Du ngoạn giữa trời mây, sông núi xứ Quảng, thăm thú miệt vườn xanh mướt Đại Bình, ngược dòng Thu Bồn về Hòn Kẽm giữa mùa hè oi ả, nghe bình yên giữa thiên nhiên, sông núi nghìn trùng.
Từ Đà Nẵng, khách du đi dọc đường ĐT609B đến Đại Lộc, qua cầu Giao Thủy, rồi theo tuyến ĐT 610 ngang đèo Phường Rạnh nối Duy Xuyên - Nông Sơn sẽ có dịp ngắm bao quát cả dòng sông Thu uốn khúc, trữ tình bên những ngôi làng đẹp mộc mạc, mướt màu xanh. Cầu Giao Thủy nối liền đôi bờ cách trở, nhất là khi con đèo Phường Rạnh đã được trải thảm nhựa, nối liền Duy Xuyên - Nông Sơn thì việc ngược nguồn sông mẹ càng trở nên thơ mộng.
Từ sớm tinh mơ, chúng tôi đi chầm chậm để được nhìn ngắm sương đêm hãy còn giăng trên ngọn cỏ cây, ngắm dòng sông Thu lượn lờ, êm ả, uốn mình bao bọc những dãy núi, xóm làng và bờ bãi, có đoạn lộ ra những bờ cát trắng phau. Lòng sông soi bóng trời hồng khi bình minh vừa ló dạng, đẹp như bức tranh thủy mạc.
Làng Trung An (hay Khương Quế, xã Quế Trung, Nông Sơn) mấy năm trước hãy còn bị cô lập với bốn mặt là núi, là đèo, là sông, đường đến làng ba bề, bốn mặt chỉ thấy núi và núi, nay đã đổi khác nhiều.
Chúng tôi ghé Dinh Bà ở Trung An uy nghi, trải qua nhiều đợt trùng tu khang trang, cổng dinh bằng đá dạng mái vòm có tuổi đến hơn 500 năm, hướng ra sông Thu, con nước hiền hòa, bốn mùa luôn đón những đợt gió sông mát rượi. Rồi thong thả nghe các già làng kể về truyền thuyết Mẹ Thu Bồn.
Bây giờ, những đêm trăng sáng hay những dịp sắp đến ngày vía Bà, người làng còn nghe những tiếng động lớn phát ra từ hướng Dinh Bà trên núi. Có người còn kể, nhìn thấy đốm lửa thiêng bay từ Dinh Bà về phía núi Hòn Đền, Hòn Nhạn thâm u...
Chúng tôi đến bến đò Trung Phước, đi đò ngang sang ốc đảo Đại Bình để thưởng thức thiên nhiên trong lành, nhìn ngắm cây trái sum suê ở nơi mệnh danh miệt vườn Nam Bộ giữa Quảng Nam. Sau khi dùng bữa trưa nhẹ tại vườn - các chủ vườn phục vụ đủ món đặc sản sông nước và món gà nổi tiếng, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Tý, Sé, Dùi Chiêng, Tứ Nhũ rồi đến bến sông, đi Hòn Kẽm. Hành trình này chỉ mất chừng 1 giờ xe máy và 15 phút phà, chẳng bù ngày trước phải đi đò dọc tốn kém thời gian. Từ xã Quế Lâm, đến bến đò Tứ Nhũ, chúng tôi bỏ xe máy, leo lên con phà to để đi Kẽm.
Càng về vùng thượng nguồn, sông càng tuyệt đẹp, những mảng núi bọc lấy sông, miên man, chẳng biết đâu là điểm khởi đầu, kết thúc. Thỉnh thoảng, những doi cát trắng phau nhô lên từ sóng nước, tinh khôi. Chiếc phà lướt chậm qua những mỏm đá trơ trụi, sắc nhọn như răng mèo, có đoạn vách đá dựng cheo leo mà mỗi thớ đá là những trầm tích luôn cần lời giải đáp. Nơi vùng Trà Linh, vùng Kẽm, Nông Sơn và Hiệp Đức cũng lưu truyền huyền tích Dinh Bà Trà Linh, tương tự như huyền tích Dinh Bà Thu Bồn.
Bến Trà Linh vùng Hiệp Đức vẫn còn lưu dấu ngôi miếu Bà, quay mặt ra sông rộng. Ngắm sông nơi Kẽm, dễ lạc vào thế giới cổ tích với những câu chuyện kể về tảng đá khắc chữ Phạn dưới chân núi đã bị chìm dưới sông, về đỉnh Bàn Cờ - nơi các tiên ông say sưa với trận cờ, chẳng màng thế sự. Chiều về, những ngư ông từ thuyền câu nhỏ, quăng lưới chài, để rồi những con cá sông Thu mắc lưới tươi rói, thân bạc trắng, nằm sóng soãi trên mạn thuyền.
Quay mặt nhìn lại Hòn Kẽm, nơi hai đỉnh núi xích lại nhau trong miền xanh thẳm mà mỗi chiều tà hay mỗi sớm mai, sương giăng trắng xóa, mới thấy thiên nhiên tuyệt diệu vô cùng, ẩn giấu bao điều bí ẩn. Nơi bến Trà Linh, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức khách du có thể cắm sào trên bến vắng một đêm, tổ chức đốt lửa trại, nghêu ngao hát giữa vằng vặc trăng dát vàng sóng nước đầu nguồn Thu Bồn...