Phát triển thư viện số

LÊ QUÂN 30/05/2021 07:45

Một cuộc chuyển đổi số hứa hẹn sẽ mang đến cho ngành thư viện những phát triển vượt trội, tiệm cận với người dân hơn bằng cách xây dựng những dữ liệu mở, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc...

Cô và trò cùng đọc sách tại Thư viện Quảng Nam. (Ảnh chụp tháng 4.2021). Ảnh: X.H
Cô và trò cùng đọc sách tại Thư viện Quảng Nam. (Ảnh chụp tháng 4.2021). Ảnh: X.H

Đọc sách online

Những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 hồi năm 2020, Thư viện TP.Tam Kỳ đã linh hoạt mở ra không gian “đọc sách online - mỗi tuần một cuốn sách”.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng - phụ trách Thư viện TP.Tam Kỳ cho biết, hoạt động này nhằm để không gián đoạn thói quen đọc sách của bạn đọc. “Chương trình được thực hiện bằng cách quay video, phát trên kênh Youtube và facebook của Thư viện TP.Tam Kỳ. Bạn đọc ở nhà có thể thoải mái nghe những giọng đọc cuốn hút thông qua các video này” - chị Phượng chia sẻ. 

Việc tương tác trực tiếp thông qua những bình luận từ các kênh trực tuyến này cũng là cách để Thư viện TP.Tam Kỳ nắm bắt nhu cầu của bạn đọc để bổ sung và hoàn thiện các video ngày càng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, thư viện cũng thường xuyên cập nhật sách mới, sách hay theo nhu cầu bạn đọc.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Trung tâm văn hóa TP.Tam Kỳ cho biết, việc linh hoạt tìm hướng đi mới để phục vụ bạn đọc, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin để đưa thư viện trở thành một địa chỉ tìm kiếm quen thuộc của người trẻ là kỳ vọng của nhiều người.

Trong khi đó, tại Thư viện Quảng Nam, ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện cho biết, chuyển đổi số là điều tất yếu để ngành thư viện phát triển trong thời buổi hiện nay. Thư viện Quảng Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị cho nhân lực tại đây những kiến thức cơ bản trong biên mục và xử lý tài liệu, quản trị phần mềm, in sổ đăng ký cá biệt, tạo nhãn mã vạch cho sách, quản lý bạn đọc và lưu thông tài liệu, đơn giản hóa công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Chính điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận của người đọc đối với tài liệu của thư viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin cho bạn đọc cũng như tích cực đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và góp phần phát triển sự nghiệp thư viện Quảng Nam.

Xây dựng dữ liệu mở

Hồi tháng 2 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo chương trình, mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thư viện có vai trò quan trọng) hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác...

Việc hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện cũng như phát triển dữ liệu số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng… được đưa ra. Về phát triển dữ liệu số, chương trình tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở.

Cùng với đó, hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống định danh các thư viện, cơ quan thông tin và các dịch vụ cung ứng tại thư viện cũng như trên không gian mạng. Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để cung cấp dịch vụ định danh cho người sử dụng; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến và phổ biến rộng rãi tới tất cả người dân, có phân biệt các đối tượng đặc thù. Đa dạng hóa dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông La Đình Nghĩa cho biết, theo Chương trình phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các thư viện công cộng sẽ dần tiến tới việc cung cấp dịch vụ trực tuyến, bao gồm giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa... hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân.

Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi. Hiện tại Thư viện Quảng Nam đang bắt đầu số hóa nguồn tài liệu để dễ dàng phục vụ công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới. 

Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số trong ngành thư viện chính là để xây dựng dữ liệu mở cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia. Qua đó góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia, góp phần xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT-TT cho rằng: “Những năm qua, tại các quốc gia có xuất bản điện tử phát triển thì tốc độ phát triển ebook rất cao. Nhiều quốc gia tốc độ tăng trưởng trên 20%. Nhiều đơn vị xuất bản đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi số như vậy nên tích cực tham gia thay đổi cả quy trình xuất bản cũng như hoạt động quản lý của mình”. Chính những tiện ích từ “sách số” hoặc các hoạt động trực tuyến của thư viện dựa trên các thiết bị điện tử thông minh sẽ giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và lan tỏa phong trào đọc sách mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển thư viện số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO