Sông xưa chảy bên thành cũ

HỨA XUYÊN HUỲNH 12/12/2021 06:48

Có những địa danh cứ “ám ảnh” người đọc khi hiện diện trên những trang sách cả nghìn năm trước và rồi biến thiên, soi bóng trên dòng thời gian…

Sông soi bóng thời gian

Khi thấy tên sông “Tu-Bong” trên bản đồ cũ của người Pháp, tôi đã lan man nghĩ đến sông mẹ Thu Bồn và bút ký “Đứa con phù sa” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bởi ngay mấy dòng mở đầu bút ký này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn sách “Thủy Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên viết về phong vật phương Nam có nhắc đến một “bãi đất nằm giữa hai con sông Hoài”, tức Gò Nổi.

Bệ voi (sa thạch) đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên.
Bệ voi (sa thạch) đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên.

Thực ra không hẳn “Thủy Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên chỉ “viết về phong vật phương Nam”.

Bắt đầu từ sách “Thủy kinh”, do tác giả khuyết danh thời Tam quốc (220 - 265) biên soạn, gồm 3 quyển, ghi chép 137 con sông thời cổ đại bên Trung Quốc. Đến thời Bắc Ngụy (380 - 534), Lịch Đạo Nguyên mở rộng sưu tầm, phát triển thành bộ “Thủy Kinh chú” gồm 40 quyển, khoảng 300.000 chữ, gấp 20 lần “Thủy kinh”, trình bày 1.252 con sông lớn nhỏ.

Với phương pháp “nhân thủy chứng địa” (nhân con sông chứng thực vùng đất), bộ sách của Lịch Đạo Nguyên được xem là trước tác địa lý tổng hợp toàn diện nhất trước thế kỷ thứ 6 của Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ 20, có 2 học giả Trung Quốc là Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh tiếp tục thu thập tư liệu, gom góp lời các học giả khác để “sớ” (chú thích kỹ hơn nữa) và hợp soạn thành bộ “Thủy Kinh chú sớ”, dung lượng nhiều gấp 5 lần “Thủy Kinh chú” và gấp 100 lần so với sách gốc “Thủy Kinh”…

Lược lại gốc tích bộ sách, để thấy sự hiện diện của 2 nhánh sông Hoài ở tận phương Nam hẳn có duyên cớ. Nếu Lịch Đạo Nguyên mở rộng ghi nhận sự việc và lịch sử, truyền thuyết thần thoại… có liên quan con sông đó thì Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh còn chi tiết hơn.

Hai ông đã “khảo cứu tường tận sự thiên lưu của chúng và các dấu vết của việc thành lập các châu quận, cùng sự duyên cách, hưng phế của các thành trì”, như lời nhận xét của nhà biên dịch Nguyễn Bá Mão trong bộ “Thủy Kinh chú sớ” (NXB Thuận Hóa, 1999). Tất nhiên, nhà biên dịch Nguyễn Bá Mão chỉ chọn dịch từ quyển 33 đến quyển 40 vì cho rằng có liên quan đến địa lý, lịch sử Việt Nam, nhất là quyển 36 và 37.

Tôi đã rất háo hức khi dò đọc những gì chép trong hai quyển 36 và 37. Rồi con sông xưa dần hiện lên trên trang sách. Và thấy sách xưa không chỉ nói có “một bãi đất nằm giữa hai con sông Hoài”, mà nhiều hơn thế…

Sách viết, phía tây nước Lâm Ấp, góc tây nam của thành là một dãy núi cao, liên tiếp nhau làm thành màn chắn thiên nhiên, phía bắc liền với khe suối. “Sông Đại Nguyên Hoài ra từ biên giới xa xôi, miền Na Na, có ba lớp bãi dài, núi Ẩn Sơn vòng phía tây, bao phía bắc, quành phía đông, dãy núi này có suối phía nam.

Sông Tiểu Nguyên Hoài ra từ biên giới miền Tùng Căn, là khe nhỏ chảy từ núi trên, núi Ẩn Sơn vòng phía nam đi ngoằn ngoèo, ra phía đông hợp với sông Hoài, chảy vào Điển Xung” (Thủy Kinh chú sớ, trang 382).

Sau ngót 1.500 năm kể từ ngày tác giả Lịch Đạo Nguyên soạn “Thủy Kinh chú” và sau gần 40 năm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết câu “Người thời Lục Triều qua đây đã nhìn thấy nó” (tức Gò Nổi), tôi vẫn không đủ tự tin để đoan chắc “ba lớp bãi dài” kia liệu có phải chỉ là “hòn đảo phù sa” của xứ Quảng, hay còn rộng lớn hơn…

Thời gian in bóng đền đài

Những cái tên Tiểu Nguyên Hoài, Đại Nguyên Hoài và hình thế “ra phía đông hợp với sông Hoài” như lẩn khuất trong cả nghìn con sông lớn nhỏ. Nhưng có một địa danh, nước Lâm Ấp, dễ khiến nhiều người chú mục cùng với tòa thành bên sông.

Theo chú thích trong sách “Thủy Kinh chú sớ”, nước Lâm Ấp còn gọi là nước Chămpa, lãnh thổ xưa gần vùng đất duyên hải từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận ngày nay… Còn nhà sử học Phan Khoang trong “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777” viết rõ hơn: Nước Lâm Ấp lấy đất Quảng Nam ngày nay làm trung tâm điểm, dựng đô ở Trà Kiệu.

Ông Đặng Văn Minh bên sơ đồ kinh thành Trà Kiệu phóng lớn treo ở Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên.
Ông Đặng Văn Minh bên sơ đồ kinh thành Trà Kiệu phóng lớn treo ở Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên.

Vậy là đã rõ, khu thành quách mà “Thủy Kinh chú” từng nhắc đến khá chi tiết hồi thế kỷ 6 chính là kinh thành Trà Kiệu. Phía tây nam giáp núi, phía đông bắc nhìn xuống sông, lớp lớp ngòi, hào vòng quanh dưới thành. Vì thành ở cạnh rừng rậm nên chiều ngang từ đông sang tây dài, chiều dọc từ nam sang bắc hẹp.

Chu vi 8 dặm 100 bộ, cao 2 trượng, xây gạch, mở 4 cửa, phía đông là cửa tiền, ngang với bến bãi của hai sông Hoài… Thêm chi tiết được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn: “Ở chỗ đường quanh có tấm bia cổ, người Di viết bài “minh” tán tụng đức của vua nước (Lâm Ấp - NV) là Hồ Đạt”.

Vị vua mang tên Hồ Đạt, tức Phạm Hồ Đạt, được các tác giả “Thủy Kinh chú/Thủy Kinh chú sớ” nghi vấn “có lẽ là người có hùng tâm”. Nhà sử học Phan Khoang thì dự đoán Phạm Hồ Đạt (lên nối ngôi năm 380) hẳn là vị vua mà trong bia chữ Phạn gọi là Bhadravarman I, sử Tàu gọi là Bạt-đà-la-bạc-ma nhứt thế.

“Vị vua này đã lập ngôi đền đầu tiên tại Mỹ Sơn để thờ thần Bhadracvara, ngôi đền xưa hơn cả mà văn minh Ấn Độ còn để lại ở Đông Dương” (Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777, Nhà sách Khai Trí, trang 24). Thần Bhadracvara, theo cách viết của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, là Bhadresvara-Siva.

Chính nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cũng đề cập về tấm bia cổ ấy trong cuốn “Nghệ thuật Chămpa - Nghiên cứu kiến trúc và đền tháp”, do NXB Thế giới vừa ấn hành hồi tháng 6.2021. Khi chú thích về minh văn của vua Bhadravarman I hay Phạm Hồ Đạt/Fan Hu-da trong thư tịch cổ, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương chép lại kiến giải của 2 nhà nghiên cứu Charles Higham và Christie.

Cụ thể, sử liệu Trung Hoa vào thế kỷ 6 (Thủy Kinh chú) cho rằng ở cửa đông của kinh đô Lâm Ấp dẫn vào một con đường thoáng mở bên cạnh đó có đặt một tấm bi ký mang tên Hu Da [Hồ Đạt]. Nhưng họ lại giả định đây là một cách Trung Hoa hóa đối với tiếng Chàm “hudah” (có nghĩa là “rực rỡ”), phục nguyên tiếng Phạn là “Bhadra”.

Tấm bi ký này có khả năng là bia Hòn Cục (Cụt)/Hòn Cụp. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương viết thêm: “Hiện nay, vào mùa khô khoảng tháng 7 - 8, ta vẫn có thể nhìn thấy tấm bia này có hai dòng chữ lớn được khắc trên một kè đá sát bờ sông Thu Bồn, ở phía nam chân cầu Chiêm Sơn, cách Trà Kiệu 4,5km về phía tây bắc và cách Mỹ Sơn 11km về phía đông bắc, nay thuộc làng Chiêm Sơn Tây, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam” (Sđd, trang 44).

Sông xưa vẫn còn đó, dù dòng chảy có thể thay đổi, nhưng thành quách cũ đã chìm khuất. Những ngôi nhà lợp ngói, mái đuôi diều, cửa xanh thềm đỏ, buồng hoàng hậu ở có cửa sổ màu tím, buồng các cung tần không khác gì chỗ vua nghỉ ngơi chơi bời… giờ chỉ còn trên những dòng khảo tả của “Thủy Kinh chú”. Chỉ thấy sót lại vài đoạn tường thành phía nam, cao hơn mặt ruộng tầm 3m. Riêng mặt phía đông bắc càng biến cải.

Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, “sông và lớp lớp ngòi hào” ấy đã cạn từ lâu, cửa sông dẫn vô kinh thành bồi lấp đủ để làm sân bóng đá ở xã Duy Sơn. Nhánh sông lớn chảy phía trước chỉ là lạch nước nhỏ. Con đường thủy dẫn vào kinh thành ở thành đông chỉ được phát lộ sau đợt khai quật hồi năm 2013 - 2014… Tất cả như “ngưng đọng” trên sơ đồ kinh thành Trà Kiệu do Viện Viễn Đông bác cổ, sau cuộc khai quật khảo cổ học năm 1927 - 1928. Bức phóng lớn sơ đồ này hiện thấy treo ở Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên.

*
*            *

Thật thú vị, cuộc khai quật của những nhà nghiên cứu người Pháp hồi đầu thế kỷ 20 ấy cũng nhằm xác minh dấu vết kinh thành qua những gì đã miêu tả trong sách “Thủy Kinh chú”. Từ cuối thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Anh, Nhật, Việt Nam nối tiếp nghiên cứu để vén bức màn bí ẩn trên vùng đất Amavarati. Ít nhất là cũng để nhắc nhớ về thành cũ, nơi có dòng chảy từng ngang qua…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông xưa chảy bên thành cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO