Gốc gác tộc người

HƯƠNG THU - KIM NGÂN 29/08/2021 05:59

Căn cội của các tộc người thiểu số ở Quảng Nam chỉ được lưu truyền bằng hình thức phi văn tự, nhưng không kém phần hiệu quả và còn mang sức hút bởi yếu tố ly kỳ, giúp thế hệ sau không bao giờ quên về gốc gác tộc người của mình.

Cơ Tu là một trong 4 tộc người chính của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam. Trong ảnh: Các cô gái Cơ Tu với vũ điệu tâng tung da dá. Ảnh: Alăng Ngước
Cơ Tu là một trong 4 tộc người chính của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam. Trong ảnh: Các cô gái Cơ Tu với vũ điệu tâng tung da dá. Ảnh: Alăng Ngước

Tộc danh mang yếu tố động thực vật

Tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam có 4 tộc chính là Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Giẻ - Triêng. Mỗi một tộc người lại phân chia thành nhiều họ tộc khác biệt. Để giải thích cho sự tích tộc họ, những truyện cổ, truyền thuyết dân gian được dệt nên.

Người Cơ Tu đã có những truyền thuyết thú vị về các dòng họ: sự tích về họ Hiên, họ P’long, họ Tơ-ngôi, họ Arân, họ Alăng, họ Bnướch, họ Jrâm, họ Riah, họ Atùng, họ Bơriu… Người T’riêng và người Ve có những truyền thuyết về các dòng họ: họ Alăng, Brôi, họ Chium, họ Dệ…

Nguồn gốc tên gọi của các họ tộc người thiểu số Quảng Nam có nhiều loại hình, trong đó có hai dạng phổ biến liên quan đến yếu tố động vật và liên quan đến yếu tố thực vật.

Tên gọi tộc họ liên quan đến yếu tố động vật có các họ Z’râm, Jrâm, Riah, Arân, Ating… Người Cơ Tu ở nhà sàn bởi sợ thú dữ, rắn rết. Khi làm nhà sàn thì thường có cầu thang để thuận tiện lên xuống. Chuyện kể rằng có một đứa nhỏ tập đi bước qua cửa rồi nhảy xuống đất như kiểu chó nhảy.

Họ cho rằng con chó đã truyền cho thằng bé cách nhảy đó cho nên họ đặt tên cho thằng bé là Z’râm. Sau đó họ Z’râm kiêng ăn thịt chó, tạo thành một phong tục riêng của họ. Con chó còn có liên quan đến một số họ khác của người Cơ Tu là họ Jrâm và họ Riah. Mô típ chung của những câu chuyện về các tộc danh này là việc một cô gái lấy một con chó, sau đó sinh con đẻ cái.

Ngoài yếu tố tô-tem chó ra, người Cơ Tu cũng có tên họ bắt nguồn từ loài vật khác như con heo. Một truyền thuyết cho biết dân làng bắt được một con heo đất nhưng nấu mãi mà không chết, vì vậy họ lấy họ là Arân, có nghĩa là con heo đất.

Và còn nhiều câu chuyện nguồn gốc dòng họ có liên quan đến loài động vật khác như con cua của họ Ating… Các tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam giải thích tộc danh của tộc người bằng những câu chuyện liên quan đến những con vật phổ biến trong cuộc sống sinh hoạt. Tuy không phải là những loại động vật quý hiếm, nhưng họ lại rất xem trọng gốc gác ấy.

Tộc danh liên quan đến thực vật có họ Bh’riu. Một đôi trai gái vào rừng hái trái Bh’riu ăn sau đó nảy sinh tình cảm với nhau. Kỷ niệm sự kiện này, họ đặt tên cho con theo tên loài cây này và họ Bh’riu có nguồn gốc kể từ đó.

Lẽ thường, chúng ta hay nghĩ nguồn gốc tộc họ sẽ bắt nguồn từ những câu chuyện đặc biệt, to lớn nhưng đối với tộc người thiểu số Quảng Nam, họ suy nghĩ thật giản đơn như đời thường bình dị của họ.

Tộc danh từ tính chất sự vật, sự việc

Ngoài hai nguồn gốc tộc họ liên quan động vật và thực vật đã nhắc đến, vẫn còn một số tộc danh khác có nguồn gốc khác, mặc dù ít phổ biến hơn nhưng cũng không kém phần sinh động. Họ Hiên bắt nguồn từ câu chuyện một chàng trai ngang bướng chống lại thần linh. Chuyện một chàng trai khác, người mồ côi, đã chiến thắng cuộc thi trèo cây lon-chơ-lăng nhờ ông lão mách kế trong mơ, nên ra đời họ Tơ-ngôl, mang nghĩa trèo giỏi.

Một chuyện kể cho biết tộc danh Jrâm có nghĩa là dưới gầm sông, bắt nguồn từ một cuộc thi, nếu ai vượt qua sông mà không ướt đầu thì người đó thắng, cuối cùng chỉ có một người già trong làng đã tìm ra cách. Họ Riah mang ý nghĩa là rễ cây nằm dưới lòng đất… Truyện cổ, truyền thuyết dân gian các tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam còn khá nhiều ngữ liệu liên quan đến chủ đề này.

Ngoài nguồn gốc tộc danh của người Cơ Tu, truyện “Sự tích một số họ Nam của người T’riêng” (trong sách Văn học dân gian Quảng Nam) cho biết, người T’riêng còn có sự tích về một số tộc danh được nhắc đến là họ Alăng, họ Brôi (họ cáo), họ Chium (cầu ngầm), họ Dệ (con sóc), mỗi một tộc danh đều có một ý nghĩa riêng, không phải ngẫu nhiên mà họ lại lấy những cái tên đó để đặt tộc danh của mình.

Ví dụ họ Brôi là do có chàng trai trong làng thông minh, gan dạ, mưu trí khá giống với tính cách của loài cáo. Tên họ Alăng là nói về chàng trai giỏi leo trèo được già làng gả cho cô con gái đẹp. Alăng nghĩa là trèo cao…

Trên đây chỉ là một số ít những nhánh họ được thống kê từ các tộc người thiểu số Quảng Nam. Tuy rằng có mẩu chuyện không đúng với thực tế nhưng thể hiện được cái nhìn sinh động và sự tưởng tượng phong phú của cộng đồng các tộc người nơi đây. Đồng thời mang một ý nghĩa lớn lao trong đời sống tâm linh của họ.

Các tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam luôn tự hào về tên gọi họ tộc của mình. Họ không xây dựng, đan dệt câu chuyện tộc danh xuất thân cao quý mà chỉ chọn lấy những điều giản đơn nhất, những sự vật bất cứ đâu trong hệ sinh thái của họ cũng có thể bắt gặp để làm cội nguồn, gốc tích của dòng họ. Đây cũng là bức tranh nghệ thuật dân gian muôn màu sắc, mang âm hưởng núi rừng đặc trưng.

Nhờ vào những sự tích về tộc danh của họ chúng ta có thể biết được một số quan niệm, tư tưởng, phong tục tập quán, ý thức tộc người của các tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gốc gác tộc người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO