Sức hút từ văn hóa Bhnong

YÊN CHI - ĐAN NGUYÊN 27/07/2020 04:38

Tiếng chiêng mãi còn vang, không chỉ trong lễ hội Tết mùa hay những hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng. Những chờ đợi đang đến gần hơn, khi hàng loạt giải pháp cố kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc tộc người Bhnong được chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện…

Phước Sơn phục dựng lễ hội Tết mùa của người Bhnong. Ảnh: N.C
Phước Sơn phục dựng lễ hội Tết mùa của người Bhnong. Ảnh: N.C

Gìn giữ Tết mùa

Trở lại như một lời hẹn, lễ hội Tết mùa lần thứ hai được huyện Phước Sơn tổ chức vào những ngày đầu năm 2020 để lại nhiều ấn tượng cho đông đảo du khách ghé thăm. Với quy mô toàn huyện, thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn, chủ đề  “Văn hóa Bhnong - điểm hẹn mới” phần nào nói lên ý nghĩa của hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc này. Cùng với nghi thức trình diễn dựng cây nêu, lễ hội còn tái hiện tục cưới hỏi của trai gái Bhnong, phục dựng những không gian đậm màu sắc truyền thống như mô hình đuổi chim, ẩm thực người Bhnong, kết hợp giới thiệu mặt hàng nông sản địa phương.

Sự đầu tư nghiêm túc, bài bản và quy mô tổ chức khá hoành tráng của lễ hội cho thấy quyết tâm đưa Tết mùa thoát khỏi khuôn khổ của một cộng đồng nhỏ bé, dựa trên sự gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống của văn hóa tộc người ở vùng cao Phước Sơn. Theo chính quyền địa phương, các cuộc trình diễn trang phục truyền thống, thi giã gạo, kéo co có mặt ở lễ hội giúp đồng bào thể hiện tài năng khéo léo, tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng. 

Ông Hồ Văn Nhun - cán bộ lão thành uy tín của huyện Phước Sơn cho hay, chủ trương khôi phục và duy trì Tết mùa là hoạt động có ý nghĩa trong công tác bảo tồn văn hóa, vừa phát huy được giá trị truyền thống để phục vụ những câu chuyện xa hơn, mà dễ nhận thấy nhất là phục vụ du lịch. Thông qua hoạt động này, cháu con người Bhnong có thể hình dung cụ thể, rõ ràng các nghi thức quan trọng về Tết mùa của ông cha mình. Qua đó, dần củng cố, tái hiện một cách đầy đủ, chính xác nhất, quy củ nhất về Tết mùa.

“Tết mùa của người Bhnong khá đặc sắc, trong đó riêng khâu chuẩn bị đã phải trải qua mười bước. Tất nhiên, đưa vào lễ hội, sẽ có những cái buộc phải thay đổi so với nguyên gốc, nhưng vẫn phải đảm bảo được những phần tinh túy nhất, bắt buộc nhất, từ đó làm cơ sở cho việc duy trì, bảo tồn trong cộng đồng và thế hệ trẻ sau này” - ông Nhun nói.

Định hình dấu ấn

Câu chuyện gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống ở Phước Sơn không dừng lại ở Tết mùa; cũng không dừng lại ở việc phục vụ cho riêng cộng đồng người Bhnong. Như một lẽ tự nhiên, nó phải là một đại diện dấu ấn đặc sắc cho miền đất, cho vùng cao Phước Sơn, từ đó trở thành một thứ “đặc sản” trên bản đồ du lịch trong tương lai là điều đã và đang được tính đến.

Biểu diễn tại lễ hội Tết mùa. Ảnh: N.C
Biểu diễn tại lễ hội Tết mùa. Ảnh: N.C

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, trong cơ hội phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn địa phương, bản sắc văn hóa chính là “đại sứ” của vùng đất. Quan điểm đó được hiện thực bằng nhiều chủ trương, chính sách xuyên suốt trong nhiệm kỳ, góp phần giúp cho du lịch địa phương có thêm sức hút, tính đến chuyện hình thành một “sinh kế” mới cho cộng đồng cư dân trong tương lai. Không gian lễ hội sẽ giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo, vừa kích cầu tiêu dùng, nơi bà con có thể làm và bán các sản vật, hướng đến định hình một giá trị du lịch riêng để níu chân du khách. Trên thực tế, những lợi thế từ văn hóa bản địa cùng cảnh quan sinh thái, di tích lịch sử của Phước Sơn đã được du khách lẫn các công ty lữ hành chú ý, tìm hiểu.

Dịch vụ lưu trú ở Khâm Đức phát triển từng ngày, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm mới của du khách. Theo định hướng, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống người Bhnong. Cùng với đó, tổ chức rà soát, thống kê, sưu tầm các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm có giải pháp huy động nguồn lực bảo tồn, phục dựng. Câu chuyện làm du lịch từ văn hóa sẽ được tính đến bằng các giải pháp bài bản, căn cơ hơn.

“Bên cạnh khai thác hiệu quả công trình khu bảo tồn văn hóa Bhnong gắn với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số phục vụ du khách tham quan, Phước Sơn sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành tổ chức các tour du lịch kết nối giữa Phước Sơn với Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và các tỉnh Tây Nguyên” - ông Hà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức hút từ văn hóa Bhnong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO