Sản lượng và chất lượng yến sào Cù Lao Chàm - Hội An ngày càng giảm mạnh trong khi các giải pháp cải thiện không đạt hiệu quả.
Khai thác yến sào tại hang Tò Vò - Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.HẢI |
Mất gần một nửa
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Yến sào Cù Lao Chàm từng được xem như là “vàng trắng”, là nguồn thu chủ lực để đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng yến sào đang liên tục sụt giảm. Năm 2017, kế hoạch của thành phố từ đầu năm đề ra là thu khoảng 75 tỷ đồng từ yến nhưng cuối năm chỉ bán sản phẩm đạt 57 tỷ đồng vì mất 30% sản lượng. Năm nay, kế hoạch tiếp tục giảm còn khoảng 45 tỷ đồng, trong khi trước đó, mỗi năm nguồn thu đạt từ 80 đến 100 tỷ đồng”.
Quần thể loài chim yến tại đảo Cù Lao Chàm trước đây có khoảng 100.000 con. Tổ yến được khai thác 2 đợt/năm, sản lượng đợt đầu gần 600kg, đợt 2 khoảng 400kg với chất lượng thấp hơn đợt đầu. Từ 5 năm trước, các chuyên gia nghiên cứu về đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã dự báo, nếu không có biện pháp hạn chế tác động từ sự phát triển du lịch không giới hạn, các hệ sinh thái không được quản lý, bảo tồn thì nguồn lợi yến sào tại đây sẽ mất đi từ 5 đến 10%. Trong 5 đến 10 năm tới, dự báo mất khoảng 5% và từ 10 đến 20 năm sau nữa, sự thất thoát có thể lên đến 10%. Thực tế hiện nay, nguồn lợi này đã mất gần một nửa. Năm 2009, sản lượng tổ yến khai thác đạt hơn 1.300kg, nhưng từ năm 2013 trở lại đây, sản lượng liên tục giảm, chỉ còn hơn 750kg trong năm 2017.
Nhiều năm nghiên cứu về chim yến tự nhiên, PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, ngoài nguyên nhân thời gian và cách thức khai thác thì việc suy giảm lượng đàn còn do điều kiện sống của chim. Cụ thể, ảnh hưởng của diện tích cửa hang, cấu trúc nền đáy chi phối diễn biến nhiệt ẩm ở trong hang dẫn đến số tổ và chim non bị rơi. Thức ăn và vùng kiếm ăn cũng suy giảm. Mùa khô chim thường kiếm ăn ở các vùng đồng ruộng trong đất liền, thuốc bảo vệ thực vật là nguy cơ ảnh hưởng đến sức sống của chim non, khan hiếm nước ngọt. Mùa mưa khan hiếm thức ăn, chim bố mẹ thường gặp tai nạn do thời tiết bất lợi trên đường đi kiếm ăn. Vùng kiếm ăn bị thu hẹp do đô thị hóa... “Sự suy giảm còn do địch hại là các loài chim yến núi, chim cú, rắn, dơi, chuột, gián cư trú trong các hang có chim yến sinh sống. Thêm vào đó còn do tập tính di cư, ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng quần thể loài chim yến Cù Lao Chàm” - PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh cho biết thêm.
Trong 10 năm bám đảo Cù Lao Chàm để nghiên cứu về đàn chim yến tự nhiên, nghiên cứu sinh Võ Tấn Phong của Đội quản lý và khai thác yến Hội An cho hay, số lượng đàn sụt giảm do tổ rụng trong mùa gió nam, chim con chết nhiều do khát nước, chim già chưa kịp tái sinh và tác động của sự thay đổi thời tiết phức tạp. “Có nhiều nguyên nhân nhưng theo khảo sát thì nguyên nhân chính là nơi làm tổ không đảm bảo và điều kiện thức ăn ngày càng khan hiếm, tỷ lệ chim con rời tổ thành công rất thấp” - anh Võ Tấn Phong nói.
Nỗ lực cứu yến
TP.Hội An đã yêu cầu các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, khảo sát tìm nguyên nhân, trước mắt, tiếp tục bảo vệ nuôi dưỡng chim, duy trì sự phát triển của đàn ở các hang. Thành phố cũng cho phép Đội quản lý và khai thác yến nghiên cứu phát triển hang yến mới để nhân đàn. Kỹ sư Huỳnh Ty - Đội phó Đội quản lý và khai thác yến, cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức hội thảo “Kỹ thuật xây dựng nhà nuôi và nhà tập bay để cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm” nhằm nghiên cứu ứng dụng vào việc cứu hộ chim yến non. Đội cũng đã làm mới tất cả găng cội ở các hang, tạo mái che mở rộng diện tích cho chim làm tổ, đồng thời đo đạc, tạo độ ẩm trong hang, khắc phục tình trạng tổ yến rụng do thời tiết hanh khô. Đặc biệt, việc dùng dầu ăn để dẫn dụ và diệt gián cũng đã hạn chế tình trạng gián gặm nhấm làm giảm chất lượng tổ yến và lây dịch bệnh”.
Trong khi đó, để tổ chức tour tham quan du lịch tại các hang yến trên đảo Cù Lao Chàm, một số công ty lữ hành đã đưa tàu thuyền đến trước hang yến và hướng dẫn viên sử dụng loa thuyết minh công sức lớn để hướng dẫn. Chính vì thế, UBND TP.Hội An nghiêm cấm việc gây ra tiếng động mạnh và sử dụng loa thuyết minh tại các hang yến nhằm tạo môi trường tốt cho đàn yến sinh trưởng. Một thực trạng nữa là yến nuôi nhà, yến đảo có sự lẫn lộn, phức tạp, tình trạng dụ yến về đồng bằng xây tổ diễn ra phổ biến ở đất liền. Được biết, nghề dẫn dụ và khai thác sản phẩm của chim yến hình thành tại Quảng Nam từ năm 2005 đến nay. Tại Hội An, theo Phòng Quản lý đô thị thì chỉ có 5 cơ sở đăng ký chính thức về xây dựng nhưng con số thực tế đã có hơn 30 cơ sở. Việc không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn của cơ sở dẫn dụ, khai thác yến đã gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý ở địa phương.
Ba năm trước, Đội quản lý và khai thác yến cũng đã thuê chuyên gia thử nghiệm ADN trên đàn yến đảo và yến nuôi bất kỳ trong thành phố. Kết quả có một số yếu tố tương đồng về mặt di truyền giữa những cá thể yến nuôi trong nhà và yến tự nhiên trên đảo. Đây là cơ sở để tăng cường quản lý, kiểm soát trước tình trạng nhân nuôi, dụ yến đảo về xây tổ trong đất liền tràn lan. “Nếu không có giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh việc dẫn dụ, nuôi yến trong nhà trên đất liền ngày càng mở rộng thì không sớm thì muộn, nguồn lợi kinh tế từ yến sào Cù Lao Chàm chỉ ở trạng thái tồn tại thôi chứ không thể phát triển. Mặc dù nhiều năm qua, thành phố đã hợp đồng với các chuyên gia về hỗ trợ Đội quản lý và khai thác yến tìm giải pháp nhưng xem ra không hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
QUỐC HẢI