Tự tình trước biển

HỨA XUYÊN HUỲNH 17/06/2022 10:22

(VHQN) - Cư dân miền biển xứ Quảng từng gửi gắm nguyện ước, suy tư theo câu ca điệu múa ở mỗi kỳ lễ hội hay những lúc ngơi nghỉ tay chèo. Tự tình ấy, theo thời gian, đã làm giàu thêm gia tài của xứ sở và trở thành di sản...

Trình diễn bả trạo ở vùng biển Quảng Nam với những “truyền nhân” trẻ. Ảnh: TẤN VỊNH
Trình diễn bả trạo ở vùng biển Quảng Nam với những “truyền nhân” trẻ. Ảnh: TẤN VỊNH

Giãi bày cùng sóng nước

TS. Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Sư phạm Huế) từng xếp lễ hội liên quan đến ngư nghiệp là một trong 3 loại hình lễ hội truyền thống người Việt ở Quảng Nam. Trong đó, ngoài lễ vía Thiên Hậu thánh mẫu tổ chức ở hội quán Phúc Kiến (TP.Hội An) để tưởng nhớ vị nữ thần luôn cứu thuyền bè trên biển, 2 lễ hội còn lại (cầu ngư và tế cá Ông) được tổ chức rộng khắp các làng ven biển. Một vào mùa xuân, một cuối xuân đầu hạ.

Bả trạo, với sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, nghi lễ, múa dân gian và âm nhạc dân ca truyền thống, đã thành hình từ đấy.

Xem hát bả trạo như một hình thức dân ca nghi lễ hiếm hoi còn sót lại, tại hội thảo “Văn hóa Quảng Nam - những giá trị đặc trưng” tổ chức hồi năm 2001, ThS. Nguyễn Xuân Hương (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đề xuất cần nghiên cứu và có kế hoạch sưu tầm, bảo tồn di sản này.

Mãi đến tháng 9.2013, bả trạo mới được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để rồi 3 năm sau đó, tấm bằng công nhận di sản chính thức được trao ngay tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, Núi Thành.

Kịch bản bả trạo cổ của nghệ nhân Trần Phước biên soạn từ trước năm 1900 Ảnh: H.X.H
Kịch bản bả trạo cổ của nghệ nhân Trần Phước biên soạn từ trước năm 1900 Ảnh: H.X.H

Hát bả trạo, “hát bạn chèo” nên không thể thiếu đạo cụ cũng là ngư cụ thân quen: mái chèo. Với sự chỉ dẫn của các ông tổng, đội hình toàn nam giới xếp theo hình chiếc thuyền, với tâm thế biểu diễn chèo thuyền linh đưa hồn cá Ông về miền cực lạc.

Những lối hát nam, hát khách, tán, nói lối được phô diễn để ngợi ca công đức cá Ông, xót thương người quá cố, diễn thuật câu chuyện can trường của con người trước sóng gió, sự tương trợ của ngư dân trên biển, mong cầu bình yên… Cứ thế, không chỉ riêng nghệ nhân mà cả cộng đồng vạn chài có cơ hội giãi bày.

ThS. Nguyễn Xuân Hương có lý do để tin rằng, “dù đang sống trong thế kỷ của điện ảnh, radio, vô tuyến truyền hình… nhưng hát bả trạo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của các ngư dân”.

Trên Báo Quảng Nam, 7 năm trước, chúng tôi từng có dịp chuyển tải câu chuyện lần đầu tiên kịch bản bả trạo cổ được ký âm. Một người chỉ huy kiêm nhạc công của 3 đội bả trạo ở Thăng Bình, Hội An đã cất công sưu tầm, dịch, ký âm kịch bản cổ Long thần bả trạo ca, Âm linh bả trạo ca do nghệ nhân Trần Phước biên soạn bằng chữ Hán - Nôm từ trước năm 1900.

Bóc "chiếc vỏ huyền thoại"

Cư dân không chỉ “trải lòng” với biển, khi giới sưu tầm phát hiện thêm bản/bổn chèo liệt sĩ sử dụng trong dịp tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) và bản chèo đám ma ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên). Bả trạo, vì thế, không chỉ bó hẹp trong hình thức của hát thờ/hát thiêng tại lễ tế Ông.

Hành trình mở cõi vào phương Nam của tiền nhân còn thấy song hành một món ăn tinh thần khác: trò bội. Trong công trình “Tuồng Quảng Nam” (Sở VH-TT Quảng Nam ấn hành, 2001) do GS. Hoàng Châu Ký chủ biên, hành trình “trò bội - hát tuồng - nghệ thuật tuồng” được xác định đã trải dài đến mấy trăm năm.

Riêng với Quảng Nam, tuồng có mặt trễ hơn, khoảng hơn 200 năm, nhưng từ giữa thế kỷ 19 Quảng Nam được gọi là “tỉnh tuồng” do nghệ thuật tuồng đạt đến trình độ hoàn chỉnh. Càng thú vị khi tuồng Quảng Nam xuất hiện trước tiên ở vùng “Đàng bộ” nhưng lại phát triển nhanh ở vùng “Đàng nước”, do có lưu thông thuận lợi dọc các con sông Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang.

Và dù khái niệm “Đàng nước” không cho thấy sự hiện diện rõ rệt của cư dân miền biển, nhưng theo chúng tôi, cộng đồng cư dân vùng bãi ngang xứ Quảng hẳn đã có thêm món ăn tinh thần mới ngoài bả trạo.

Dân gian cũng lưu truyền câu chuyện mang tính biểu tượng. Có chiếc trống nhạc bị cơn lũ cuốn từ làng hát Mỹ Lưu đầu nguồn Thu Bồn, dạt vào hết làng này đến làng khác trước khi trôi ra biển. Gánh hát ở làng Mỹ Lưu kia dần tan rã, nhưng ở những nơi chiếc trống dạt vào như Đại Bình, Bàu Toa, Thu Bồn, Bảo An, Phong Thử, An Quán, Hội An…, nghệ thuật tuồng lại nảy nở.

Các nhà nghiên cứu muốn bóc “cái vỏ huyền thoại” trong hành trình chiếc-trống-trôi để minh chứng cho mạch phát triển của hát bội/tuồng ở Quảng Nam. Nhưng ở cuối hành trình ấy, phải chăng huyền thoại muốn nhắc đến lời đồng vọng từ khơi xa, hoặc lý giải nguyên do khiến cư dân ven biển luôn biết nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa?

Với những gì lưu giữ được, bả trạo, hát bội/tuồng cho thấy sức sống mạnh mẽ trong quá khứ. Theo thời gian, nhiều loại hình văn hóa đã được vinh danh, tâm hồn nghệ sĩ của những cư dân bình dị cũng phô diễn. Nhưng giờ đây, đánh thức tâm tình của người miền biển, làm hồi sinh “phương tiện” để phục vụ cộng đồng, tìm kiếm truyền nhân… lại đang là lời thách đố, là câu chuyện dài của di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự tình trước biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO