Tìm truyền nhân cho di sản bài chòi

XUÂN HIỀN 24/10/2021 07:37

Liên tục các lớp truyền dạy và bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi được mở ra từ đầu tháng 9 đến nay, ngõ hầu nhen nhóm và duy trì ngọn lửa say mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nhiều hoạt động nhằm phục hưng di sản nghệ thuật bài chòi đang được Quảng Nam triển khai. Ảnh: L.T.K
Nhiều hoạt động nhằm phục hưng di sản nghệ thuật bài chòi đang được Quảng Nam triển khai. Ảnh: L.T.K

Mở lớp dạy bài chòi

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, bài chòi không chỉ là đặc sản của địa phương mà trở thành giá trị kết tinh tâm hồn Việt.

“Nằm trong không gian nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, với sự cố gắng của cộng đồng, của chính quyền và ngành văn hóa, nghệ thuật bài chòi ở xứ Quảng đã được bảo tồn, phát huy tốt trong đời sống xã hội, chứng minh sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của nó” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

Thời gian qua, Sở VH-TT&DL liên tục tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi cho các nghệ nhân, câu lạc bộ, nhóm, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản bài chòi. Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian.

“Đây cũng là hoạt động triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói thêm.

Tại Duy Xuyên, ngoài việc tổ chức dạy dân ca bài chòi tại các trường tiểu học, THCS, ngành văn hóa và giáo dục đào tạo đã phối hợp tổ chức các liên hoan tuồng - dân ca, hội thi “Em yêu tiếng hát dân ca”. Các hoạt động đa dạng, sáng tạo này đã giúp các em hiểu biết và thêm yêu thích nghệ thuật bài chòi, đồng thời phát hiện, đào luyện nhân tố trẻ.

Phú Ninh, Tam Kỳ, Duy Xuyên và Núi Thành là các địa phương trong năm nay tổ chức bài bản những lớp truyền dạy di sản bài chòi. Với thành phần là thành viên các câu lạc bộ (CLB) bài chòi ở các xã, giáo viên dạy âm nhạc ở các cấp học cũng như nhạc công ở các hội nhóm, những lớp học được sự hướng dẫn từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Trung tâm Văn hóa TP.Hội An đã mang đến nhiều hứng khởi dành cho bộ môn này.

Ông Lê Xâng - CLB Bài chòi xã Duy Tân (Duy Xuyên) cho biết, phong trào chơi và hô hát bài chòi ở địa phương nhiều năm nay được phục dựng trở lại, tạo nên sinh khí mới cho các cuộc hội làng. Trong khi đó, tại xã Duy Hòa (Duy Xuyên), từ năm 2013 chính quyền xã cũng đã thành lập CLB Bài chòi.

“Từ đó đến nay CLB đã phối hợp với một số nhạc công của đội bài chòi xã Duy Tân hoạt động tại địa phương, ngoài ra còn mở rộng địa bàn lưu diễn sang nhiều xã của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và đã được chính quyền, nhân dân các nơi này hào hứng đón nhận” - chị Bùi Thị Bích Tuyền - CLB Bài chòi xã Duy Hòa chia sẻ.

 Tìm đường khôi phục

 Di sản có tồn tại được hay không và sống trong đời sống đương đại như thế nào đều phải dựa vào cộng đồng. Đây cũng chính là hiện trạng của di sản văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam. Ngoài bài chòi chính là điển hình của việc sống dậy mạnh mẽ nhờ sự yêu quý say mê từ các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi thì các làng nghề và những loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian khác bắt đầu được để tâm, có sự đầu tư nhất định.

PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, song song với việc bảo tồn các giá trị văn hóa hiện hữu, các di tích kiến trúc, sức sống của vùng đất di sản còn phụ thuộc vào giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà cộng đồng nơi đó sở hữu.

Việc trao truyền di sản là quá trình kết nối giữa nghệ nhân và lớp thế hệ sau. Tìm kiếm phương án để dung hòa được tri thức dân gian trong thời đại mới, phù hợp với xu thế là một việc khó. Sự tương tác, quan tâm sẽ tạo nên những sân chơi lớn cho các câu lạc bộ dân ca, kịch, tuồng… ở mỗi địa phương, thiết thực góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên hiện nay, các CLB đều tự “sống” bằng niềm đam mê của mỗi thành viên, chưa có sự hỗ trợ, đầu tư bài bản.

Dù Quảng Nam được đánh giá khá cao trong bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhưng khó khăn trong việc tìm kiếm người kế thừa là điều phải đối diện. Hiện tại, hầu như tất cả CLB đều đối mặt với nhiều khó khăn. Đa số hoạt động trên tinh thần tự nguyện, chủ yếu dựa vào lòng đam mê của các nghệ nhân.

Trong khi nội lực của họ lại chưa đủ mạnh, số diễn viên thuần thục về các làn điệu dân ca bài chòi hầu như rất ít, đặc biệt thiếu nhạc công là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm liền. Ông Trương Minh Hạnh - Chủ nhiệm CLB Bài chòi Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) cho biết, hiện nay ở khâu hô hát thì CLB luôn sẵn sàng nhưng nhạc công thì phải đỏ mắt để tìm.

 Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng. Nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản sẽ ngăn chặn được nguy cơ mai một, thất truyền của rất nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống.

Riêng với bài chòi, cần nhiều hơn những lớp truyền dạy cũng như các hoạt động của đội nhóm, CLB tại cộng đồng để như ngọn lửa nhỏ âm ỉ, từng ngày một làm ấm nóng đời sống tinh thần của người dân sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm truyền nhân cho di sản bài chòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO