Ở thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My), hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đứng ra vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh. Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên nhiều chị đang nắm trong tay tài sản hàng trăm triệu đồng.
Chị Hồ Thị Biết chăm sóc vườn sâm “ngủ đông”. Ảnh: Hoàng Thọ |
Ngày đầu năm, chúng tôi đến thôn 2 xã Trà Linh. Ban ngày, cả làng vắng bóng phụ nữ, chỉ có trẻ em chạy nô đùa bên vách nhà sàn. Các cháu nhỏ cho biết, bố mẹ đi rừng chăm sóc cây sâm Ngọc Linh đến tối mới về. Các làng nóc nơi đây giờ đã khang trang hơn nhiều với những mái nhà sàn lợp tôn nằm san sát nhau trên sườn núi Ngọc Linh. Vật dụng gia đình cũng được sắm sửa, đời sống của nhiều hộ đồng bào Xê Đăng được nâng lên rõ rệt; con em trong làng được chăm lo ăn học... Tất cả là nhờ vào những gốc sâm Ngọc Linh.
Chốt sâm của nóc Tắk Ngo hiện có hơn 30 hộ tham gia trồng sâm. Hộ nhiều nhất có đến hơn 5 nghìn gốc, người ít nhất cũng được 500 gốc. Chị Hồ Thị Biết cho hay, năm 2010 đã vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua kênh của Hội Phụ nữ để đầu tư trồng sâm. Với số tiền này, gia đình chị đã trồng mới hơn 750 gốc sâm trên khu vườn rộng 250m2. Hiện nay vườn sâm đã được 3 tuổi. Nhờ tập trung chăm sóc, bảo vệ nên cây sâm sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống đạt cao. Với vườn sâm đang sở hữu, 3 năm nữa chị Biết sẽ thu lợi hàng trăm triệu đồng. Chị Biết cũng chia sẻ thêm, trong thời gian này, gia đình còn phát triển chăn nuôi và làm thêm nương rẫy để lấy ngắn nuôi dài và trả lãi vốn vay ngân hàng. “Dân làng mình sống chủ yếu nhờ vào cây sâm Ngọc Linh. Nhà nước ưu đãi cho vay lãi suất thấp nên ai cũng vay tiền về trồng sâm hết. Đây chính là cây xóa đói, làm giàu cho người làng mình” - chị Biết nói.
Theo chị Hồ Thị Bâng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Linh, thôn 2 hiện có 110 hội viên phụ nữ vay vốn trồng sâm với tổng số tiền 2,143 tỷ đồng; nhất là tại nóc Kon Pin có 77 hộ vay 1,5 tỷ đồng. “Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên hầu hết chị em đều trồng sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả. Có những hộ vay vốn đầu tư trước đây giờ đã thu cả tỷ đồng nhờ vào giá trị siêu lợi nhuận của cây sâm” - chị Bâng cho biết. Như chị Hồ Thị Hai ở nóc Măng Lùng, cách đây 5 năm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm. Mới đây gia đình chị Hai đã bán bớt một phần sâm với số lượng hơn 24kg, thu về hơn 700 triệu đồng. Từ chỗ biết sử dụng vốn vay đúng mục đích nên bây giờ nhiều phụ nữ nơi đây đã có cuộc sống khá giả; đồ dùng sinh hoạt gia đình, ti vi, xe máy cũng được mua sắm.
Cuộc sống mới đang tràn về những nóc nhà sàn trên đỉnh Ngọc Linh. Ý nghĩ phải đẩy lùi cái đói nghèo đã giúp cho chị em phụ nữ Xê Đăng mạnh dạn vay vốn về trồng cây sâm Ngọc Linh. “Nếu những địa phương khác, các cấp hội phụ nữ biết vận động hội viên linh hoạt đứng ra vay vốn để phát triển kinh tế gia đình dựa vào thế mạnh từng địa phương thì chắc chắn rằng không lâu sau, đời sống của đại bộ phận nhân dân ở Nam Trà My sẽ được cải thiện. Chuyện đói và nghèo sẽ chỉ còn là dĩ vãng”, chị Hồ Thị Minh Thuận - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My khẳng định.
HOÀNG THỌ