(VHQN) - Hình ảnh chôn cất trên sông nước từng thoáng hiện ở vài bộ phim mô tả sinh hoạt của người miền Bắc và miền Nam, cho dù không hẳn mô tả về tục thủy táng. Còn ở miền Trung, liệu có tìm thấy “dấu vết” nào đó trong những câu chuyện văn hóa, chuyện kể dân gian?
1. Hẳn nhiều khán giả vẫn còn nhớ những phân cảnh xúc động trong phim “Lời nguyền của dòng sông” (đạo diễn Khải Hưng, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) phát sóng lần đầu vào năm 1992.
Ở một miền quê Bắc Bộ, có gia đình ông Lư sống trên thuyền. Ngày nọ, vợ qua đời do dịch bệnh, ông muốn đưa lên bờ chôn cất nhưng bị phía dòng họ Nguyễn (những người nắm quyền cai quản đất trên bờ) xua đuổi, đành chôn dưới lòng sông…
Ở phương Nam, mở đầu và kết thúc phim “Mùa len trâu” (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, chuyển thể từ truyện của nhà văn Sơn Nam) cũng thấp thoáng chuyện an táng hồi đầu thế kỷ 20, với hình ảnh sợi dây cột vào chiếc cối xay.
Chiếc cối xay này là gia sản của bà Hai, được dùng để “níu” thi thể người chết không bị dòng nước cuốn trôi đi. Người chết là cha của anh Kìm. Những ngày người cha đau ốm trước khi qua đời, hai cha con họ từng sống trên thuyền ở U Minh. Ở vùng đất phương Nam, vào mùa nước nổi, đến lũ trâu cũng phải được lùa đi nơi khác tìm cỏ để ăn (len trâu) thì chuyện chôn cất sẽ rất bức bí…
Dù những hình ảnh ấy chỉ thoáng qua thế thôi, và không hẳn là “thủy táng”, nhiều người khi bàn đến tục thủy táng của người Chăm ở An Giang thuở xưa cũng nhắc lại. Nhưng đó là chuyện cũ, bởi ở búng Bình Thiên (búng là hồ, đầm), nơi mệnh danh “hồ nước trời” gần biên giới Campuchia từng được cho là nơi người Chăm thủy táng, bây giờ trở thành thắng cảnh hấp dẫn…
Cũng trong trường liên tưởng đó, liệu có “dấu vết” nào tương tự đã thấp thoáng trong những câu chuyện văn hóa hay chuyện kể dân gian xứ Quảng?
2. Câu hỏi này, chúng tôi đặt ra với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), tác giả bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng” (4 tập, vừa được chỉnh lý và do NXB Văn học ấn hành hồi năm 2018). Rất nhiều câu chuyện kể từ miền núi, đồng bằng và miền biển được công bố trong công trình nghiên cứu dày hơn 2.000 trang, nên ông nắm giữ nhiều tư liệu và ký ức liên quan sau nhiều năm điền dã, ghi chép.
Ở tập 2 (Truyện cổ dân gian người Việt miền xuôi), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn chép câu chuyện cổ tích “Chống nữ thần Phường Chào”. Chuyện rằng, ở vùng Phường Chào (huyện Đại Lộc), có cô gái rất đẹp nhưng khi sinh ra đã tật nguyền, nằm bất động. Năm cô 17 tuổi, một ngày nọ, người cha treo buồng chuối chín tít trên xà nhà ngay giường cô gái trước khi ra đồng.
Vội quay về vì quên chiếc rựa, người cha sững sờ trước cảnh cô gái nằm trên giường nhưng cánh tay vẫn vươn đến xà nhà để bẻ chuối ăn. Kinh sợ và nghĩ con gái mình là hiện thân của ma quỷ, ông vung rựa chặt đứt cánh tay cô gái. Lúc đó, trời đất bỗng dưng nổi dông tố, trong tiếng gió gầm rú nghe thấy có tiếng thét chói tai vang xa hàng mấy dặm. Lát sau, dông tố tan, cô gái cũng biến mất…
Kể từ đó, những chuyện rắc rối, phá phách liên quan đến cô gái liên tiếp xảy ra, thậm chí xuất hiện tận kinh đô. Vua bèn sai lập đền thờ cho thần Phường Chào. Nhưng rồi, nhiều người dân địa phương bất bình tìm cách chống phá nữ thần ấy…
Sang đến tập 3 (Miền biển), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn khảo tả chi tiết về lễ hội Bà chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), nơi có đền thờ của bà Phường Chào ở Đại Lộc. Sau khi mất, trong lần vân du qua thôn Phúc Toàn (nay là Phước Ấm, xã Bình Triều), bà thấy phong vật hữu tình liền dùng pháp thuật hiển linh lập ra ngôi chợ. Dân sở tại sau này gọi là chợ Được, vì “tự nhiên mà có được chợ”.
Theo Thần phả viết ngày 20 tháng Chạp năm Khải Định thứ tư (1919), bà Phường Chào có danh tính cụ thể, tục danh Nguyễn Thị Của, sinh năm 1799 (triều Cảnh Hưng thứ 39, nhà Lê) tại phủ Điện Bàn, thân phụ làm quan dưới triều Lê. Bà bị liệt toàn thân, tương truyền là không có xương sống, quy tiên năm 18 tuổi theo truyền thuyết dân gian. Thần phả thì ghi rõ bà mất năm Đinh Sửu, Gia Long thứ 16 (năm 1818). Do bà hiển linh nên được triều đình sắc phong, dân chúng thờ tự, định ngày lễ hội.
Mộ của bà ban đầu an táng tại Phường Chào (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), sau khi cho đào xong sông Ái Nghĩa, quan Tổng đốc Nguyễn Công Hướng thấy mộ bà sát bờ sông sợ bị sạt lở nên lập đàn xin dời về gò Mùn, thị trấn Ái Nghĩa. Khoảng 8 năm sau, địa phương quyên góp xây lăng mộ…
3. Vậy dấu vết “thủy táng” ở đâu?
Hai câu chuyện mà chúng tôi vừa dẫn chỉ để độc giả đối chiếu, nhận rõ sự khác biệt giữa câu chuyện cổ tích và sự tích ghi trong Thần phả. “Dấu vết” cần tìm, nếu có, nằm trong chuyện cổ tích nhưng không hiển hiện trên văn bản. Nói cách khác, “dấu vết” ấy đã bị lược bỏ.
Cần xác định từ đầu, về tục thủy táng của người Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn khẳng định “rất ít thấy” và cho rằng tục ấy vốn dĩ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cổ. Với người Việt, hầu hết là địa táng, sau này có thêm tục hỏa thiêu do ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ.
Chuyện “Chống nữ thần Phường Chào” được ông ghi nhận trong chuyến điền dã năm 1982, qua lời kể dân gian ở vùng đông Thăng Bình và ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên)… Khi in thành sách, ông bỏ đi những chi tiết “lạ”.
Đúng 40 năm sau, ông chia sẻ với chúng tôi về những gì chưa xuất hiện trên trang sách: “Thật ra, sau khi cơn gió nổi lên, cô gái biến mất. Sáng hôm sau, người ta thấy ngoài dòng sông trước nhà cô có đóa hoa màu vàng trôi dần về xuôi… Khi viết lại, tôi đã lược bớt. Vì nếu thêm nhiều chi tiết hoang đường quá sẽ không thích hợp, nhất là chuyện cúng quảy, mê tín dị đoan… Hình ảnh hoa vàng trôi đi là hình ảnh mang tính biểu trưng cho một tập tục hiếm thấy”.
Có một lý do nữa khiến chi tiết “hoa vàng trôi sông” bị lược bỏ: nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn không muốn gián tiếp gợi nhắc đến hình thức trừng phạt bị dân làng cột trên bè chuối thả trôi sông, bởi lẽ quá tàn nhẫn.
*
* *
Sau này, Th.S Trần Hoàng (Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng) có dịp nhắc lại những ngày điền dã ở Quảng Nam những năm 80 của thế kỷ 20 và đề cập các công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn.
Từ hàng ngàn tư liệu mà cán bộ, sinh viên các thế hệ thu thập được, Th.S Trần Hoàng cho rằng truyền thuyết về địa danh xứ Quảng có pha chút màu sắc thần thoại và phần lớn đã cổ tích hóa, nhưng cũng nhờ thế mà gần với hiện thực, với con người hơn và đậm chất nhân văn hơn so với các thần thoại suy nguyên…
Nhận định này được Th.S Trần Hoàng nêu trong tham luận “Từ thực tế điền dã, thử phác họa một số nét lớn diện mạo văn học dân gian người Kinh ở đất Quảng” tại hội thảo Văn hóa Quảng Nam – những giá trị đặc trưng (năm 2001). Không thấy hé lộ thêm những chi tiết “lạ” và chuyện lược bỏ chúng.
Trên thực tế, những văn bản lưu truyền hiện tại đã đủ đầy ắp màu sắc thần thoại, đã sát với hiện thực và đặc biệt là đậm chất nhân văn rồi. Và rõ ràng tư liệu điền dã từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn “can thiệp”, lược bỏ đúng lúc… Nhưng dù sao, một khi chúng từng được lưu giữ trong ký ức dân gian (thông qua tư liệu điền dã), có nghĩa là đã có “dấu vết” của một tập tục nào đó từng được ghi nhận, hoặc dân gian từng mượn lối diễn đạt khác lạ để kể lại một câu chuyện cổ.