Tết xưa ở Hội An

NGUYỄN THỊ VĨNH LINH 28/01/2022 08:25

Là một cảng thị vang danh trong lịch sử, là vùng đất diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa mạnh mẽ nên tết cổ truyền ở Hội An khi xưa cũng mang đậm nét riêng.

Đèn lồng nơi phố Hội. Ảnh: Q.TUẤN
Đèn lồng nơi phố Hội. Ảnh: Q.TUẤN

Bán buôn tấp nập

Ngày ấy, khoảng độ, từ tháng 11 âm lịch, các cửa hiệu ở Hội An đã chuẩn bị các mặt hàng để bán tết. Như trong ký ức của nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên: “Bắt đầu từ nửa tháng 11 thì các hiệu đều đầy nhắp các thứ hàng gọi là hàng Tàu: hương, đèn, vàng, bạc, pháo, bánh, kẹo...

Các hàng buôn tơ lụa thì từ tháng 10 đã có sẵn các loại hàng mặc áo dài, vải quyến, vải lãnh, vải bóng, lãnh lụa... Các thứ này được khách hàng từ thôn quê ra mua về may mặc tết rất sớm”.

Càng cận tết, các mặt hàng buôn bán tại Hội An càng phong phú như pháo, hoa, đồ thờ, bánh, chuối, trái cây... Dấu ấn xưa cũ của Hội An được thể hiện qua đôi gánh bánh tổ được bày bán ven đường, những kệ hàng chưng bán đèn dầu hỏa, những ghe chở hoa về đậu tấp nập bến sông.

Người Hội An xưa vẫn duy trì thói quen mua những tấm giấy điều in chữ ngang bằng kim nhủ về dán ngay trên cửa chính nhà để đón xuân hay mua câu liễn chúc tụng được viết bởi các vị đồ nho ngồi bên hiên hè phố.

Trong những gia đình có người học chữ Nho, việc xin chữ, viết câu đối tết trở thành một phần ký ức không thể nào quên: “Trên chiếc phản gõ được anh tôi dùng lá chuối khô lau bóng loáng từ sáng đã trải một chiếc chiếu hoa, bày một cơi trầu thuốc, một chai rượu khèn hiệu Lý Sanh Hưng trắng tinh bên mấy chiếc cốc mắt trâu nhỏ xíu, ông tôi và mấy người bạn của ông đã mời nhau mấy tuần rượu.

Cặp câu đối ông tôi vừa viết trên nền giấy hồng đơn vẫn còn chưa ráo mực: Đất nước thái bình là phú quý. Gia đình hòa thuận ấy vinh hoa” (Huỳnh Dõng - Nhớ câu đối tết của ông tôi).

Những lễ cúng truyền thống Tết đến với người phố Hội thông qua lễ cúng ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời. Người Hội An thường theo tục lệ xưa cúng một con gà, miếng thịt heo, đĩa xôi, ít chén chè, trầu cau, trà rượu, nhang đèn, vàng mã... Những hộ làm nghề buôn bán thì mua cá chép về phóng sinh, cầu mong cho mọi điều tai ương qua đi, may mắn sẽ đến trong năm mới.

Ảnh: Flickr.com
Ảnh: Flickr.com

Bên cạnh đó, người phố Hội vẫn duy trì tập tục dựng cây nêu để trừ tà, cầu mong năm mới bình an, gặp nhiều điều may, tránh được bệnh tật hung tai. Cây nêu thường được làm bằng cây tre cao, bên trên có treo khánh đất, phướn và một giỏ nan. Trong giỏ có các loại trầu cau, vàng mả, gạo muối. Dưới gốc nêu thường rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên để trừ tà yểm quái.

Trong cuốn “Lễ lệ - Lễ hội ở Hội An” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) có ghi: Tính lễ nghi trong phong tục tết được thể hiện vào thời khắc giao thừa với mâm cúng được người Hội An xưa chăm chút cẩn trọng, gồm các lễ vật: con gà trống tơ, luộc chín, xếp chéo cánh, chè, bánh, mứt, rượu, trà...

Bên ngoài người ta kê cái bàn ở giữa sân để cúng thổ thần, đất đai và ông Táo sắp từ trời trở về. Lễ vật dâng cúng có bánh, chè, hạt nổ, muối gạo, bát cháo trắng, trà, rượu, hương, nến. Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ đồng thời lạy bốn phương nhằm cầu xin tổ tiên và thổ thần đất đai phù hộ cho con cháu sang năm mới làm ăn phát đạt.

Người Hội An xưa còn tin rằng trong thời điểm linh thiêng này, các vị thiên binh nhà trời đang rất bận rộn giám sát hạ giới, vì thế gia chủ thường hay đặt mâm cúng thứ hai ngay trước cửa chính để thể hiện lòng thành của mình.

Đêm giao thừa trước đây càng trở nên đặc biệt với tiếng pháo nổ vang trời nhằm xua đuổi ma quỷ, cầu cho một năm may mắn. Sau mâm cúng giao thừa ấy, người dân phố Hội có thói quen đến chùa cầu may và mong ước một năm mới nhiều điều tốt đẹp.

Đến ngày mùng 3 tết, hầu hết các gia đình ở Hội An đều làm lễ cúng đưa tiễn ông bà, tổ tiên về lại với thế giới bên kia. Mâm cúng ngoài những món ăn đã chuẩn bị từ trước tết thì phải có thêm vàng mã, chén rượu và hai cây mía để làm hành trang đưa tiễn ông bà.

Nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói chung và người Hội An nói riêng là thế, trân trọng các bậc tiền nhân khai canh, tạo dựng nên mảnh đất này.

Không gian văn hóa tết xưa của Hội An được điểm tô thêm sắc màu của những chiếc đèn lồng. Nó không chỉ góp phần làm cho không gian thêm ấm áp mà còn như một lời nhắn gửi, đợi chờ những người con xa xứ trở về.

Những ngày này, đèn lồng đã treo cao nơi phố Hội. Trong tâm khảm sâu xa, người Hội An và người yêu Hội An mong đất này giữ được nét truyền thống, vẻ bình yên riêng có ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết xưa ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO