Văn Kinh là tên một xóm nhỏ thuộc làng Hà My, nằm dọc ven hạ lưu sông Hà Sấu, một đoạn của sông Cổ Cò huyền thoại chảy qua Đế Võng trong mênh mang đồng bãi quê nhà, rồi qua phố thị sông Hoài để chảy ra Cửa Đại. Ngày xưa, chuyện kể rằng, cậu học trò nghèo Nguyễn Duy Hiệu, sinh ra và lớn lên ở làng Bến Trễ, Cẩm Hà, ngày ngày thường hay bách bộ ven bờ của con sông này, lên làng Hà Lộc để thọ giáo vị hiền sư là cử nhân Lê Tấn Toán tại tràng học của ông. Làng Hà Lộc ngày xưa có ngôi chợ Cầu đã đi vào cổ tích, chỉ đọng lại trong ký ức dân gian với những câu hát ru buồn của bao bà mẹ quê nghèo ngày ấy:
“Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An…”.
Tôi về thăm làng trong miên man nắng gió. Tôi về xóm Văn Kinh, làng Hà My, về với quê cha đất tổ. Con đường bê tông quanh co dẫn về xóm Văn Kinh lồng lộng gió từ ngoài khơi xa thổi về, mang vị mặn mòi biển khơi. Những hàng dừa nước đong đưa bên bến bờ nắng gió trong xanh. Cánh đồng trước mặt đang vào mùa thu hoạch. Những dáng người nông dân lam lũ trên cánh đồng cấy cày, gặt hái giữa trưa nắng cháy.
Sông Cổ Cò vắt ngang qua làng Hà My. |
Tôi đứng lại thật lâu trước mảnh đất hoang chỉ còn sót lại mấy bụi tre quanh cái ao cát nhỏ và vài chùm duối dại quanh vườn của nội. Bất giác, trong ngăn ký ức của tuổi thơ, tôi hình dung như thấy bóng dáng nội tôi đang ngồi khòm lưng vót nan tre làm rổ, làm nơm, hay đan lờ, đan lưới. Tôi như nghe vang vọng đâu đây mênh mang lời ru của nội, của mẹ hòa trong tiếng sóng biển Hà My vọng về mỗi trưa mùa hạ nắng oi nồng, mỗi khi chiều mùa đông giá lạnh, ngọt ngào và ấm áp như câu ca dao xứ sở quê nghèo. Nghe chú kể, ngày ấy, nội tôi có ngôi nhà tranh vách lá mặt nhìn về hướng tây, trước nhà một quãng là con sông Lò Gạch với cánh đồng xanh ngát mùa màng lúa khoai, cây trái, mà bây giờ đã trở nên hoang vắng, đã thuộc về ký ức của mùa xưa, thành nỗi hoài niệm khó phôi phai.
Chú là người bà con trong tộc với tôi. Chú đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Sinh ra và lớn lên ở xóm Văn Kinh nghèo khó này, cuộc đời chú đã trải qua bao thăng trầm được mất. Chiến tranh nổ ra ngày càng ác liệt, gia đình chú dắt díu nhau chạy tản cư. Rồi sau ngày giải phóng, trở về làng cũ, đời sống kinh tế gặp khó khăn, nhiều bà con trong tộc, trong xóm làng kéo nhau đi kinh tế mới ở Đắk Lắk, nhưng chú quyết không đi. Chú yêu cái xóm nhỏ quê cha đất tổ sống chết, đói nghèo gì cũng bám đất, bám làng, cày sâu cuốc bẫm kiếm cơm ở mảnh đất này thôi.
Chú bảo, xóm Văn Kinh ngày xưa nghèo lắm. Nơi đây là đồng chua nước mặn. Sông lạch nhỏ chạy dọc theo xóm làng, đôi bờ lau lách và dừa nước mọc xanh um cả một khoảng trời quê xứ. Xóm Văn Kinh có cây cầu Ông Điền bằng ván để đi ngang qua đoạn sông chỉ còn như cái mương nước nhỏ, nối với các xóm thôn khác của làng quê Điện Dương. Nghe kể, mùa xưa nơi này đồng ruộng hạn hẹp, cằn cỗi, được cái là dưới sông lại lắm cá nhiều tôm, nhờ vậy đã nuôi sống bao phận người dân nghèo trong làng trong xóm. Bây giờ những sản vật trời cho ấy đâu còn nữa, chú chép miệng tiếc nuối cho những mùa màng chưa xa. Tên xóm tên làng vẫn còn đó, hình hài vóc dáng quê kiểng vẫn còn đó, nhưng trải qua những cuộc bể dâu, dịch chuyển với bao thăng trầm được mất, người xưa cảnh cũ cũng đã đôi phần phôi phai. Chú nói như khoe với tôi, bây giờ xóm Văn Kinh đã được Nhà nước quy hoạch dự án làm khu đô thị sinh thái, biệt thự nhà vườn ven sông Hà Sấu, sông Cổ Cò. Sông Cổ Cò cũng sẽ được nạo vét từ Đà Nẵng vào Hội An để trở thành con đường thủy phục vụ thương mại, du lịch. Nghe nói vậy mà lâu quá, nhìn hoài chẳng thấy làm chi cả. Bà con làng mình ai cũng ngóng trông, khắc khoải đợi chờ. Không biết đời chú có thấy được sự đổi thay ấy hay không nữa?
Bất giác, tôi lại miên man suy nghĩ, mai này, nơi đây sẽ là phố thị. Xóm Văn Kinh yêu dấu của tôi sẽ đổi đời từ quê lên phố. Tôi hình dung viễn cảnh một ngày du khách sẽ được đi thuyền trên sông Cổ Cò từ cửa Hàn - Đà Nẵng đi vào Cửa Đại - Hội An và ngược lại, như mấy trăm năm về trước, một thời trên bến dưới thuyền của các thương nhân người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản đã ngược xuôi trên con sông này để làm ăn, giao thương buôn bán. Tôi như hình dung cả không gian lẫn thời gian và các tầng nấc văn hóa, nếp sinh hoạt cộng đồng ở vùng đất này của quá khứ sẽ tái hiện sinh động trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Tôi lại nghĩ lan man, giá như chợ Cầu và bao đình làng, chùa chiền, miếu mạo cùng với những di tích lịch sử văn hóa dọc ven bờ sông Hà Sấu, sông Cổ Cò sẽ được phục dựng, trùng tu, tôn tạo để phục vụ du khách năm châu bốn biển thì là điều hay biết mấy.
Đôi bờ con sông Cổ Cò ẩn giấu bao trầm tích và huyền thoại này, rồi sẽ mọc lên những đô thị nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng cùng với bao dịch vụ tiện ích thời hiện đại. Xóm Văn Kinh, cũng như bao xóm thôn yêu dấu trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của làng Hà My cũng sẽ đổi thay. Xóm Văn Kinh thật gần, thật đẹp trong giấc mơ đêm qua của tôi.
ĐINH VĂN DŨNG