ghe bầu

Tên gọi ghe bầu đã được tài liệu đi biển của thế giới ghi nhận trong từ điển Le petit Larousse (Pháp) và từ điển Encyclopedia Britanica (Anh). Ở Việt Nam, một số tác giả như Huỳnh Tịnh Của trong “Đại Nam quấc âm tự vị”; Vương Hồng Sển trong “Tự vị tiếng Việt miền Nam” đã lý giải tên gọi này với đặc điểm chung:

ghe bầu là loại ghe đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Đây là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu nên thuyền có khả năng ra khơi xa đi dài ngày.

Bánh lái gồm nhiều kiểu như lái cối, lái ống, lái âm dương, đều có cấu tạo chung là sỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái. Ghe bầu có ba buồm là buồm mũi, buồm loan nằm giữa và buồm cửu nằm phía đuôi. Buồm hình tứ giác hay hình cánh dơi.

Ghe bầu có tải trọng khá lớn và đi nhanh, để tạo cân bằng, người thợ đóng thuyền đã đặt một đòn then ngay sau cột buồm chĩa ra phía trên gió. Mắt thuyền trước tròn, dài nhọn dần về đuôi mắt. Vật liệu làm ghe bầu chủ yếu là tre và các loại gỗ.

Nhà nghiên cứu người Anh, J.B. Piesttri viết trong sách “Thuyền buồm Đông Dương”: “Hoạt động giao lưu thương mại trên tuyến đường biển vùng duyên hải Trung Bộ đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của kinh tế biển, trong đó ghe bầu được xem là một trong những phương tiện vận chuyển hàng hải quan trọng vào loại bậc nhất lúc bấy giờ”.

Ông J.B. Piesttri còn nhận xét ghe bầu mang nhiều đặc điểm chỉ có ở Việt Nam, sử dụng chính những nguyên liệu sản xuất ở địa phương, là sản phẩm của sự sáng tạo và linh hoạt của người dân bản địa với môi trường tự nhiên.

Kế thừa kỹ thuật đóng thuyền Chăm

Ghe bầu là một loại thuyền buôn đặc trưng của xứ Quảng mà kỹ thuật đóng có sự tiếp thu từ người Chăm và một số nước Đông Á, Đông Nam Á.

Theo GS. Ngô Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian), ghe bầu là tên gọi biến âm của từ Prau hay Perahu trong tiếng Chăm, một danh từ chỉ ghe/thuyền, là phương tiện chuyên chở trên mặt nước.

Ảnh ghe bầu được in trong tem bưu thiếp của Albert Pélissier. Ảnh tư liệu
Ảnh ghe bầu được in trong tem bưu thiếp của Albert Pélissier. Ảnh tư liệu

GS. Trần Quốc Vượng cũng đề cập qua sự kiện ngôn ngữ này, ông viết: “Ghe bầu Quảng Nam rất xứng đáng có một vị thế trong nghiên cứu nhân học, văn hóa - xã hội lịch sử”. Còn học giả Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Bội Liên - hai nhà Quảng Nam học nổi tiếng, thì cùng có chung nhận định: Những chiếc ghe bầu ở miền Trung là do người Việt đã tiếp thu văn hóa Chăm.

Tuy cùng mang những yếu tố phức hợp Mã Lai - Đa Đảo (Malayo-Polynésien), nhưng ghe bầu xứ Quảng và ghe bầu vùng Ninh Thuận, Bình Thuận có một số điểm khác nhau. Ghe bầu vùng Ninh Thuận, Bình Thuận còn giữ lại nhiều yếu tố Mã Lai hơn, còn ghe bầu xứ Quảng là kết quả trực tiếp của quá trình giao lưu Việt - Chăm, của sự kết hợp giữa kỹ thuật đóng thuyền cổ truyền của cư dân Việt và kỹ thuật đóng thuyền của cư dân Chăm.

Đó là kỹ thuật phối hợp giữa những cây xiếm di động ở mũi thuyền, bánh lái thay đổi độ nông sâu ở đuôi thuyền, vỏ thuyền làm từ mây tre và cánh buồm có thể điều chỉnh theo hướng gió. Đây là đặc trưng chỉ thấy ở chiếc ghe bầu mà nhờ đó cư dân biển ở xứ Quảng đã vươn ra khơi xa.

Tri thức bản địa và biểu tượng giao thương

Ghe bầu di chuyển bằng buồm nhờ sức gió. Vì thế, để tận dụng sức gió tốt nhất, gió ngược mà ghe vẫn chạy được thì đòi hỏi người cầm lái phải có kỹ thuật và kinh nghiệm.

Những lúc thiếu gió hay gió hơi ngược họ có kỹ thuật chạy “vát” hay chạy “ganh” rất độc đáo. Tức là ghe bầu chạy ngược gió bằng cách kéo xiên xiên cánh buồm, nếu ghe nghiêng thì ganh được đưa hết bên trong, tùy theo độ nghiêng mà người trong ghe chạy ra ngồi trên đòn ganh, nếu ghe nghiêng nhiều hơn thì cùng lúc hai, ba, bốn người ngồi.

Ghe bầu đi buôn là những ghe lớn, vận chuyển nhiều sản vật địa phương có giá trị kinh tế, trong khi không có các phương tiện hiện đại hỗ trợ nên thường gặp nhiều nguy hiểm trên hành trình dài có khi lên đến hàng mấy tháng, nên chủ ghe rất cần sự lão luyện của “các lái” và cả những kinh nghiệm xem hiện tượng đoán thời tiết trong suốt hải trình. Đó là những tri thức bản địa được tích lũy qua thực tiễn đi biển của nhiều thế hệ lái thuyền trao lại.

PGS-TS. Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Thời các chúa Nguyễn, việc phát triển mạnh giao lưu giữa các vùng miền trong nước và nước ngoài chủ yếu bằng ghe bầu ở trên các luồng đường biển Bắc - Nam, đã góp tạo nên các cảng thị, phố chợ ở ven sông, cận biển. Từ đó hình thành hẳn một nghề thường gọi là nghề buôn cát lái.

Theo những chuyến hải trình của chiếc ghe bầu, hành trang văn hóa cũng được chuyên chở và lan tỏa ra các vùng miền. Ghe bầu là dấu ấn kết nối văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam và cũng chính là phương tiện để đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam vào thế kỷ 17”.

Cách đây 5 thế kỷ, trong các phương tiện đường biển của người Việt, ghe bầu một thời nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng vận chuyển hàng hóa ở Đàng Trong, tạo ra nghề buôn bằng ghe bầu của người dân xứ Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghe bầu trở lái về đông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO