Sáng tác trong hơn 45 năm, Giá Viên toàn tập của danh nhân Phạm Phú Thứ là một tác phẩm đồ sộ, gồm các loại: thi, phú, tấu, sớ, luận, ký, thư, khải, tự, bạt, bi minh, hành thuật, văn cúng, đối liễn. Sách này có 27 quyển (gồm quyển thủ không đánh số và 26 quyển thơ văn được đánh số từ 1 đến 26) với 319.259 chữ khắc bản gỗ in.
|
Sách Phạm Phú Thứ Toàn tập do Nhà xuất bản Đà Nẵng in ấn. |
TS. Phạm Phú Thứ (1821 – 1882), hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, người xã Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn. Cụ là người có tư chất thông minh, nổi tiếng học giỏi, đỗ đầu các khoa, làm quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn. Vua Tự Đức từng phê trên bức họa truyền thần của cụ bốn chữ: “Thương Sơn cao đệ” (Người học trò giỏi nhất của Thương Sơn Tùng Thiện Vương - chú ruột vua Tự Đức).
Phạm Phú Thứ có người cháu gọi bằng chú ruột, tên là Phạm Phú Lân. Ông tự là Sĩ Long, Đình Thơ (Thư), hiệu Thiếu Trúc. Mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ, Phạm Phú Lân đỗ tú tài năm Đinh Mão (1867) và năm sau đỗ cử nhân. Năm Đinh Tỵ (1876), ông làm quan Tư vụ bộ Binh, hàm tùng thất phẩm, sau đổi làm quan Biên tu ở Nội các (Văn phòng của hoàng đế). Đến năm Canh Thìn (1880), được bổ làm Tri phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chức quan cuối cùng của ông là Biện lý các bộ kiêm chức Tham biện Viện Cơ mật với hàm Chánh tứ phẩm, Hồng lô tự khanh. Ông bị bệnh mất tại kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 11 năm Đinh Dậu (1897), Thành Thái thứ 9. Thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.
Thiếu Trúc Phạm Phú Lân được cụ Phạm Phú Thứ hết lòng dạy dỗ cả về chữ nghĩa và đạo đức, nên giỏi giang, lớn lên làm quan thanh bạch, được dân yêu, đồng liêu mến phục. Khâm phục tài năng của người chú ruột, Phạm Phú Lân âm thầm lưu giữ lại những bản nháp thơ, văn mà Phạm Phú Thứ vứt vào giỏ (sau khi đã chép tinh và gửi đi). Mỗi khi không ở cạnh chú, ông nhờ những người lính hầu cất giữ hộ. Công việc ấy kéo dài suốt mười năm trời. Sau khi “việc công thanh thản”, bản thảo đã tập hợp xong, Thiếu Trúc muốn in thành sách nhưng vì nhà nghèo, số tiền in sách lại lớn (trên dưới 4.000 quan), ông đem ý nguyện đó trình lên các quan lớn ở kinh và ở tỉnh Quảng Nam. Tất cả đều hoan nghênh.
Các quan công khanh nổi tiếng trong triều viết lời tựa. Tại Quảng Nam, các quan Đốc bộ Nguyễn Bút Phong, Tuần phủ Phan Uy Nhạc và Án sát Nguyễn Tiểu Cao đã có một nghĩa cử chưa có tiền lệ, đó là cùng liên danh ra bản Cáo bạch kêu gọi các bậc thân sĩ trong tỉnh hưởng ứng quyên góp tiền để khắc in thành sách. Cáo bạch ca ngợi: “Trúc Đường Phạm tướng công là một vị lãnh tụ của tỉnh nhà, sớm chiếm khoa cao, muộn lên chính khanh, gặp thời vua sáng, nước thịnh, ông đã đi khắp trong ngoài, chính sự văn chương đứng đầu một thời. Đến nay, các thân sĩ hạt nhà ca tụng trước cửa miệng. Thơ văn của ông trở thành điển hình chung của một nhà. Ví như sao sáng mây lành người được xem đều lấy làm khoái trá. Nhưng người chưa đọc được thì ngong ngóng mong chờ”. Cáo bạch không quên nhắc lại nghĩa cử của Phạm Phú Thứ, đó là khi còn sống dù lương bổng không nhiều, ông vẫn bỏ tiền in các sách hay, sách lạ như: Hàng hải kim châm, Khai mội yếu pháp, Vạn quốc công pháp… để phổ biến kiến thức cho thiên hạ. Trong khi đó, trước tác của mình có bao nhiêu cuốn thì ông lại không hề để ý đến. Cáo bạch nhấn mạnh: “Chúng tôi là người nhậm chức ở tỉnh Nam, mối tình sâu xa hoài cổ, phía Đông nhìn núi Hành Sơn cao ngất, phía Bắc trông núi Hải Vân chọc trời, chưa từng dứt mộng với con người “Giang Thụ Sào” ấy. Nếu các ngài cùng lòng yêu chuộng, không tiếc tiền thừa, để những cuốn sách này được in ấn, trọn vẹn điều tốt đẹp, đó cũng là ý nghĩ lấy vàng đúc Phạm Lãi trước kia vậy”. Ý Cáo bạch muốn nhắc lại câu chuyện đời Xuân Thu ở Trung Hoa: Sau khi giúp Việt vương Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, khôi phục nghiệp cũ, trên đường khải hoàn, Phạm Lãi lén bỏ trốn đi ngao du, dinh thương vùng Ngũ hồ. Vua Câu Tiễn nhớ Phạm Lãi là người có công lớn, bèn sai lấy vàng đúc tượng kỷ niệm để đời!
Trong sách Lô Giang tiểu sử, Án sát Nguyễn Mại, người viết Cáo bạch, cho hay các thân hào ở đất Quảng đã “quyên trợ được hơn 800 đồng, giao cho anh Thiếu Trúc nhận thuê thợ khắc bản, in tập thi văn ấy đề là “Giá Viên thi văn toàn tập”.
Ghi nhận công lao của Thiếu Trúc Phạm Phú Lân trong việc gìn giữ và tập hợp bản thảo để in sách Giá Viên toàn tập, Thượng thư bộ Công Nguyễn Thượng Phiên đánh giá: “Ngọc Bích trong núi Kinh Sơn được giá trong ở Liệt quốc (Đông Châu) là nhờ tay Biện Hòa, cũng như văn của cụ Phạm được lưu hành trong thiên hạ tới đời sau là nhờ tay của ông Thiếu Trúc vậy”. Khi Phạm Phú Lân mất, câu đối điếu của Nguyễn Thượng Hiền (con Nguyễn Thượng Phiên) có nhắc lại chuyện này: “Thập tải thành thơ, sự phúc như công bất đa kiến” (Hoàn thành pho sách trải mười năm, thờ chú như ông đời hiếm có). Còn người cháu của ông tên là Phạm Phú Viết (người đã dành trọn mười năm để dịch trọn bộ 27 quyển Giá Viên) nhận xét khá sâu sắc: “Có ông chú như tổ Trúc Đường mới có sách Giá Viên, mà nếu không có người cháu như bác Thiếu Trúc thì sách Giá Viên cũng chưa chắc được công bố”.
Để Giá Viên toàn tập đến tay độc giả, phải kể đến sự tham gia của nhiều nhân vật có tiếng đương thời: Hà Đình Nguyễn Thuật, Cúc Viên Trương Quang Đản, Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp, Nhĩ Nam Nguyễn Thượng Phiên (giám định); Tiểu Cao Nguyễn Mại, Doãn Tân Trương Trọng Hữu (sắp xếp, phân loại thơ văn). Bên cạnh đó, còn có “đội ngũ” đông đảo con trai, con rể (Thượng thư bộ Binh Hồ Lệ, Tri phủ Anh Sơn Huỳnh Tuấn), các cháu thực hiện kiểm tra việc khắc in. Sách được in trong các năm 1895 - 1896 dưới triều vua Thành Thái.
Năm 2014, Nhà xuất bản Đà Nẵng in ấn cuốn Phạm Phú Thứ toàn tập dày 2.152 trang, giới thiệu trọn vẹn hai tác phẩm của Phạm Phú Thứ là Giá Viên toàn tập và Giá Viên biệt lục. Sinh thời, PGS-TS. Chương Thâu (nguyên Viện trưởng Viện Sử học), khi viết lời tựa cho cuốn Phạm Phú Thứ Toàn tập đã nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta phải cảm ơn các vị thức giả cùng thời cụ Phạm đã cùng với gia đình, con cháu và cả các bậc đường quan của tỉnh Quảng Nam với tấm lòng trọng thị kính ái Trúc Đường tiên sinh, ra sức thu thập, sắp xếp lại số di cảo của cụ, quyên tiền khắc bản in ấn để lưu giữ cho đời một khối lượng trước tác hết sức đồ sộ, phong phú. Nghĩa cử ấy, tấm lòng ấy đáng trân trọng biết bao để hôm nay chúng ta có nguyên bộ toàn tập với bản dịch ngót 2.000 trang chữ Hán. Phạm Phú Thứ Toàn tập có lẽ là một toàn tập thơ văn hiếm thấy trong lịch sử thư tịch nước nhà của một vị nho sĩ yêu nước”.
VÂN TRÌNH