Nhà Nguyễn trong việc quản lý biển ở Quảng Nam

NGUYỄN VĂN THỊNH 17/06/2022 10:25

(VHQN) - Phát triển kinh tế du lịch biển, đảm bảo an toàn an ninh trên biển thời nào cũng quan trọng. Trong bài viết này, cùng nhìn lại những kinh nghiệm của nhà Nguyễn trong quản lý biển ở Quảng Nam.

Biển Tam Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Biển Tam Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong lục bộ (Bộ Công, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Lại) thì Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Hình đảm nhận những trọng trách và chức năng quản lý liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao thông, khai thác, bảo vệ nguồn lợi, chủ quyền biển, đảo.

Lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo an toàn cho các hoạt động này bao gồm thủy quân, lực lượng quan chế canh phòng cửa biển, hải đảo tại các Tấn, Bảo, Sở, Pháo đài (Thành) như Tấn thủ, Thủ ngữ, Thủ úy, Thành thủ úy, dân binh và nhân dân ven biển, hải đảo.

Đối với nhà Nguyễn, thủy quân là lực lượng quan trọng đảm nhận chức năng chính. Để thủy quân hoạt động hiệu quả, chính quyền đã chú trọng phát triển lực lượng, chế tạo, mua sắm và cung cấp, trang bị các thiết bị chuyên dụng thiết yếu.

Dưới thời vua Minh Mạng đã cho trang bị loại tàu bọc đồng, tàu máy hơi nước, đồng thời còn quy định chuẩn hóa, thống nhất hình dạng kích thước tàu: “Nay ngạch thuyền trong ngoài đã định, thì dạng thức cũng nên phải thống nhất” (theo “Nội các triều Nguyễn” (bản dịch năm 1993), “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, tập 2, NXB Thuận Hóa, tr.815).

Cùng với việc xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, việc diễn tập thủy binh cũng được tổ chức thường xuyên. Năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng có dụ rằng: “Thủy quân, nên thi hành diễn tập, chẳng hạn loại: thuyền mành, buồm chèo, cột buồm, dây thuyền, người cầm lái và thủy thủ, tiến hành thao diễn, được cốt người tinh thạo, sau đến đường biển, đường sông, chỗ nông chỗ sâu, chỗ hiểm, chỗ dễ và chỗ đảo lớn, đảo nhỏ, nơi sâu nơi cạn, nhất thiết phải tránh, nên khiến cho tập để biết tất cả”. (theo “Nội các triều Nguyễn” (bản dịch năm 1993), “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, tập 10, NXB Thuận Hóa, tr.629).

Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng truyền dụ: “Nước nhà ta mở mang bờ cõi, tới mãi biển nam, hằng năm thuyền bè vận tải qua lại, đã có lệ thường, đường biển chỗ nào khó dễ nông sâu, phải nên thuộc hết.

Vậy truyền chỉ cho các địa phương ra lệnh cho các viên coi đồn cửa bể trong hạt, bắt đầu từ năm này phàm những cửa biển sở tại, rộng hẹp, nông sâu thế nào phải xem xét đo đạc cho tường tận hơn những cửa biển gần bờ, nếu có đống đá, ghềnh đá, bãi cát nông, bãi cát ngầm, mà thuyền bè cần phải tránh, đều phải chỉ rõ là cách với bờ bao nhiêu trượng, thước; nếu cách bờ xa, khó xem xét đo đạc, cũng phải ước lượng xem xa gần mấy dặm, đi độ mấy giờ, mấy khắc thì đến bờ, và chỗ ấy trông lên núi trên bờ xem hình nó lớn hay nhỏ, hình giống cái gì, nhất nhất phải biên kê hết cả ra, để cho dễ nhận.

Hằng năm cứ vào khoảng tháng 6 tháng 7 tiếp giáp nhau, sở tại gửi bản biên kê đó đến Bộ Công để lục giao cho thủy quân và các thành trấn lưu chiểu. Việc đó cốt để lo sự đi biển được thuận lợi; nếu làm sai thì những viên đóng giữ các đồn cửa bể tức thì bị chiếu luật nặng trị tội.

Rồi lại chuẩn cho Bộ Công đi các địa phương chiếu theo hải phận trong hạt, vẽ thành bản đồ nộp bộ để căn cứ xét dùng” (theo “Quốc sử quán triều Nguyễn” (bản dịch Viện Sử học năm 2007), “Đại Nam thực lục”, tập 3, NXB Giáo dục, tr.165).

Vua Minh Mạng còn đặc biệt quan tâm đến việc đo vẽ bản đồ các hải đảo: “Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xem xét xứ ấy, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và bốn biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ”. (theo “Quốc sử quán triều Nguyễn” (bản dịch Viện Sử học năm 2007), “Đại Nam thực lục”, tập 4, NXB Giáo dục, tr.867).

Đến năm Giáp Ngọ (1834), triều đình Minh Mạng cho đặt Thủy sư ở Quảng Nam và Bình Định: “Vua cho rằng: các cửa biển ở Quảng Nam đều là những nơi thuyền mành ra vào, nên có thủy quân để dùng vào việc tuần tiễu, bèn sai quan tỉnh chiếu nguyên 2 đội Thanh Khê, Hà Khê cùng với số quân hiện có ở cơ Điện Hải cũ gộp lại làm một. Lại lựa các dân ở ven biển, tuyển cho đủ 10 đội. Đến đây, danh sách tuyển bổ dưng lên, đặt tên là Thủy vệ Quảng Nam”. (theo “Đại Nam thực lục”, tập 4, bản dịch đã dẫn, NXB Giáo dục, tr.252).

Ngoài việc tổ chức bộ máy quản lý, điều hành giao thông trên biển, nhà Nguyễn còn có những quy định cụ thể về lệ làm sổ thuyền, bài thuyền, lệ vận tải; quy định về lái thuyền, bạn thuyền và các loại thuyền tham gia hoạt động giao thông, cứu hộ trên biển (thuyền ứng ban, thuyền đại dịch, thuyền miễn dịch, thuyền ván đi buôn, thuyền đánh cá…).

Đối với trường hợp thuyền công triều đình gặp tai nạn, bị sự cố được quy định như sau: “Như đi trong biển, chợt gặp mưa gió, sóng dữ, thế không giữ nổi, rõ là việc xảy ra bất ngờ, sức người không thể chống nổi, thì phải có quan tư sở tại khám thực cam kết, làm sớ tâu rõ, đợi chỉ vua tuần làm thì không kể.

Còn khi gặp gió mạnh mưa to tầm thường mà cũng không khống chế nổi, hay là khi đi khi đỗ không đúng mức, đến nỗi xảy ra hỏng việc, thì quan sở tại làm chiếu tâu minh bạch, chiếu các thứ của công ở thuyền ấy bị mất theo số ấy phải bồi thường và chiếu luật trị tội”. (theo “Nội các triều Nguyễn” (bản dịch 2004), “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”, tập 8, NXB Thuận Hóa, tr.508-509).

Những thông tin trên cho thấy, dưới thời kỳ nhà Nguyễn đã có những chính sách, giải pháp tổ chức quản lý, điều hành kịp thời nhằm phòng tránh, ứng cứu, khắc phục tai nạn giao thông đường biển, qua đó góp phần ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và xác lập biên giới chủ quyền quốc gia trên biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà Nguyễn trong việc quản lý biển ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO