Văn hóa tộc họ nhìn từ giỗ tiền hiền

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 21/05/2022 07:27

(VHQN) - Một trong những đặc điểm mang tính cơ cấu ở nông thôn, là quần cư các tộc họ - một nét nổi bật trong văn hóa làng xã. Tộc họ ở các làng tồn tại từ khi có làng là một tập thể mang tính huyết thống với các định chế nhà thờ tộc họ hay còn gọi là từ đường, tộc phả, tộc ước, phần mộ tổ tiên gồm tiền hiền và các hậu hiền. Mỗi tộc họ còn có các ngày lễ tế Xuân, tế Thu, chạp mả hay hiệp kỵ và giỗ tiền hiền…

Trưởng tộc Trương Công - Thanh Quýt (Điện Bàn) làm lễ cúng.
Trưởng tộc Trương Công - Thanh Quýt (Điện Bàn) làm lễ cúng.

Ở Điện Bàn, Duy Xuyên hay Đại Lộc cũng như nhiều nơi tại Quảng Nam, ngày nay còn rất coi trọng ngày giỗ tiền hiền với các nghi lễ truyền thống rất trịnh trọng, thường là trùng với ngày tế Xuân cầu quốc thái dân an, hay còn gọi là lễ Kỳ yên vào ngày 16 tháng Ba âm lịch hàng năm.

Cũng có nơi sau này đã chuyển về ngày giỗ tổ Hùng Vương hay ngày lễ Thanh minh mùng 5 tháng Ba âm lịch cho thuận lợi. Nhưng dù là ngày nào, giỗ tiền hiền vẫn tổ chức ở nhà thờ tộc.

Nhà văn, học giả Phan Kế Bính ( 1875 - 1921) với tác phẩm “Việt Nam Phong tục” đăng trên Đông Dương tạp chí từ các năm 1913 - 1814 đã nhấn mạnh: “Nhà thờ ấy thờ một thủy tổ cùng các tổ chi phái phối hưởng, trong đó đồ thờ tự được coi là “bách thế bất diêu chi chủ” không bao giờ thay đổi, đó là những đồ thờ cúng rất được kính trọng…”.

Cụ Phan Kế Bính cho rằng tế thủy tổ (tức giỗ tiền hiền), cả họ tập trung tại nhà thờ, dùng lễ tam sinh, hoặc họ tộc giàu còn mổ trâu mổ bò để tế tổ, cúng xong con cháu dùng làm tiệc ăn uống cùng nhau…

Rửa tay sạch sẽ trước khi hành lễ.
Rửa tay sạch sẽ trước khi hành lễ.

Ở làng Thanh Quýt quê tôi, ngày xưa có hai thiết chế văn hóa là chùa và đình làng đã tồn tại gần 500 năm, theo cụ Lê Tự Ký, một trong vài người am hiểu Hán tự, từng là lễ sinh ở chùa và đình cho biết: Hàng năm đến ngày 16 tháng Ba âm lịch, đại diện thất tộc tiền hiền đều sắm lễ vật lên chùa giỗ tiền hiền.

Sau đó, cùng các quan viên hưu trí, thân hào nhân sĩ về lại chùa làng cầu niệm thần hoàng và bàn “hương sự” để trình cho lý trưởng thực hiện. Sau chiến tranh chùa làng hư hại, các tộc đã đưa về cúng tiền hiền tại từ đường tộc mình vào ngày ấy. Cũng có tộc chuyển về ngày lễ Thanh minh hoặc giỗ tổ Hùng Vương.

Quan sát lễ giỗ tiền hiền ngày nay, ta thấy hoa quả, bánh trái, thịt rượu được bày trang trọng trên các bàn thờ, trên miếu các bà tổ cô, tổ nghề, thần nông đầy đủ. Con cháu ở các nơi xa đều cử đại biểu mang lễ vật về dâng cúng.

Chủ lễ là trưởng tộc mặc áo dài khăn đóng màu vàng, phó lễ mặc áo dài xanh, có đầy đủ con cháu phụ trách đánh trống chiêng, rót rượu, bưng nồi hương dâng lên tiên tổ. Từ sáng sớm, trưởng tộc nổi ba hồi chiêng trống để báo cho cháu con được biết.

Con cháu ở xa mang lễ vật về giỗ tiền hiền.
Con cháu ở xa mang lễ vật về giỗ tiền hiền.

Trước khi vào lễ, mọi người đều phải rửa tay và lau tay bằng các đồ dùng để riêng ngoài hiên từ đường. Sau khi ba hồi chiêng cổ nổi lên, người đọc văn cúng bắt đầu xướng. Mọi người nghiêm trang đứng hai bên hoặc chắp tay hướng về bàn thờ chính. Văn cúng được soạn sẵn trên tờ giấy vàng, đặt trên một khung gỗ vừa tầm người đọc đang quỳ gối.

Các vị chánh tế, phó tế hướng về bàn thờ chính vái lạy theo đề dẫn trong bài văn, mà nội dung thường là ca ngợi công đức các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công gầy dựng, phát triển tộc họ cho tới ngày nay.

Văn cúng cũng thay mặt con cháu các đời tuyên hứa noi gương người xưa để gìn giữ gia phong làm rạng danh dòng họ. Sau cùng là cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để mang lại no ấm… Khi lễ cúng kết thúc, con cháu lần lượt vào vái lạy tổ tiên trong tiếng chiêng trống vẫn vang vọng…

Trong quá trình xây dựng đô thị và nông thôn mới, việc gìn giữ các nếp văn hóa truyền thống hướng về tổ tiên các dòng họ, cũng như ngày chạp mả hàng năm, là một nét đẹp mang tính tâm linh và cộng đồng đáng trân trọng.

Bởi sau các nghi lễ thường là con cháu các đời gặp mặt, trao đổi thông tin cùng nhau về tộc họ, phân thứ lớp, bàn việc chung của mỗi tộc họ trong năm mới các chương trình khuyến học, trùng tu lăng mộ tổ tiên rất thiết thực.

Cụ Phan Kế Bính từng viết các tục lệ ngày xưa rườm rà hơn nhiều, qua thời gian các nghi thức mang tính mê tín đã giản lược dần… Nhưng những gì còn lại là những tinh hoa của văn hóa tộc họ cần được nâng niu gìn giữ. Khi con người biết nguồn cội của mình, chắc chắn sẽ không vô danh trong dòng chảy của cuộc sống và sống có trách nhiệm hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa tộc họ nhìn từ giỗ tiền hiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO