Thị trấn Lạc nằm lọt thỏm giữa núi. Một nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. San xuống xe lúc 6 giờ sáng không biết vì sao dừng ở chốn này. Từ cung đường đèo, phía xa xa hiện lên mấy nóc nhà trong mờ mịt sương. San gọi bác tài dừng lại, cứ như thể Lạc dành cho cô, từ rất lâu rồi.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Quét mắt qua balô con con cùng gương mặt thất thần của San, Bảy Sẹo chỉ tay hướng gió, nói tỉnh bơ: “Tư Bần kia, sống với bả tạm mấy ngày, con gái”. San theo chân người lạ, dấn bước về phía trước kiểu bản năng. Bà Tư Bần chạy lại, tiếp đó là chị Năm Xui, anh Hai Bạc, bác Chín Rá. Chẳng ai căn vặn San điều gì, chỉ cố ý đi thật sát để cô có thể dựa vào, nếu cần. Tiết trời se lạnh, Tư Bần khoát cho San cái áo len dày, lắc đầu vì cô mặc sơ mi phong thanh.
Thành phố, 2 giờ sáng, San ngồi tựa ghế sô pha, nghe một bản nhạc cũ. Ca phẫu thuật kéo dài mười hai tiếng đồng hồ khiến cô rã rời. Những ngày như thế, phải nghe nhạc San mới có thể chìm vào giấc ngủ. “Remember when I was young and so were you/ and time stood still/ and love was all we knew”, Alan Jacson đang hát bản Remember When. San vừa trải qua cuộc tình kéo dài mười năm, kết thúc vào một sớm ngay trước cổng bệnh viện nơi cô và Lâm cùng làm việc. Hồi còn ở trường y, tình yêu giữa hai người luôn là đề tài bàn tán của cả khoa.
Điện thoại reo vang. Nhìn dãy số của phòng cấp cứu hiện trên màn hình, San bật dậy ngay tấp lự. Chưa nghe hết câu “Một vụ tai nạn nghiêm trọng....”, cô đã khoác áo chạy ra tới cửa. Suốt những năm giảng đường cho đến khi trở thành bác sĩ nội trú, San luôn được các giáo sư hướng dẫn đánh giá cao, cả năng lực lẫn trách nhiệm. Cô đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực khi về Bệnh viện Đại học y Hy Vọng. Lâm cũng vậy, điều này khiến cả hai khắng khít hơn. Đồng nghiệp chắc mẫm hai người sẽ có đám cưới hoành tráng.
Hành lang bệnh viện chật kín người. Những tiếng khóc, tiếng kêu la và băng ca được đẩy vào liên tục. Có ai đó ào qua San, dáng quen quen, nhưng cô không đủ thời gian suy nghĩ. San chạy hết tốc lực, vạt áo blouse bay phần phật. Bác sĩ Khang, vị trưởng khoa ngoại, người San luôn ngưỡng mộ có mặt bên ngoài phòng phẫu thuật. San dừng lại trước mắt ông, lấy hơi. “Bệnh nhân bị vỡ tim do chấn thương lồng ngực. Chúng ta không thể làm gì được cho cậu ấy”, bác sĩ Khang thở ra. “Giá như cậu ấy được đưa tới sớm hơn...”, câu chốt của vị trưởng khoa làm San nhói lên từng chập, không biết can cớ gì.
San bắt gặp Lâm vuốt tóc một người con gái khác, rất nhẹ nhàng, rất ân cần. Cô im lặng. Lâm im lặng. Họ chia tay, không có nước mắt, không một lời trách móc, cũng không giải thích lý do. Khi bước vào tuổi trưởng thành, người ta không muốn giải thích nhiều nữa. Ngày Lâm chuyển đến bệnh viện khác, San chới với trên tầng thượng sau khi mỉm cười, nói một lời an lành: “Mong anh hạnh phúc”. Tim đau buốt mà nước mắt San không chảy.
Bách nằm trên chiếc drap trắng muốt, như người đang ngủ. Ba má Bách ngồi thụp hai bên giường. Thời gian dừng lại. Không gian đặc quánh. San lay cậu bằng tất cả sức lực của mình: “Dậy đi, Bách! Dậy đi, chị đây”. Chỉ có tiếng nấc nghẹn của bậc sinh thành đáp lại cô. San cầm dao mổ, bật máy điện tim. Cô quờ quạng trên người Bách. Đôi tay không chịu nghe lời San, cứ run mãi. Cô chạy ào ra ngoài, níu vạt áo bác sĩ Khang: “Xin thầy! Xin thầy cứu cậu ấy!”. Giọng cô lạc đi, tiếng được tiếng mất: “Mở ngực..., cưa xương ức, xé màng tim giải áp..., em xin thầy!”. “Muộn mất rồi, San!”, bác sĩ Khang ôm chặt San trong vòng tay rắn rỏi của mình, một hành động ông chưa từng làm với bất kỳ sinh viên y khoa hay đồng nghiệp nào. Kinh nghiệm làm việc ngót nghét ba mươi năm mách bảo ông rằng rồi đây phòng phẫu thuật sẽ vắng bóng một bác sĩ giỏi trong thời gian dài.
Hồi mới biết nhau, San mười hai tuổi, Bách mười một. Thời áo trắng, không thằng con trai nào lại gần San được, bởi luôn có Bách sát bên cô. San tin việc Bách hiện diện trong đời mình là hiển nhiên. Cậu đã lớn lên cùng San ở Rác, một con hẻm tồi tàn, nơi ngụ cư của những người tứ xứ. Cậu đèo San đi học trên chiếc xe đạp mini tậu được sau cả tháng lăn lộn công trường. Cậu đi cùng San qua hết thời thơ ấu, đã từng đánh nhau với bọn con trai cùng trường dám chọc ghẹo San. Hai chị em chia nhau từng cuốn tập, từng cây viết, từng củ khoai lang nướng dọc vỉa hè cho đến năm mười tám, San vào trường y, thêm một năm nữa, Bách học luật. Cả hai là niềm tự hào của Rác. Nghèo khó không thể ngăn những đứa trẻ lớn lên, học hành thật tử tế và thực hiện điều chúng ao ước. Nhận lời quen Lâm, San hí hửng nhắn cho Bách: “Nay người ta có đôi rồi nghen”. Cậu trả lời bằng biểu tượng mặt cười. Từ độ đó, giữa San và Bách bắt đầu hình thành một bức tường ngăn cách vô hình. Vì San, vì Bách, hay cả hai, cô không biết.
Đúng như lo lắng của bác sĩ Khang, hễ cầm dao mổ lên, đôi tay San lại run bần bật. Nữ bác sĩ nội trú duy nhất của Bệnh viện Đại học y Hy Vọng được nhắm lên nghiên cứu sinh, chuyển sang Pháp thực tập tại Bệnh viện Pitie Salpetriere danh tiếng, phút chốc chỉ còn là khối hình biết đi. “Không phải lỗi của em đâu, San”, lời ông như cơn gió tạt ngang, San không nghe thấy, cô đã thả mình rơi tự do xuống căn hầm tuyệt vọng.
Tư Bần đẩy về phía San chén cơm, bên trên có vài lát chả cá: “Ăn đi”. San đã ngồi lỳ trong góc tối ba ngày kể từ khi đặt chân vào nhà Tư Bần, ngay cả uống nước cũng không. Chủ nhà xắn tay áo, để lộ ra một vết rạch dài: “Tao từng cắt tay tự tử. Sống mới khó, chết thì dễ lắm con gái. Bây nhịn năm bảy bữa là xong”. Nói rồi bà xách nón lá, quầy quả ra vườn.
Còn lại một mình, San lục lọi ba lô. Bên trong chẳng có gì ngoài cuốn nhật ký của Bách. Má cậu trao lại cho San sau ngày hạ huyệt. San đọc, khóc, rồi lại đọc. “Em đã có người thương. Một người rất hợp với em. Biết vậy, mà đau”, dòng chữ ấy xô vào tim San như thác lũ. Phải chi San dành thời gian cho cậu nhiều hơn. Phải chi San đã không lắc đầu: “Chị bận” mỗi khi cậu rủ rê ra đường hít hà không khí. Phải chi San đã ủi an cậu thật nhiều, lắng nghe cậu thật nhiều. San đã có thời gian dành cho cả thế giới, trừ Bách. Ý nghĩ đó cứ dày vò San.
Bách gọi lúc sáng sớm, hỏi San mấy giờ xong ca trực. “Có ca phẫu thuật ngay bây giờ, mười tiếng là ít”, cô nói. Để chống lại những bức bối, tức giận và cả nỗi đau bị bội phản, San làm việc như điên. Rời phòng mổ với trạng thái gần như kiệt quệ, San quên béng lời hẹn gọi lại cho Bách. “Đi ăn thôi, bác sĩ”, giọng nói quen thuộc từ sau lưng làm San có chút bối rối vì cảm giác có lỗi. “Em tới sau phiên tòa, chưa lâu lắm đâu”, như thường lệ, cậu phá vỡ bầu không khí lặng thinh giữa hai người.
Tiệm mỳ bà Năm nằm sâu trong hẻm, bọn San đã quen từ thời cấp hai. Đôi lần tới, Lâm tỏ ra khó chịu, bởi bà chủ thường nhắc về một người khác mỗi khi thấy anh: “ũa, cái cậu mặt mày sáng bừng kia đâu?”. Bách ngồi phía đối diện, vẫn nụ cười tỏa sáng và ánh mắt tinh nghịch như trẻ con. Nhìn cậu, một cơn choáng váng đột ngột trờ tới. Nhu cầu được la hét, được bùng nổ những điên khùng trong lòng cô thức dậy. Bách, có lẽ đã nghiền ngẫm chọn lấy từng từ gợi ý: “Roma thì sao, San từng nói muốn tới đó”, “Chị thảm hại lắm nhỉ”. “Không phải, chỉ là, San nên nghỉ ngơi một thời gian thôi, hoặc, hãy nói chuyện với anh ấy. Im lặng không phải là cách”. San chính thức bùng nổ: “Ai bảo cậu dây vào chuyện của chị làm gì?”. “Bọn em gặp nhau sáng nay, ảnh không ổn mấy”. Lại còn vậy nữa. Nhiều tuần liền, cả bệnh viện đều như nhìn San với ánh mắt xót xa, tiếc nuối, hay là thương hại. Cô phớt lờ hết, nghĩ rằng mình sẽ ổn thôi, chỉ cần tập trung vào công việc, rồi đi Pháp. Vậy mà Bách đang cố gợi lại cái phần đau đớn San muốn quên nhất. Cô tức tối đẩy cửa bỏ ra ngoài. Đêm đó phố mưa, giữa màn gió lốc, một container đâm xầm vào chiếc Civic, trong khi San thiu thiu ngủ cùng lời ru du dương Remember When của Alan Jacson. Phiên tòa. Vụ tai nạn. Cảnh sát điều tra theo hướng giết người. Một cuộc gọi nhỡ và một tin nhắn chưa soạn xong. Giây phút cuối cùng, Bách đã cố nói gì đó, nhưng trên màn hình điện thoại loang lỗ máu, chỉ có một chữ “San”.
Buổi sớm ngày thứ mười ba, San mở toang cửa sổ. Bảy Sẹo đang hì hục đẩy mấy xe củi. Tư Bần ngồi cạnh chị Năm Xui làm cơm lam. Chín Rá với Hai Bạc xà quần mớ quả thông khô nhặt bên kia đồi cùng các loại dây kẽm nhung, vải dạ và súng bắn keo. Chỉ một lát, mấy quả thông đã biến hình thành những chú gà tây cổ dài ngộ ngĩnh, búp bê tí hon và cả chim. San thả bộ quanh thị trấn. Đâu đâu cũng gặp những gương mặt ngẩng lên cười với cô rồi lại chụm đầu làm việc. Lũ trẻ chạy loanh quanh chơi đá banh và ô ăn quan ngoài bãi đất trống. Tiếng nói, tiếng cười như mùi sự sống xộc vào San. Cô đi bộ mãi cho đến khi bàn chân tứa máu. Bên ngoài thị trấn, nắng sớm đã nhuộm vàng rừng thông. Những bóng cây đổ dài, hàng trăm, hàng ngàn vệt nắng nhỏ xuyên lá thông rớt xuống cung đường hẹp. “Dù qua bao nhiêu kiếp lai sinh vẫn sẽ dõi theo San”, dòng ghi cuối trong nhật ký Bách.
Rồi San sẽ trở lại thành phố, ghé thăm cậu vào những ngày trời gió, kể dăm ba chuyện, có thể vui, hoặc buồn, còn giờ, cô nhủ thầm, lát nữa sẽ hỏi xem Lạc có trạm xá không.
THẢO NGUYÊN