Không ồn ào, không khoa trương mà cần mẫn như con tằm nhả tơ để dệt thành tấm lụa vàng óng, mượt mà cho đời, nhà thơ H. Man vừa “trình làng” tập thơ “Vàng phai một thuở” (Nxb Văn học, 2016).
Tác giả “Vàng phai một thuở” tên thật là Phạm Văn Mận, sinh năm 1954, người gốc Điện Bàn, Quảng Nam, hiện là biên tập viên, Trưởng VP đại diện Nxb Văn Học tại TP.Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kể từ tập thơ đầu tiên - “Tạ ơn người” (2008), đến nay, tác giả H. Man đã xuất bản đến 6 thi phẩm, cho thấy nguồn cảm hứng, sức viết và niềm đam mê thi ca của anh.
Có thể nói, thơ của H. Man hầu hết xoay quanh chủ đề tình yêu, và tác giả thực sự thành công với chủ đề này. Khi cầm tập “Vàng phai một thuở”, tôi “bói” ngẫu nhiên một bài. Nào ngờ chạm ngay vết thương lòng của tác giả và có thể, đó cũng chính là vết thương lòng của tôi và của bạn:
“Em bắn mũi tên nào mà ta ngấm độc?
Ba mươi năm chỉ một vết thương lòng
Vừa khép miệng đã bất ngờ mưng mủ
Rượu bao chiều rửa mãi
cũng chưa xong… !”
(Thương tích)
Khoảng thời gian đến 30 năm - nửa đời người mà vết thương lòng hãy còn đau rưng rức thế kia, chỉ có thể là vết thương do nhát cứa đầu tiên vào trái tim nhạy cảm của những ai vào thuở tập tò làm thơ yêu em mà thôi.
Tình yêu đầu tiên, thường là mối tình không thành. Vì không thành nên trở thành một mối tình ma mị, luôn ray rứt và ám ảnh. Vườn xưa, cảnh cũ, đường xưa, lối cũ, quán cũ… luôn luôn gợi nhớ đến bóng dáng một người:
“Mai kia về lại chốn này
Buộc thương vào gió
buộc ngày vào đêm
buộc mây lên sợi tóc mềm
Mà thương những phút êm đềm đã xa.”
(Thuở yêu người)
Con người ta, đôi khi tận cùng trong sự cô đơn. Ai đó nói rằng thơ được chiết xuất từ trong sự cô đơn đó. Và trong niềm cô đơn của mình, trong một ngày trở gió, tác giả lạc bước về bến sông xưa, nhìn hoa rụng trôi đầy mặt sông mà tiếng lòng ngân rung, thổn thức:
“Qua sông chiều trở gió
Thấy hoa chợt nhớ mình
Nẻo đời nhau mất dấu
Cõi miền nào vô minh.”
(Qua sông mùa hoa rụng)
Những ký ức về tình yêu trong “Vàng phai một thuở” lúc thì ngọt ngào, khi thì đắng chát, lúc thì dịu êm, khi thì đau đớn… Nhưng xem ra, dù ở cung bậc nào của sự thể hiện, tác giả vẫn đem lại cho người đọc một sự đồng cảm dễ chịu vì cái tình như hương như hoa, như mây, như gió, như sương, như khói, như mộng, như thực, như có, như không của anh. Đó là những hồi tưởng và tự vấn về một mối tình và cũng có thể là những mối tình không thành. Chính nhờ cái không thành đó mà thăng hoa và ngưng đọng thành thơ dâng tặng cuộc đời:
“Anh ngồi đếm nỗi buồn bay lả tả
Vàng Thu chưa? Sương tóc nhuộm bao lần
Tình vốn dại đã vàng phai một thuở
Trái tim còn da diết đến phân vân…”
(Vàng phai một thuở)
Vâng, “trái tim còn da diết”… là vẫn thiết tha yêu người, yêu đời, và giữ mãi trong lòng chút tư riêng của “Vàng phai một thuở” yêu người…
MAI HỮU PHƯỚC