Người Cơ Tu giữ câu hát lý

ĐĂNG NGUYÊN 08/08/2021 06:05

Cùng với tổ chức sưu tầm, biên soạn, truyền dạy nói lý - hát lý, nhiều năm qua, chính quyền các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu giúp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát lý truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Các già làng hát lý trong ngày ra mắt CLB nói lý - hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn P’rao). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Các già làng hát lý trong ngày ra mắt CLB nói lý - hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn P’rao). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Trao truyền câu lý

Gần 2 năm kể từ khi được thành lập, Câu lạc bộ (CLB) nói lý - hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn Prao, Đông Giang) duy trì hoạt động bằng nhiều việc làm cụ thể và thiết thực. Đều đặn hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt giữa các thành viên. Các vấn đề xã hội được gợi mở để các thành viên phân tích, diễn đạt theo hình thức “mở đầu câu chuyện” bằng nghệ thuật nói lý - hát lý.

Ông Arất Blúh - Chủ nhiệm CLB nói lý - hát lý thôn Tà Vạc cho biết, tại các buổi sinh hoạt, ngoài phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện truyền dạy nghệ thuật nói lý - hát lý cho cộng đồng, CLB tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của địa phương giúp việc hỗ trợ truyền dạy đem lại hiệu quả. Hiện CLB có 15 thành viên tham gia sinh hoạt, chủ yếu là các già làng có nhiều kinh nghiệm và người trẻ am hiểu về nghệ thuật ứng khẩu độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

“Năm ngoái, ngay sau khi được thành lập, chúng tôi phối hợp với Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao) truyền dạy cách nói lý - hát lý cho học sinh lớp 12 của trường. Kết thúc từng câu nói lý - hát lý, chúng tôi giải thích cho các cháu hiểu nội dung, nghĩa từ được ví von.

Ví dụ, tại sao phải nói đến cây này, nhắc đến con vật kia hoặc khi ví con người thì dùng hình ảnh gì, nói chuyện cưới hỏi thì bắt đầu từ đâu… Hoạt động này vừa giúp các cháu học sinh tự hào về văn hóa truyền thống, vừa khuyến khích học tập kinh nghiệm, có khả năng nhận biết ẩn dụ trong nói lý - hát lý” - ông Blúh chia sẻ.

Nói lý - hát lý giúp giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng 

Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Cái hay của nói lý - hát lý thể hiện ở chỗ nhiều cuộc tranh cãi, mâu thuẫn giữa làng này với làng kia; giữa gia đình này với gia đình nọ nhưng cuối cùng tất cả câu chuyện đều được giải quyết ổn thỏa, hợp lý, thuận tình qua những câu lý. Nói lý - hát lý không phải mổ xẻ, phân tích một sự việc, hiện tượng, mà cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa, ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Nghệ nhân nói lý - hát lý ngoài giọng hát hay, truyền cảm, còn phải biết chọn lựa kết hợp nội dung phù hợp, súc tích đảm bảo tính nghệ thuật truyền miệng lâu đời”.

Không chỉ ở Tà Vạc, những năm gần đây, tại rất nhiều thôn bản miền núi, cộng đồng Cơ Tu lần lượt thành lập các CLB nói lý - hát lý truyền thống. Như ở thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), từ hơn 5 năm nay, các già làng duy trì CLB vừa tạo không gian sinh hoạt, giao lưu đón tiếp khách, vừa mở lớp truyền dạy nghệ thuật nói lý - hát lý cho thanh niên trong thôn. Từ việc làm này, sau nhiều năm đã ghi nhận khá đông người trẻ tham gia lớp học, có người nay đang hoàn thiện kỹ năng nói lý, tự tin giao tiếp bằng câu lý truyền thống trước cộng đồng.

Ông Bh’ling Bloó, thành viên CLB nói lý - hát lý thôn Bhơ Hôồng nói, mỗi thành viên tham gia CLB đều có chung mong muốn góp sức duy trì hoạt động của CLB, giúp trau dồi kỹ năng nói lý, cũng như kết nối và trao truyền nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ.

“Để nói lý - hát lý không bị mất đi, việc trao truyền cho thế hệ trẻ là điều cần thiết nhất lúc này. Bởi muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thì phải hành động bằng việc làm cụ thể. Mặc dù cái khó của nói lý - hát lý là không có bài mẫu chung, nhưng bằng nỗ lực tập thể, chúng tôi đã từng bước giúp người trẻ nhận biết nội dung cơ bản về câu lý. Từ đó, khuyến khích họ tham gia lớp học và tự hào về văn hóa cha ông để chung tay gìn giữ” - ông Bloó chia tâm sự.

Giữ văn hóa cha ông

Là địa phương duy trì tổ chức lễ hội văn hóa người Cơ Tu, xã Sông Kôn (Đông Giang) được xem như “hình mẫu” trong công tác bảo lưu, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là nghệ thuật nói lý - hát lý. Bên cạnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch, nhiều năm qua, chính quyền xã còn hỗ trợ một phần kinh phí giúp các CLB nói lý - hát lý duy trì hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng và mang lại hiệu quả mô hình cao.

Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho hay, sau thời gian đưa vào hoạt động, các CLB nói lý - hát lý trên địa bàn xã đã phát huy vai trò, cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, giải quyết các vấn đề xã hội và hòa giải thành công các mâu thuẫn trong đời sống. “Lắng nghe tâm tư nguyện vọng từ thực tiễn, bằng câu lý, các già làng đã vận động và khuyến khích nhiều hộ dân hiến đất, hiến cây trồng cùng góp sức xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước” - bà Ngơi nói.

Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, thông qua các lớp dạy nói lý - hát lý cho thanh niên Cơ Tu trong cộng đồng đã cho thấy sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

“Không chỉ ở Đông Giang, qua thông tin trao đổi, chúng tôi được biết ở các địa phương khác như Nam Giang và Tây Giang, các CLB nói lý - hát lý cũng đang được hình thành, mở rộng quy mô bởi các già làng, những người am hiểu nghệ thuật nói lý - hát lý. Để di sản độc đáo này tiếp tục được bảo tồn và phát huy, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, tiếp tục duy trì và phát triển các CLB hát lý - hát lý. Đồng thời tìm giải phát hữu hiệu, phấn đấu 100% thôn có đồng bào Cơ Tu sinh sống trên địa bàn huyện có CLB nói lý - hát lý” - ông Tùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Cơ Tu giữ câu hát lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO