Phiến đá - dụng cụ in li-tô

TRẦN VŨ 05/12/2021 08:26

Tại không gian trưng bày về chủ đề Cách mạng Tháng Tám của Bảo tàng Quảng Nam có phiến đá hình khối vuông được đặt trang trọng trong tủ kính, bên dưới có dòng chú thích “Phiến đá in tài liệu” đã gây tò mò cho không ít khách tham quan.

Phiến đá in tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.
Phiến đá in tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.

Chứng tích của giai đoạn lịch sử

Theo quan sát, phiến đá màu trắng đục, bị khuyết một góc; một mặt bằng phẳng và được mài nhẵn, có dính một số vết màu đen (có thể là mực in còn sót lại), có nhiều vết trầy xước và loang lổ (có thể do quá trình vận chuyển); mặt còn lại có nhiều chỗ lồi lõm; ba cạnh bên bằng, không được gia công, một cạnh còn nhìn thấy đường rãnh lõm tròn (đây là vết đục để tách đá).

Theo tài liệu lưu trữ: “Phiến đá cẩm thạch, kích thước 40x40x10cm, nặng 37,5kg; đá được các đồng chí Bùi Trọng Ngạc, Nguyễn Thương, Nguyễn Tạo dùng để in tài liệu cho Xứ ủy Trung kỳ trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955, trước những biến chuyển của thời cuộc các đồng chí Võ Ngọc Hải, Ngô Nghiên, Đỗ Thế Chấp đã ra lệnh cho đồng chí Võ Hồng Sơn đưa toàn bộ dụng cụ in ấn lên địa đạo sau lưng nhà ông Lê Đạt (thôn Thọ Khương - thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành).

Năm 1984, ông Võ Hồng Sơn về hưu, đi thăm lại địa đạo cũ phát hiện còn một phiến đá, ông kể lại cho ông Trần Cảnh nghe, ông Trần Cảnh cùng ông Huệ lên núi đưa phiến đá về nhà ông Cảnh lưu giữ, đến ngày 19.2.2004 ông Cảnh tặng phiến đá lại cho Bảo tàng Quảng Nam”.

Theo tìm hiểu, Xứ ủy Trung kỳ được thành lập vào cuối năm 1930 tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng. Đây là cơ quan lãnh đạo Đảng cao nhất miền Trung đến các cấp ủy Đảng từ tỉnh xuống cơ sở. Địa bàn đứng chân hoạt động rộng từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Phú Yên.

Tại Quảng Nam trụ sở làm việc của Xứ ủy liên tục thay đổi, từ nhà dân, các lán đơn sơ đến những căn hầm; hoạt động lúc công khai, lúc bán công khai, nhưng đa số là bí mật, khi bị địch phát hiện thì mọi hoạt động bị gián đoạn.

Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn lịch sử, ở đâu có cơ sở của Xứ ủy thì ở đó có hoạt động in ấn, tuyên truyền. Với những dụng cụ và cách thức in ấn thủ công khá thô sơ như: xu xoa, đông sương, đất sét, đá, nhưng công tác in ấn tài liệu, truyền đơn, báo chí... luôn kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương, vận động để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng.

Kỳ công cách thức in thủ công

Phiến đá trên là dụng cụ in tài liệu với kỹ thuật in li-tô. Theo các tài liệu đã công bố, đây là kỹ thuật in bản phẳng trên đá, do Alois Senefelder (1778 - 1834), người Đức sáng chế năm 1796. In li-tô là công nghệ in mới đầu tiên của con người sau in khắc nổi của thế kỷ 15. Nguyên lý của in li-tô dựa vào lực đẩy giữa dầu và nước. Dầu và nước không trộn lẫn nhau và luôn có xu hướng tách rời nhau.

Trong các phiên bản đầu tiên của kỹ thuật in li-tô, người ta hay dùng bề mặt của đá vôi để vẽ dầu lên. Do đó mới có tên gọi in đá, in thạch bản. Sau khi có hình dầu trên đá, a xít được đổ lên để dầu thẩm thấu sâu vào đá.

Khi dầu đã ngấm vào đá, người ta đổ lên đó dung dịch keo để keo bám vào những chỗ chưa có dầu, để dầu không thấm loang ra. Khi in, nước dính vào chỗ có keo, còn mực dầu dính vào những chỗ còn lại.

Các lão thành cách mạng đã từng biết về kỹ thuật in li-tô trong thời kỳ kháng chiến kể lại: Để in được tài liệu cần có các dụng cụ gồm phiến đá có một mặt bằng nhẵn, bút chì, bút viết, mực viết, mực in... và một người có khả năng viết chữ ngược đẹp. Muốn ra bản in, đầu tiên phải rửa thật sạch bề mặt đá, phơi khô, sau đó dùng bút chì kẻ khung, hàng trên mặt đá.

Do trước đây điều kiện khó khăn, nên mực viết được tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; thường được nấu từ sáp ong, xà phòng, nhựa thông, màu lấy từ bột khói đen trên tim đèn dầu hỏa... cô đặc lại thành bánh. Mực in làm từ dầu rái lỏng trộn với bột khói đen trên tim đèn dầu hỏa. Người viết dùng bút (trước đây chủ yếu sử dụng bút lá tre) chấm mực viết chữ ngược trên mặt đá, cả buổi mới viết xong trang in.

Viết xong, chờ cho mực khô rồi dùng miếng giấy hoặc vải mỏng, nhúng vào nước có chứa a xít, lau thật nhẹ tay cho ướt đều mặt đá. Sau đó, dùng lượng nước chua (nước a xít) vừa phải viết trên mặt đá; dùng rulo lăn mực in trên mặt đá. Nước chua làm cho mực in chỉ bám vào mực của các chữ viết, không bám vào chỗ đá không có mực viết, làm cho chữ viết nổi rõ trên mặt đá. Để cho mực in hơi khô, tiếp tục lăn mực thêm một lần nữa, trải giấy lên mặt đá, dùng rulo sạch lăn đè lên trên giấy là được trang in.

Mỗi bản viết có thể in được vài trăm bản in, tuy nhiên còn tùy thuộc vào chất lượng mực viết, mực in và nước mà có thể in được nhiều hoặc ít hơn. Kỹ thuật in li-tô còn có thể in được tài liệu có hình vẽ có nhiều màu, khi in tài liệu có hình vẽ thì dùng bút chì vẽ trước rồi dùng bút chấm mực đồ lại; in hình có nhiều màu thì mỗi màu phải in một lượt và phải canh tờ giấy cho đúng với đường ranh giới của các màu khác nhau, nếu không màu sẽ bị lem.

Công tác in ấn tuyên truyền luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi thời đại. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ chúng ta tải một bản nhạc, in tập tài liệu và có thể tiếp cận thông tin tuyên truyền ở mọi lúc mọi nơi chỉ bằng một cái nhấp chuột. Cho nên, khi nhìn phiến đá - dụng cụ in li-tô đá, ta thấy hoạt động in ấn tuyên truyền thông tin ngày xưa có giá trị biết bao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phiến đá - dụng cụ in li-tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO