Về các "thuộc" và "Kim hộ thuộc"

PHÚ BÌNH 12/05/2018 08:56

Trong một số văn bản chữ Nho được ghi từ nửa đầu thế kỷ 18 hiện còn lưu tại vùng nam Quảng Nam, thường có tên một đơn vị hành chính đặc biệt gọi là “thuộc”. Tìm hiểu qua sách Phủ biên tạp lục (PBTL) của học giả Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 có thể biết rõ hơn về điều này.

Các thuộc xưa

Học giả Lê Quý Đôn chép lại nhiều tên thuộc bao hàm cách hiểu về nghề nghiệp chính của đa số dân cư như sau: thuộc Sơn điền (quy tụ các hộ dân làm ruộng ở vùng núi), thuộc Hoa châu (dệt vải, lụa), thuộc Hà bạc (gồm các hộ dân sống và hành nghề đánh cá, làm mắm muối ven biển), thuộc Võng nhi (đánh cá trên sông?), thuộc Chu tượng (đóng thuyền), thuộc Tịch tượng (dệt chiếu), thuộc Mộc tượng (làm nghề mộc), thuộc Ngân tượng (luyện kim), thuộc Cù du (dệt thảm cói), thuộc Cảm lãm (lấy nhựa ở cây trám), thuộc Hương du (làm ra dầu vừng), thuộc Thương nhân Hội tân (đi buôn), thuộc Kim hộ (hộ làm vàng)… Trong ghi chép ấy, cũng có một số tên thuộc đến nay chưa tường được nghĩa như: Xuân xướng, Sĩ thần, Phụ nguyên, Phúc tượng, Kiều cư lậu dân….

Nhà bia và tấm bia có ghi hiệu “Liêm hộ” (khắc lại theo nội dung bia được lập từ thời Nguyễn) của ông tiền hiền tộc Ung - làng Chiên Đàn.
Nhà bia và tấm bia có ghi hiệu “Liêm hộ” (khắc lại theo nội dung bia được lập từ thời Nguyễn) của ông tiền hiền tộc Ung - làng Chiên Đàn.

Lê Quý Đôn đã giải thích về thuộc như sau: “Họ Nguyễn mở mang cõi Nam, đặt ra phủ, huyện. Các nơi gần núi rừng, dọc sông biển thường đặt làm thuộc cho các phường, thôn, nậu lẻ tẻ lệ vào; đặt nhân viên coi ốp, cũng giống như các tổng (NV nhấn mạnh); có chỗ thu thóc tô ruộng, có chỗ thu tiền nạp thay, khi làm sổ tuyển đinh, số dân có thể biết được, phú thuế cũng nhiều, cũng là kỹ vậy! Nhưng không gồm các chức ấy (người phụ trách các thuộc - NV chú thích) vào quan địa phương, lại cho thuộc về Nội phủ (phủ chúa Nguyễn - NV chú thích), đặt nhiều cai tri, đốc thúc nhiều cách” (PBTL bản dịch, NXB Khoa học, Hà Nội 1964, tr. 156).

PBTL cũng cho biết số lượng các thuộc trên toàn xứ Quảng Nam thời các chúa Nguyễn xưa (từ Quảng Nam đến Bình Thuận hiện nay - NV), gồm: “Năm thứ 7(?), tra xét các phủ xứ Quảng Nam, những thuộc mới đặt chưa định chức lệ như phủ Thăng Hoa 15 thuộc và phường, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 12 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc và phường” (sđd tr.155). Căn cứ vào ghi chép trên thì “thuộc” (属) là một dạng đơn vị hành chính đặc biệt - tương đương với đơn vị “tổng”(總). Thuộc chỉ mới được lập và đặt tên từ khi các chúa Nguyễn khởi nghiệp (thế kỷ 17) về sau.

Liên hệ với tên các xã thôn ở riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam xưa hiện còn dấu vết địa danh, có thể thấy rõ hình thức quy tụ dân cư dựa theo nghề nghiệp của thuộc. Xin nêu một số dẫn chứng:

- Thuộc Hà bạc quy tụ dân cư vùng ven biển từ cửa Đại đến cửa An Hòa. Trong 30 xã, 13 thôn của thuộc này được PBTL ghi lại, có nhiều tên làng ven sông, biển mà đa số cư dân bao đời hành nghề đánh bắt thủy sản và làm mắm, làm muối; các làng này đến trước 1945 vẫn còn giữ nguyên tên như Văn Úc, Vân Đông, Đế Võng (vùng Hội An - Duy Xuyên); Tỉnh Thủy, Hòa Thanh, Phú Quý (vùng Tam Kỳ); Diêm Điền, Ngao Tân, An Hòa (vùng Núi Thành)…

- Thuộc Thương nhân Hội tân gồm 11 phường, 1 xã, 11 thôn, 19 man (man: chỉ vùng có chợ ven sông tập trung nhiều thuyền ghe buôn bán - NV), gồm nhiều hộ hành nghề buôn bán mà đến trước 1945 vẫn còn nhận ra tên một số nơi như các man Hương An, Trung An, Trung Phước (Quế Sơn), Bàn Thạch (Tam Kỳ) hoặc xã Diêm Điền (Núi Thành)…

- Thuộc Hoa châu gồm 58 thôn, 1 phường, 2 giáp, 3 châu, tập trung số đông dân hành nghề ươm tơ dệt lụa với một số tên thôn xã ven sông Thu Bồn mà đến nay còn được nhiều người biết đến như Thi Lai, Giảng Hòa, Giao Thủy, Mã Châu, Thanh Châu, Trà Nhiêu…

- Thuộc Nội phủ Kim hộ gồm 141 xã, 41 thôn, 2 phường với nhiều địa danh bắt đầu bằng từ “Vi tử” (còn gọi là nội vi tử); như ở vùng ven các nhánh sông Tam Kỳ có vi tử Thạch Kiều, vi tử Khương Mỹ, vi tử Tam Kỳ, vi tử Phú Quý thượng. ..

Qua các tra cứu trên, có thể thấy thuộc là đơn vị hành chính xác lập trên cơ sở hoạt động kinh tế. Sự liên kết của cộng đồng dân cư trong thuộc dựa vào nghề nghiệp. Cố nhiên, trong phạm vi quản lý của thuộc vẫn có khá đông đơn vị xã thôn làm nông và nạp thuế bằng lúa gạo.

Tấm bia có chữ “Liêm hộ” trên trán bia (được khắc lại theo nội dung bia cũ lập vào thời Nguyễn) được dựng tại mộ ông tiền hiền họ Ung làng Chiên Đàn (tọa lạc ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Ảnh: Phú Bình
Tấm bia có chữ “Liêm hộ” trên trán bia (được khắc lại theo nội dung bia cũ lập vào thời Nguyễn) được dựng tại mộ ông tiền hiền họ Ung làng Chiên Đàn (tọa lạc ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Ảnh: Phú Bình

Kim hộ thuộc

Dạng thuộc đặc biệt ở Quảng Nam được sử sách nhắc đến nhiều là Kim hộ thuộc          (金户属), sau này do kỵ húy tên ông tổ các chúa Nguyễn là Nguyễn Kim nên đã được gọi trại và viết trại là “Liêm hộ thuộc” (廉戶属). Đó là các hộ khai thác vàng ở các sông, suối đầu nguồn Ô Da, Thu Bồn, Lỗ Đông, Chiên Đàn... PBTL mô tả “Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ, gọi là thuộc kim hộ, mỗi thuộc hơn 40 thôn phường, được miễn suất lính, cho đi lấy vàng” (sđd tr. 246). “Dân thuộc đến đầu núi, tìm thấy mạch, đào lấy đất, làm nhà để che, chứa đất thành đống, múc nước giội vào, chỗ đất đào sâu đến hơn nghìn thước. Rửa đãi một ngày, thường được vàng vụn đầy một bong bóng trâu, nộp vào trường để nấu đúc” (sđd tr. 248). Chi tiết nhất vẫn là những ghi chép của PBTL về các khoản thuế mà các thuộc kim hộ phủ Thăng Hoa (vùng nguồn Chiên Đàn) cùng các kim hộ xã Đức Hòa “biệt nạp” (nay ở phạm vi xã Tam Xuân và xã Tam Lãnh, Núi Thành - vùng có mỏ vàng Bồng Miêu). Qua các khoản ấy, ta có thể hình dung hoạt động của người Hà Đông - Tam Kỳ xưa đi khai thác vàng một cách rõ ràng.

Do không có nhiều đất để sản xuất, sông thì ngắn khó thể đánh cá, rừng thì xa, nhiều thú dữ, lại không muốn đụng chạm với vùng có người dân tộc thiểu số, lại không muốn đi lính, đa số dân vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa chỉ có một chọn lựa là sung vào kim hộ. Họ đi “bòn vàng” quanh năm. Trước khi xuất hành phải trai giới, cầu cúng ở các linh miếu, đến chỗ khai thác phải cúng “khai kim huyệt”, nếu không đạt phải cúng “khai” tiếp. Gặp đúng mạch vàng phải cúng “tạ kim huyệt”. Xong một đợt khai thác thì “cúng tạ trường (vàng)”. Thu được “bong bóng trâu” nào thì nộp ngay cho người phụ trách vào luyện nấu tại chỗ. Dân kim hộ phải đóng nhiều khoản: nào tiền “lễ tạ trường”, tiền “phu các chức”, tiền “tạ các linh miếu”, tiền “lễ khai kim huyệt vào ngày Xuân thủ”, tiền “sửa sang các miếu Dương Đàn và Trà Cam” – đây được cho là 2 ngôi miếu rất linh ứng, thường mang may mắn cho dân kim hộ. Rồi đến  tiền “lễ lệ các nha”, tiền “suất sưu phát về các vụ” lại thêm tiền “đi thuyền”, tiền “gánh đệ hòm vàng”, tiền “đài thuê”… Đó là chưa kể số gạo “dự tiết liệu” phải “nộp biếu” hoặc dùng cho khi “khai kim huyệt”, “cáo thần từ” hoặc sung vào khoản “lương ăn phát cho các nha” hoặc “phát cho thuyền buôn chở thuế”… (sđd tr.246).

Xem thế đủ thấy dân làm vàng xưa đóng nhiều khoản thuế đến thế nào! Bởi vậy, ở vi tử bảo cấp Chiên Đàn thuộc Nội phủ kim hộ xưa mà sách PBTL có ghi danh (sđd tr.87), sau là làng Chiên Đàn (nay là xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), còn lưu truyền câu ca nói về sự phân vân của cô gái làng này đến tuổi lấy chồng: “Thân em lưỡng lự đôi đàng/ dân khách ngại lính, dân vàng thuế cao”. Cũng tại làng Chiên Đàn, trên bia mộ vị tiền hiền tộc Ung có ghi hiệu là “Liêm hộ”. Chi tiết này cho thấy, ngay từ buổi đầu kiến lập xã hiệu, đã có người cũ (Chăm) ở lại, chung sống cùng người mới (Việt) và tham gia khai thác vàng - một hoạt động sở trường của người Chăm xưa tại vùng Bồng Miêu và phụ cận.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về các "thuộc" và "Kim hộ thuộc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO