Vẹn nghĩa với đồng đội

TÂM PHÚC 07/01/2015 08:56

Bằng tấm lòng và tinh thần của một người trở về từ chiến trận, nhiều năm qua, cô Phan Thị Oanh (tên thường gọi là Kim Anh, ở tổ 3 thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) đã tìm kiếm mộ phần, xác minh thông tin để kết nối với gia đình liệt sĩ. Cô tâm niệm rằng, dù hành trình tìm kiếm có gian khổ đến đâu vẫn sẽ tiếp tục để trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội đã nằm xuống.

Ước nguyện

Từng làm công tác quân y tại Tiểu đoàn 20, Sư đoàn 2, Quân khu 5, sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, năm 1976 cô Kim Anh (SN 1943) chuyển ngành về bộ phận hành chính quản trị Công ty Vật tư nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng kiêm phụ trách công tác y tế đơn vị. Từ sau khi nghỉ hưu (năm 1989), hình ảnh của những năm tháng chiến đấu, tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội lại ùa về trong cô. Thêm vào đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết rằng hàng ngày vẫn đang có nhiều thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ với bao khó khăn, cực khổ đã thôi thúc cô phải làm một việc gì đó cho đồng đội của mình. Sau nhiều năm trăn trở, đến năm 2009, khi cuộc sống gia đình tạm ổn định, được người thân ủng hộ, cô Kim Anh bắt đầu thực hiện ước nguyện của mình với hành trình tìm kiếm, xác minh và kết nối thông tin liệt sĩ.

Có những chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phải vào tận rừng sâu, dầm trong mưa gió, nhưng cô Kim Anh chia sẻ, dù có gian khổ đến đâu vẫn sẽ tiếp tục để trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội đã nằm xuống (ảnh chụp lại từ an-bum).
Có những chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phải vào tận rừng sâu, dầm trong mưa gió, nhưng cô Kim Anh chia sẻ, dù có gian khổ đến đâu vẫn sẽ tiếp tục để trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội đã nằm xuống (ảnh chụp lại từ an-bum).

Thời gian đầu, chỉ với chiếc xe đạp cũ, cô đã đi khắp các nghĩa trang và đến các ủy ban xã trên địa bàn tỉnh để ghi chép thông tin về phần mộ các liệt sĩ còn khuyết thông tin hoặc chưa có thân nhân nhận. Có những chuyến dài ngày đi dò tìm ở miền núi, hoặc sang những cánh rừng của nước bạn Lào, gặp lúc mưa gió đường đồi núi trơn trượt, nhưng cô vẫn sẵn lòng. Với cô, được thắp nén nhang thơm, đưa các đồng đội trở về là niềm hạnh phúc.

Sau khi tìm kiếm được thông tin về phần mộ các liệt sĩ còn khuyết danh, cô cẩn thận ghi chép, rồi liên hệ gặp cán bộ xã, cán bộ ngành LĐ-TB&XH để đối chiếu so sánh giấy tờ. Nếu thông tin vẫn chưa đầy đủ, cô tìm gặp đồng đội để hỏi thăm tin tức, tra cứu hồ sơ lưu trữ của đơn vị, hoặc ra quân khu xin trích lục hồ sơ liệt sĩ. Đến khi mọi thứ đã rõ ràng, xác định được danh tính mộ phần liệt sĩ, cô phối hợp với chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để thông báo cho thân nhân liệt sĩ. Không những thế, mỗi một liệt sĩ xác minh thành công, khi thân nhân vào cô đều tổ chức đưa đón chu đáo, lo nơi ăn chốn ở, cùng gia đình đi đến các cơ quan làm thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ… Bằng tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết của bản thân cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền các địa phương, cộng với sự ủng hộ tinh thần hết mình từ gia đình, đến nay cô Kim Anh đã xác minh kết nối thông tin cho hơn 50 gia đình liệt sĩ.

Phút nghỉ chân của cô Kim Anh cùng đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ Việt, Xuân, Lộc vào năm 2013 trên núi Chàm, Hiệp Thuận, Hiệp Đức (ảnh chụp lại từ an-bum).
Phút nghỉ chân của cô Kim Anh cùng đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ Việt, Xuân, Lộc vào năm 2013 trên núi Chàm, Hiệp Thuận, Hiệp Đức (ảnh chụp lại từ an-bum).

Ký ức hành trình

Kể về kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tìm kiếm liệt sĩ của mình, cô Kim Anh bùi ngùi nhớ lại trường hợp các liệt sĩ Việt, Thái, Hùng, Lộc ở đơn vị thông tin Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Năm 1967, khi các chiến sĩ trên cùng một đồng đội tên Thạnh hành quân về đến núi Chàm (thuộc xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn; nay là xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức) thì bị bom thả trúng hầm. Chỉ có chiến sĩ Thạnh còn sống, các chiến sĩ hy sinh được đơn vị mai táng cách hầm 100m. Năm 2009, liệt sĩ Hùng được gia đình cất bốc hài cốt đưa về quê, các liệt sĩ Việt, Thái, Lộc vẫn còn nằm trên đỉnh núi. Đầu tháng 7.2011, trong lần gặp mặt lực lượng quân y Sư đoàn 2, cô được đồng đội thông tin về trường hợp 3 liệt sĩ hy sinh ở núi Chàm vẫn chưa được quy tập. Không ngần ngại, cô hứa sẽ xác minh thông tin, truy tìm thân nhân các liệt sĩ để quy tập hài cốt.

Ngay sau đó, một mặt cô báo với huyện đội, xã đội về trường hợp 3 liệt sĩ vẫn còn nằm trên núi Chàm, mặt khác đi xác minh thông tin từ các cựu chiến binh và ra phòng chính sách Quân khu 5 xin giải mã phiên hiệu. Từ đó cô đã tìm ra và báo cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt, Võ Văn Thái từ miền Bắc vào kết hợp cùng quy tập. Ngày 28.7.2013, cô cùng thân nhân các liệt sĩ lên đường tìm kiếm, quy tập hài cốt, nhưng hôm ấy trời mưa gió, không có người dẫn đường nên chuyến đi không thu được kết quả. Lần thứ hai, vào ngày 25.9.2013, cô cùng thân nhân các liệt sĩ lại tổ chức tìm kiếm, lần đi này có cán bộ huyện đội, xã đội, có người dẫn đường. Hôm ấy trời lại mưa, đường núi trơn trượt, đến 12 giờ trưa thì tới địa điểm chôn cất, 3 ngôi mộ vẫn còn nấm. Sau nén nhang thắp cho vong linh các liệt sĩ, mọi người tiến hành bốc mộ trong niềm xúc động của gia đình, đồng đội.

Câu chuyện của tấm lòng

Một câu chuyện sâu đậm khác là trường hợp 11 liệt sĩ đơn vị D14, E368, F2 hy sinh tháng 12.1965 an táng ở ngoài nghĩa trang, đến năm 1976 người dân bàn giao cho chính quyền xã. Năm 1983 có 9 trong số 11 liệt sĩ được quy tập vào nghĩa trang. Tuy nhiên thông tin về các liệt sĩ bị khuyết, sai lệch nhiều như: liệt sĩ Nguyễn Đình Bầu bia mộ ghi Nguyễn Đình Bằng, liệt sĩ Phạm Khánh Long bia mộ ghi Nguyễn Văn Long… Và hành trình cô Kim Anh xác minh trả lại đúng danh tính các liệt sĩ, kết nối với thân nhân là câu chuyện của tấm lòng nghĩa tình cao cả.

Để đảm bảo đạt mục tiêu hoàn thành việc xác định ADN 10.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vào năm 2015 và 70.000 hài cốt vào năm 2020 theo đề án cấp nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), Chính phủ đã đồng ý đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng 2 trung tâm giám định ADN thuộc Bộ Công an (tổng mức đầu tư dự kiến 285 tỷ đồng) và Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam (229 tỷ đồng). Được biết, năm 2013, các cơ sở giám định thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam chỉ giám định có kết quả được 285 trong số 292 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Vì vậy, nếu không đầu tư cho các cơ sở giám định sẽ không hoàn thành mục tiêu của Đề án 150.

Khởi đầu hành trình, cô Kim Anh ra nghĩa trang ghi chép cụ thể thông tin mộ chí, rồi đi hỏi thăm các đồng đội về trường hợp hy sinh của các liệt sĩ. Tuy nhiên, thông tin thu được quá ít, cô tìm người đã bàn giao mộ chí cho xã để nắm thêm nhưng cũng không thu được kết quả. Tìm gặp cán bộ xã thời bấy giờ, người thì đã mất, người còn sống lại không nhớ được gì… Về nhà, cô trăn trở và tự nhủ phải xác minh bằng được cụm 9 mộ liệt sĩ vì đã gần 50 năm trôi qua, đồng đội vẫn nằm đây, thông tin trên bia mộ chưa chính xác, chưa có thân nhân nhận.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô quyết định đi tìm manh mối từ những tư liệu lưu trữ lâu năm ở xã. Và khi tìm kiếm trong hàng nghìn tư liệu, may mắn thay cô đã tìm được biên bản bàn giao các mộ liệt sĩ từ năm 1976. Dù hồ sơ đã có phần mục nát nhưng cũng đủ cung cấp cho cô thông tin về tên tuổi, quê quán các liệt sĩ, biết được các liệt sĩ thuộc đơn vị D14, E368, F2, hy sinh ngày 9 và 10.12.1965. Để tránh sai sót, cô cùng đồng đội tra cứu, so sánh thông tin trong hồ sơ lưu trữ của đơn vị D14 và kết quả thật đáng mừng, cô đã xác định chính xác 8 liệt sĩ trong số 9 ngôi mộ. Vậy là cô bắt đầu tổng hợp kết quả xác minh rồi viết thư và tìm cách báo về địa phương, gia đình để thân nhân liệt sĩ biết và phối hợp cùng đính chính, bổ sung thông tin. Những trường hợp không kết nối được với thân nhân, cô liên hệ chương trình truyền hình “Trở về từ ký ức” nhờ phối hợp tìm kiếm. Sau quá trình xác minh, 5 liệt sĩ sai thông tin, sai tên trên bia mộ đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh đồng ý đính chính, bổ sung…

Những câu chuyện trên chỉ là ví dụ trong số hơn 50 trường hợp cô Kim Anh đã xác minh, kết nối thông tin thành công trên hành trình nghĩa tình của mình. Cô tâm sự rằng, chỉ cần còn sức khỏe vẫn sẽ tiếp tục đi tìm kiếm đồng đội. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô là đồng đội được trả lại đúng tên, được về với quê hương, gia đình…

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẹn nghĩa với đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO