Ngày 25.12 tới, toàn tỉnh bắt tay vào việc gieo sạ vụ lúa đông xuân 2012 - 2013. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã gấp rút xây dựng nhiều công trình thủy lợi, kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất.
Làm đất cho vụ đông xuân. Ảnh: VĂN SỰ |
Hối hả xuống đồng
Vụ này, bà Phan Thị Cẩm (thôn Trà Đình 2, Quế Phú, Quế Sơn) sẽ gieo sạ 5 sào lúa. Tuổi già, con cái lại đi làm ăn xa, một mình bà không thể cải tạo được đồng ruộng. Cách đây mấy ngày, bà phải đi thuê nhân công xử lý giúp 5 sào lúa chét để kịp cày ải, chuẩn bị xuống giống trà đầu. Bà Cẩm nói: “Nếu chừ không bỏ tiền ra mượn người cắt phá lúa chét mà cứ để rứa cày lật đất thì nhất định vụ tới ruộng lúa sẽ bị lẫn tạp vì hạt lúa chét sẽ nẩy mầm mọc lên đan xen với cây mạ non vừa gieo sạ, việc tỉa dặm gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sẽ tụt giảm”. Từ đầu tháng 12 đến nay, trên nhiều cánh đồng xứ Quảng, nông dân tập trung cắt bỏ lúa chét, chuẩn bị đồng ruộng cho vụ sản xuất tới.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây nông dân nhiều nơi cũng quyết liệt ra quân tiêu diệt chuột để bảo vệ mùa màng. Ông Trần Văn Lâm (thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa, Duy Xuyên) cho biết: “Hưởng ứng phong trào do chính quyền địa phương phát động, 3 tuần qua nông dân trên địa bàn xã đã tổ chức nhiều đợt ra quân tiêu diệt không dưới 4 nghìn con chuột. Tuy nhiên, hiện nay chuột vẫn còn xuất hiện khá nhiều, do vậy chúng tôi vẫn thường xuyên đào phá hang, đặt bẫy để tiếp tục diệt trừ”. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian qua chính quyền, các hội đoàn thể và nông dân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ra quân tiêu diệt hơn 38 nghìn con chuột. Bên cạnh việc ra quân diệt chuột, nhà nông cũng khẩn trương cày phơi ải đất nhằm chủ động cắt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ.
Chủ động đối phó khô hạn
Để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng, hiện các đơn vị liên quan đã lên phương án đối phó với khô hạn và nhiễm mặn. Vụ này, nông dân Điện Bàn triển khai gieo trồng 5.700ha lúa và 3.300ha rau màu. Nếu nắng nóng vẫn kéo dài, sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt bị mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao thì rất nhiều khả năng 25 - 30% diện tích trên sẽ thiếu nước tưới. Theo phương án đặt ra, nếu mặn thâm nhập sâu vào sông Thu Bồn khiến trạm bơm Tứ Câu không hoạt động được, ngành thủy lợi sẽ chi viện 2 tổ máy bơm điện để hút nước ngọt tại Cống Lở và Bàu Sen tưới cho 80ha lúa của xã Điện Ngọc. Nếu bể hút của trạm bơm Cẩm Sa bị mặn tấn công thì ngoài việc vận hành lách triều sẽ tăng công suất hoạt động của máy bơm điện Hà Gia, đưa nước về cung cấp cho 90ha lúa thuộc xã Điện Dương và Điện Nam Bắc. Trong trường hợp trạm bơm Thanh Quýt nhiễm mặn, sẽ lắp đặt một máy bơm dã chiến tại thôn Bồ Mưng, đồng thời đưa nước ngọt từ phía trạm bơm Đông Quang sang để tưới 160ha lúa của xã Điện Thắng Bắc.
Ông Nguyễn Phước Năm – Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên cho biết, nếu sông Thu Bồn tại cầu Đen bị mặn xâm nhập với nồng độ cao thì đơn vị sẽ đóng tất cả 7 cống ngăn mặn. Đồng thời, đưa lượng nước hồi quy từ sông Bà Rén và Chiêm Sơn về cung ứng cho trạm bơm Xuyên Đông hoạt động để phục vụ tưới 700ha lúa của thị trấn Nam Phước và các vùng lân cận. Trong trường hợp trạm bơm 19.5 ngưng hoạt động, sẽ huy động lực lượng lắp đặt 4 máy bơm dã chiến tại cầu Thấn để hút nước ngọt từ sông Đào lên cung ứng cho 400ha lúa của xã Duy Phước và Duy Vinh.
Nhằm đảm bảo nước tưới cho 900ha lúa, 420ha rau màu, thời gian qua bên cạnh việc đầu tư kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương thì huyện Bắc Trà My cũng chi hàng trăm triệu đồng nâng cấp 2 hồ chứa nước và mua gần 600 chiếc rọ sắt khẩn trương gia cố 40 đập bổi bị hư hỏng...
Tích cực hỗ trợ nông dân
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài việc tổ chức canh tác 6.000ha bắp và hàng chục nghìn héc ta rau đậu thì đông xuân này toàn tỉnh sẽ triển khai xuống giống 43.000ha lúa. Trong số diện tích lúa, ngành nông nghiệp đã yêu cầu chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân bố trí chỉ 20% diện tích gieo sạ các loại giống dài ngày, còn lại chủ yếu cơ cấu những loại giống trung và ngắn ngày. Bởi, qua theo dõi trong vài vụ gần đây cho thấy các giống trung ngày, ngắn ngày rất thích hợp với điều kiện canh tác ở Quảng Nam. Để gieo sạ đủ số diện tích trên, cần khoảng 4.100 - 4.300 tấn giống lúa các loại. Ngay từ đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh đã đưa ra thị trường một lượng lớn giống lúa chất lượng để cung ứng cho nhà nông nên hiện nay không xảy ra tình trạng khan hiếm như những vụ đông xuân trước. Không chỉ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm này giá nhiều loại giống lúa cũng giảm 5 - 10% so với hồi đầu vụ hè thu 2012.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, thời gian qua chính quyền các địa phương đã kết hợp nhiều nguồn vốn để mua giống lúa cấp hoặc trợ giá cho hàng nghìn hộ dân. Ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ kênh vốn sự nghiệp nông nghiệp, vụ đông xuân này huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình cấp 1 hóa giống lúa với khoảng 70ha đất. Ông Châu nói: “Toàn bộ số diện tích trên chủ yếu sử dụng giống Q.Nam 6, N04-05, PC6 để gieo sạ. Bình quân 1kg giống có giá 15 nghìn đồng, nông dân được huyện hỗ trợ một nửa”.
Tại Bắc Trà My, hồi giữa tháng 11, địa phương đã chi 1 tỷ đồng mua 43 tấn giống lúa, 3 tấn giống bắp, 3 tạ hạt giống rau cấp phát cho 6 nghìn hộ dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ những gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và bị thiệt hại nặng do động đất. Còn ở Nam Giang, bên cạnh việc mở hàng chục khóa tập huấn chuyển giao quy trình thâm canh lúa nước thì các đơn vị liên quan cũng đã mua hơn 10 tấn giống lúa, bắp, rau đậu các loại hỗ trợ nông dân...
Đưa nước về đồng
Đưa chúng tôi vào cánh đồng thôn Châu Xuân Đông, ông Nguyễn Phước Mãn - Trưởng thôn Châu Xuân Đông cho biết, trước đây việc đưa được nguồn nước vào để sản xuất là cả một hành trình đầy gian nan, cơ cực. Mương nước chỉ có một, nguồn nước có hạn, trong khi ruộng cần tưới lại nhiều. Người nào bám trụ ngay nguồn nước trước, miệt mài hơn sẽ được đưa nước về ruộng mình trước. “Có người “xí phần” trước, nhưng túc trực không liên tục cũng bị xếp xuống bậc sau. Biết bao thửa ruộng đến kỳ “khát nước” nhưng khô cháy, bao công sức mồ hôi tan biến. Cánh đồng sau lũy tre làng, trước đây, vào mùa khô mà cấy lúa ở đồng này có khi mất trắng. Nhất là năm hạn, canh ngày giữ đêm cũng không có nước mà tháo. “Từ đầu tháng 11 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng kênh mương ống nhựa, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi. Cũng vì tuyến kênh này mà những năm trước đây, xóm làng thường xuyên xảy ra xích mích, cãi cọ, giành giật nhau từng tí nước” - ông Mãn nói. |
VĂN SỰ