Vàng son thị tứ

YÊN CHI 01/01/2023 08:48

Đâu đó chừng mươi, mười lăm năm trước, khi đường sá còn cách trở, những thị tứ vô tình lại là nơi gom góp “phồn hoa” cho biết bao vùng đất, nơi người ta có thể tìm thấy nhiều hơn nhu cầu thiết yếu của mình. Bao nhớ thương ngày cũ vẫn còn dậy lên, khi nhiều thị tứ đang trong cuộc điểm tô cho vóc dáng thị thành với những tính toán đường xa...

Trung tâm xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) vẫn là một “thị tứ vùng biên” phát triển thương mại, dịch vụ sầm uất nhất ở vùng cao. Ảnh: T.C
Trung tâm xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) vẫn là một “thị tứ vùng biên” phát triển thương mại, dịch vụ sầm uất nhất ở vùng cao. Ảnh: T.C

Cuối một chuyến xe

Có lẽ, giao thông vẫn ít nhiều là thứ mặc định cho mức độ sầm uất của một thị tứ, nếu quay ngược lại những khốn khó của thời tái lập tỉnh. Khi chuyến xe từ phía thị thành, mà thường là Đà Nẵng trở về, điểm cuối bao giờ cũng là một ngã ba, một ngôi chợ liên xã. Sầm uất thì chưa hẳn, nhưng rõ ràng, với lợi thế về vận chuyển hàng hóa, đó sẽ là nơi cung ứng, trao đổi chủ lực của cư dân cả vùng.

Thị tứ Sông Vàng (xã Ba, Đông Giang) từng có một chuyến xe đò như thế. Chiếc xe “đờ-nôn” kẻ sọc xanh trắng ì ạch trườn qua những con dốc điệp trùng, từ Đà Nẵng về thung lũng, điểm cuối hành trình là một ngã ba, nơi đóng chân của một ngôi chợ xã.

Kéo theo đó là hàng quán mọc lên với đủ loại dịch vụ, cung ứng cho cả một vùng. Đó cũng là cơn cớ mà thị tứ trở thành đất của dân ngụ cư, nơi tìm đến và an trú, ươm cho mình một giấc mơ đổi đời...

Trong bụi đỏ cuộn lên phía thung lũng, chợ chỉ họp đến trưa, liêu xiêu quán gió. Nơi đó, họ có thể mua áo mới cho con, một chiếc chăn ấm mùa đông hay nông cụ.

Chiếc xe đờ-nôn của ký ức khốn khó mang vác đủ thứ trên nóc, từ bậu gà vịt, chiếu chăn, tới cá mắm ngược từ miền biển về với vùng núi. Cá mắm trở thành đặc sản, nhất là cho mùa đông ở núi, khi những chuyến xe thưa hơn vì mưa lũ, mà có đôi khi cả tháng mới chạy lại một lần...

Có một điều lạ, dù khốn khó là thế, nhưng thị tứ Sông Vàng vẫn đều đặn họp chợ mỗi ngày, không phải “chợ phiên” mỗi ngày rằm mùng một hay là mỗi tuần một lần như nhiều nơi khác.

Có lẽ vì nằm ở ngã ba, giữa miền đất của dân ngụ cư, lại là vùng đất chuyển tiếp giữa người miền núi với người miền xuôi, nhu cầu trao đổi hàng hóa lớn hơn hẳn nên thị tứ cũng vì thế mà rộn ràng.

Chưa có ánh đèn điện, chợ chỉ hoạt động ban ngày nhưng những âm thanh ồn ào - một thứ nhận diện cho mức độ sầm uất đủ để biến nơi này tự thân đã đầy sức hút. Nhiều người, thậm chí đến chợ chỉ với một gùi củi để đổi lấy bữa rượu say bên quán lòng heo che bạt nằm nép mình góc chợ. Ấm no một bữa cho quên bớt những nhọc nhằn...

Trong cuộc trở mình

Có quá nhiều đổi thay trong cuộc dịch chuyển của kinh tế và đời sống mỗi vùng đất. Nhưng nhiều thị tứ vẫn giữ được sứ mệnh của chính mình. Ngã tư Chà Vàl (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang), nơi có thể rẽ về 7 xã còn lại ở vùng biên Nam Giang, thông với tuyến cửa khẩu sang Lào như một “phố núi” vùng cao, dẫu chỉ trong hình hài một thị tứ xa xôi.

Đón đợi bao người, dưới xuôi lên, từ vùng biên xuống, thậm chí cả những bạn Lào phía bên kia biên giới, Chà Vàl vẫn là một trung tâm của thương mại, dịch vụ. Một chốn “đô hội” của cư dân, khi nơi này phục vụ hàng hóa cho cả vùng rộng lớn.

Không như nhiều xã phía biên giới heo hút trong mây, Chà Vàl nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, Chà Vàl ngủ muộn hơn và thức từ rất sớm. Trong quy hoạch phát triển của Nam Giang, những tính toán đã được cụ thể bằng rất nhiều dự án đầu tư, phát triển, định hình một vóc dáng khác cho thị tứ.

Cứ mỗi bận trở về, lại thấy nhiều đổi khác ở những thị tứ vốn nhỏ bé vô danh nếu đặt vào bản đồ rộng lớn của toàn tỉnh. Việt An của Hiệp Đức, Hương An của Quế Sơn, hay Tắk Pỏ phía xa xôi Nam Trà My đều điền tên mình vào quy hoạch phát triển đô thị.

Không còn là những thị tứ nhỏ bé với quy mô thương mại dịch vụ chỉ đủ cung ứng tại chỗ hoặc vài xã, các thị tứ bắt đầu tiệm cận tiêu chí của đô thị loại V và đang bắt đầu chạm đến hình hài của một thị trấn thực thụ, với sự phát triển hài hòa giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp.

Bước ra từ khốn khó, cư dân đã có quyền mong đợi nhiều hơn với những chuyển động bắt nhịp cùng sự phát triển chung của toàn tỉnh. Nhưng ký ức vẫn là một miền nhớ chưa phủ xanh rêu, để thi thoảng gọi tên những ngày còn khốn khó. Nhìn lại, để biết những điều đã và đang có, để nỗ lực hơn cho chặng đường tiếp theo và lưu cữu nhiều giá trị tinh thần của một vùng đất.

Không có ký ức, hẳn sẽ không có những tươi đẹp của hôm nay, để tin và chờ đợi ngày mai...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vàng son thị tứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO