Tôi đi Hà Tĩnh dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh và đón nhận danh hiệu danh nhân Văn hóa thế giới của Đại thi hào Nguyễn Du. Huyện Nghi Xuân, làng Tiên Điền. Khu lưu niệm và mộ của thi nhân những ngày này rộn ràng khách tham quan, hương khói, cờ hoa.
Lúc còn sống, cụ Nguyễn Công Trứ từng ước: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. (Ảnh có tính minh họa). |
Trên đường đến quê của Nguyễn Du, cách đó không xa, làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, cũng huyện Nghi Xuân, là nơi nhà thơ Nguyễn Công Trứ yên nghỉ. Làm thơ mà kinh bang tế thế hơn người, nước ta chỉ có một, chính là Nguyễn Công Trứ. Tám mươi năm ở đời, làm quan 30 chục năm, bảng thành tích của ông là “vô tiền khoáng hậu”: Khơi sông Mê kông ở Long Xuyên, chống tham nhũng, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương, mở đất lấn biển Tiền Hải, dẹp hải tặc ở biển Đông, đuổi lục lâm thảo khấu ở Lạng Sơn. Thơ ông thì khỏi phải nhắc, cả chuyện ăn chơi nhân ngãi cũng đến độ long trời lở đất. Tóm lại ông là kẻ… ngoại hạng. Tài cho lắm nên tai họa cũng không thua người, đỉnh điểm là bị giáng chức làm anh chạy ngựa. Cuối đời ông về quê nhà an nghỉ, dựng nhà tranh xác xơ mà ở. Đất có 4 mẫu tự điền, sau này hợp tác xã lấy; nhà thờ mà vua Duy Tân cho xây, mấy năm trước ồn ào trên báo là được nhà nước… sáng kiến làm mới, phá dỡ hết, vứt hết câu đối, hoành phi, bia mộ.
Nhà thờ đóng kín. Ngó vào trong thấy tượng đồng của ông. Mặt dài, râu dài, mũ cánh chuồn. Chột dạ. Nước ta đâu có truyền thống vẽ chân dung, chụp ảnh thì Pháp mang sang, thời ông có lưu lại gì, thì căn cứ đâu mà đúc tượng như thế? Sẵn đây, nói luôn chuyện nhiều năm qua, các tộc họ quay về nguồn cội, thuê họa sĩ vẽ ông tổ thời Thanh – Nghệ chưa lâm cảnh tao loạn, con cháu chưa làm lưu dân phương nam. Nhiều làng, tộc vẽ ông tổ mình mặt vuông, có râu quắc thước, khôi vĩ hơn người. Đành rằng là biểu tượng, ngó vào không mảy may cảm xúc chứ chưa nói có “xét nghiệm ADN” chắc gì đã tìm ra máu mủ cùng hệ, nhưng cứ vẽ mà lấy đó làm tự hào sung sướng.
Vắng lặng như tờ. Nhà hướng dẫn tường vôi cũ kỹ, cửa nẻo sập sệ, mái tôn thấp tè. Cửa khóa kín. Hỏi một nhà dân gần đó mộ cụ ở đâu, thì một người dân gần đó chỉ ra phía sau, bởi không có bảng hướng dẫn. Một sợi xích to đùng vắt qua cổng. Tôi liều gỡ xích, đẩy vào. Ba ngôi mộ. Mộ ông ở giữa, đã đành, nhưng muốn đọc cho ra tấm nào khắc tên ông bằng chữ Hán nhỏ li ti và trầy tróc hết, thì toát mồ hôi. Hương khói có, nhưng lạnh lẽo từ lâu, chân nhang xỉn đen, bạc thếch. Tôi ngó quanh, chẳng có cây thông nào, như khát vọng lúc ông bị biếm chức, ước “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Cúi lạy Uy Viễn tướng công, tôi nhớ thơ ông cay đắng “Vào cuộc trần ai khóc lộn cười”. Ông và cụ Nguyễn Du, cùng huyện, cùng làm thơ, cùng một thời, gia tài thơ phú để lại cho hậu thế, ai cũng nhớ. Nguyễn Du đã đi qua một con đường sấm sét, dân tộc này đã tâm lĩnh nơi ông khát vọng vong thân vì chữ tâm đại tự; còn Nguyễn Công Trứ dạy cho hậu thế bài học về trò chơi làm người, một trò chơi nghiêm túc mà không có tài thì không chơi được. Nhưng thói đời vốn bạc, chỗ dập dìu cờ hoa, chỗ vắng lạnh ơ thờ. Đời nào cũng thế cả, cuộc trần ai do kẻ đang sống tạo ra chứ không phải người nằm dưới mộ. Chí của Nguyễn Công Trứ lớn, khát vọng công danh ông cao, nhưng tôi cứ nhớ hoài thơ Nôm của ông, giọng đầy bi phẫn: “Đéo mẹ, nhân tình - đã biết rồi. Nhạt như nước ốc, bạc như vôi”. “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược. Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. “Nghe như chọc giận tai làm điếc. Giận đã căm gan mỉm miệng cười”.
Nghĩ cũng lạ, ra hiệu sách cũ mua sách cân ký, thì văn hào thế giới ngang ngửa với nhà văn phường, còn chốn khói hương thì danh phận phân rõ thứ bậc. Nhà thơ Lê Đạt từng nói: Thơ , không có thời “Nghiêu Thuấn” nào cả. Tôi cúi đầu chua xót trước mộ ông. Tầm cỡ ông, chuyện lòng người nhấp nhổm là chuyện vặt. Tôi là kẻ lưu lạc đến đây, đọc ông và tôn sùng ông, trưa nắng gắt muốn tựa cây thông hóng mát mà không có, bèn nhớ thơ ông cho đỡ nhọc lòng “Ôi! Nhân sinh là thế ấy. Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”.
TRUNG VIỆT