Tâm thức biển...

THƯ AN 07/06/2022 14:56

(VHQN) - “Tư duy hướng biển” được xác định là cơ sở để phát triển kinh tế biển và xa hơn với nhiều lĩnh vực. Ở Quảng Nam, tâm thức biển không chỉ tồn tại trong hành trình lịch sử vùng đất mà hướng biển và làm chủ biển luôn là trăn trở...

Tâm thức biển hình thành trong mỗi thế hệ người Việt. Ảnh: L.T.K
Tâm thức biển hình thành trong mỗi thế hệ người Việt. Ảnh: L.T.K

Theo PGS-TS Đỗ Lai Thúy, Việt Nam là bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, nhưng từ trong quá khứ, vẫn chưa phải là vương quốc biển, do tâm lý bám ruộng bám làng, sợ phiêu lưu của người nông dân, hay người có căn tính nông dân. Tuy nhiên, gần đây nhà nghiên cứu văn hóa, nhà Việt Nam học người Úc - Li Tana đã đưa ra một góc nhìn khác về biển.

Bà chứng minh rằng Việt Nam trong quá khứ cũng là một quốc gia biển, nhất là ở xứ Đàng Trong. Bởi vậy, làm sao khơi lại được tâm thức biển thời văn hóa kinh tế biển phồn thịnh là bài toán khả giải, đòi hỏi sự chung tay góp trí của toàn dân, nhất là giới lãnh đạo và các trí thức độc lập có tâm, có tầm.

Tại cuộc hội thảo định danh Quảng Nam trong chuỗi sự kiện 550 năm Danh xưng Quảng Nam, PGS-TS. Bùi Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong suốt quá trình lập đất lập làng, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, nhất là ở giai đoạn nhà Nguyễn.

“Vùng đất này phát triển phồn thịnh dưới thời các chúa Nguyễn, với Dinh trấn Thanh Chiêm từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, đồng thời là nơi hình thành và phổ biến chữ quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam. Thương cảng Hội An phát triển mạnh mẽ với sự quần tụ của người Việt, người Nhật Bản, người Hoa, là điểm đến của nhiều thuyền buôn từ phương Đông, phương Tây...

Sự hình thành từ đất Quảng Nam - một vùng đất rộng về phía nam tạo cánh cửa rất lớn cho sự phát triển của Đại Việt. Trong số thành tựu mà lịch sử ghi nhận, quá trình phát triển này đã hình thành tư duy phát triển rộng hơn, đặc biệt là tư duy hướng biển” - ông Bùi Nhật Quang nói.  

Vùng biển xứ Quảng. Ảnh: L.T.K
Vùng biển xứ Quảng. Ảnh: L.T.K

Trong sự đối sánh với các vùng đất khác ở Đàng Trong, Quảng Nam có những ưu thế riêng để xác lập vị thế là một trong những “trung tâm kinh tế” trong chính sách hướng biển của chính quyền Đàng Trong. Trong lịch sử, tâm thức biển của người xứ Quảng có thể được hun đúc từ lúc tiếp thu nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, kết hợp văn hóa Đại Việt, thì đồng thời xuất hiện tư duy hướng biển cho chính người ở xứ đất này.

Với người dân ở Đàng Trong, phải phát triển xuống phía nam men theo bờ biển thì biển cả không chỉ là nguồn tài nguyên về hải sản mà còn là điều kiện cho hoạt động thương nghiệp biển - ngoại thương. Ông Bùi Nhật Quang cho rằng, tư duy hướng biển là cơ sở cho kinh tế biển. Một vùng đất giàu có về tài nguyên biển như Quảng Nam thì tư duy biển, văn hóa biển phải được coi trọng.

“Điều cần thiết bây giờ là Quảng Nam nên quan tâm cái “gần” hơn, đó là quản lý đường bờ biển. Chất lượng sống của người dân trong đó có ngư dân và những người mà cuộc mưu sinh gắn liền với biển cần được xem trọng trước hết trong tầm nhìn biển” - PGS-TS. Bùi Nhật Quang nói thêm. 

Tư duy hướng biển thể hiện rõ trong việc Quảng Nam là một trong những địa phương của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Đối sánh với giai đoạn chúa Nguyễn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Quảng Nam có thể “suy ngẫm” về một số bài học lịch sử của tiền nhân để định hình chính sách hướng biển nói chung và đẩy mạnh phát triển thương mại biển nói riêng.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển và khẳng định đây là vùng động lực đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

Khởi nguyên của tư duy hướng biển, là tâm thức biển có từ sâu thẳm trong cội nguồn, là tinh thần bám biển - kiên cường chủ quyền biển đảo quê hương của mỗi người dân nước Việt...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm thức biển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO