Vẻ đẹp thời trang ASEAN

TẤN VỊNH 27/08/2017 09:56

Các nước Đông Nam Á đang ngày càng mở rộng hoạt động giao lưu văn hóa ở quy mô khu vực để giới thiệu cho bạn bè, các nước láng giềng những nét đặc sắc của di sản văn hóa đất nước mình.

Trang phục bằng vải batik của Indonesia.
Trang phục bằng vải batik của Indonesia.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng trong lĩnh vực thời trang của các nước Đông Nam Á trong chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại. Các nước Asean vốn là vùng giàu có về di sản thời trang. Các quốc gia Đông Nam Á có nghề dệt hình thành, phát triển lâu đời với nhiều kỹ thuật dệt và trang trí hoa văn khác nhau như Batik (là một tấm vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống), Ikat (tạo hoa văn bằng nhuộm màu trên vải), Songket (kỹ thuật dệt bổ sung bằng sợi ngang)... Đặc biệt, người thợ dệt sử dụng nhiều loại khung, trong đó “khung dệt dùng sức căng của cơ thể” (body-tention loom) là khung dệt nguyên thủy, cổ xưa nhất của nhân loại mà đến nay nhiều tộc người ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các bộ tộc ở Nam Lào, các tộc người  phía bắc Philippines vẫn còn sử dụng để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm.

Vũ nữ Thái Lan trong sắc phục truyền thống.
Vũ nữ Thái Lan trong sắc phục truyền thống.

Các cô gái Indonesia rất tự hào về di sản trang phục Batik và kỹ thuật Batik. Đây là cách nhuộm vải với chất cản màu bằng sáp được vẽ lên tấm vải trước khi được đem nhuộm để tạo ra các hoa văn, họa tiết, hình ảnh… Để vẽ sáp lên vải, người ta dùng một công cụ nhỏ bằng đồng chứa sáp ong nóng có vòi thon và dài trông giống như cây bút có ô chứa mực trên thân bút gọi là canting. Batik Iidonesia vẫn là duy nhất và không một loại Batik ở bất kỳ nơi nào khác có thể sánh nổi. Vẻ đẹp và chất lượng của Batik Indonesia là tặng vật của sự nhẫn nại và sáng tạo của những người phụ nữ đảo Java. Batik như được đánh giá, là đồ dệt tinh túy nhất của đất nước Indonesia. Sản phẩm Batik Indonesia là độc nhất vô nhị về sự tráng lệ và trang trọng, phong phú và đa dạng, tinh xảo và thanh tú của chất lượng màu sắc và hoa văn trang trí. Truyền thống Batik đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả quốc đảo lớn nhất hành tinh Indonesia. Batik cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vừa qua, tại cuộc thi hoa hậu các nước Asean (Miss Asean Friendship 2017) do Việt Nam đăng cai, các thí sinh của Indonesia đến từ ba hòn đảo khác nhau của của quốc gia vạn đảo này, đó là đảo Sumatra, Java và Bali đã giới thiệu đến công chúng Việt Nam nét đặc trưng, phong phú của di sản văn hóa phản ánh qua trang phục truyền thống.

Thiếu nữ các dân tộc Myanmar trong sắc phục truyền thống.
Thiếu nữ các dân tộc Myanmar trong sắc phục truyền thống.

Ngoài bộ trang phục điển hình của người Lào Lùm, trang phục của các bộ tộc Lào như Phụ Noi, Phụ Thay, Tay Đăm, Lư Pa U, A Xa, La Ve Lao Thơng, Lào Xung Mông, Mơi... có nét tương đồng với trang phục các dân tộc ít người ở Việt Nam. Đặc biệt, vẻ đẹp của di sản thời trang Lào Lùm cùng với điệu múa lăm vông là tinh hoa của người Lào được mang đến với xứ Quảng và miền Trung trong những dịp giao lưu văn hóa. Còn Myanmar - đất nước với hơn 100 sắc tộc được xem là một trong những quốc gia giàu có về di sản thời trang của vùng Đông Nam Á. Tại các kỳ lễ hội ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế..., công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sắc phục của các dân tộc như Mon, Chin, Lisu, Rakhaing, Pangwa Lisu, Khachin..., đặc biệt là trang phục của dân tộc Bhamar chiếm 65% dân số Myanmar với 60 triệu người.

Malaysia, Thái Lan là các nước mà kỹ thuật dệt Ikat, Song két phổ biến. Theo dân gian, Ikat là kỹ thuật “nhuộm bao sợi”, người ta dùng xơ vỏ cây hoặc sợi nilon buộc bao xung quanh bó sợi ở những đoạn khác nhau rồi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt màu. Quy trình bao - nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc, làm cho tấm vải có vẻ đẹp độc đáo, nhất là ở các đường biên. Sản phẩm vải dệt Songket làm từ vỏ bắp của đất nước Malaysia khá tinh xảo, mềm mại, bền chắc. Malaysia đã mang đến Việt Nam những nét tinh hoa, đặc sắc của di sản thời trang, đó là bộ trang sức bằng chất liệu bạc thể hiện tài năng chế tác của thợ thủ công, sự tinh tế trong trang điểm, nét hài hòa giữa trang sức và cơ thể.  

Di sản thời trang chính là tài nguyên của các nước Asean trong sân chơi hội nhập quốc tế, làm cho bức tranh văn hóa của khu vực thêm rực rỡ, tươi tắn sắc màu. Trình diễn thời trang, sắc phục truyền thống kết hợp với nghệ thuật diễn xướng trên đường phố (carnaval) là dấu ấn trong các hoạt động giao lưu văn hóa khu vực. Đặc biệt, cuộc trình diễn trang phục truyền thống quy mô nhất, đẹp nhất trong cuộc thi Hoa hậu Asean vừa qua tại Việt Nam đã mang lại ấn tượng khó quên trong công chúng về sắc màu di sản thời trang nói riêng và di sản văn hóa của các nước trong Cộng đồng Đông Nam Á.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẻ đẹp thời trang ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO