Vì bình yên thôn xóm

TRIÊU NHAN 10/01/2017 08:44

Trên địa bàn huyện Đông Giang, các mô hình tranh thủ vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, kêu gọi sự chung tay, hưởng ứng của nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (ANTQ) từng bước được nhân rộng và đi vào chiều sâu.

Tranh thủ người có uy tín

Theo Thượng tá A Lăng Chế - Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang, nhằm đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng. Hiện đã lập danh sách 100 người có uy tín, 80 vị trong số đó được xét chọn và được UBND tỉnh phê duyệt. Mỗi năm, Công an huyện lập danh sách 30 già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo có uy tín trong cộng đồng đề nghị thăm, trao tặng quà vào dịp tết. Nhìn chung, hầu hết họ là cán bộ nghỉ hưu, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, người dân tộc thiểu số đã có thành tích trong vận động quần chúng, kinh tế bản thân và gia đình ổn định, lập trường, tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Định kỳ sẽ rà soát những người không còn uy tín, không còn khả năng hoạt động (già yếu) đưa ra khỏi danh sách và bổ sung, bầu chọn những người có uy tín mới đủ khả năng để đưa vào danh sách vận động, tranh thủ… Qua công tác tuyên truyền, tranh thủ người có uy tín, đã vận động thu hồi 122 khẩu súng các loại, 544,5kg thuốc nổ…

Công an huyện Đông Giang xuống tận nơi thăm hỏi, động viên người có uy tín. Ảnh: TRIÊU NHAN
Công an huyện Đông Giang xuống tận nơi thăm hỏi, động viên người có uy tín. Ảnh: TRIÊU NHAN

Đại úy A Rất Quang Tứ - Đội trưởng Đội An ninh nhân dân, Công an huyện chia sẻ, từ thực tế tranh thủ người có uy tín, lực lượng chức năng đã giải quyết được nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Điển hình là vụ xảy ra năm 2014, một vụ đâm bò xảy ra giữa thôn Tà Lâu và A Tiêng, vùng giáp ranh xã Ba và xã A Ting. Mâu thuẫn giữa hai làng lên tới đỉnh điểm do người làng bên thả bò rông ăn lúa, chủ ruộng đã đâm chết bò. Công tác điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn đến từ những luật tục của người dân bản địa. Theo đó, già Bríu Ngà (thôn A Tiêng, xã A Ting), đã đứng ra hòa giải hai làng theo tục lệ. Già Bríu Ngà phân tích cho làng bên kia hiểu về tục lệ của làng bên này là sẽ phạt vạ, đâm chết trâu bò, lấy phần đầu, trả lại phần thân cho gia chủ nếu để trâu bò thả rông ăn lúa, phá hoại hoa màu. Người đâm chết bò cũng được khuyên răn về hành vi vi phạm của mình. Từ sự hòa giải thấu tình đạt lý, người dân hai làng bỏ qua hiềm khích và kể từ đó không ai dám thả rông súc vật nữa. “Đây là vụ phức tạp, song nhờ già Bríu Ngà đã khéo léo dùng lệ làng để hòa giải, xử thấu tình đạt lý mà không cần công an vào cuộc” - Đại úy Tứ chia sẻ.

Mô hình tự quản ANTT

Qua thực tiễn, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ  ANTT” gắn với “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia phát triển kinh tế - xã hội như già Y kông (xã Ba), Đinh Văn Thép ở xã Tư; ông Hồ Quyết Tâm xã Kà Dăng; ông Đinh Văn Thập (thị trấn Prao)… Giai đoạn 2012-2016, 2 cá nhân được Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc và tiêu biểu phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, 3 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTT. 29 cá nhân được UBND, Ủy ban MTTQ VN huyện khen vì thành tích trong công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thông tin từ Công an huyện Đông Giang, các mô hình tự quản về ANTT từng bước được xây dựng và lan tỏa trong cộng đồng. Toàn huyện đã xây dựng được 20 dòng họ tự quản, 3 mô hình “thắp sáng đường làng” tại xã Ba. Mô hình “Dòng họ tự quản” tại xã Sông Kôn được xem là điển hình, đã đi vào nền nếp. Dòng họ này đã giáo dục con cháu nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, liên kết cùng giữ gìn không để xảy ra vi phạm về ANTT, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, làm trong sạch địa bàn… Xã Jơ Ngây có 4 mô hình tự quản về ANTT (xây dựng năm 2015), tiếp tục triển khai 2 mô hình “Tổ tự quản về ANTT” tại xã Sông Kôn, do Hội Nông dân xã phối hợp Công an xã tham mưu chính quyền triển khai. Mô hình “Tổ tự quản về ANTT” tại xã Kà Dăng vừa được triển khai, kinh phí hoạt động từ sự đóng góp của chính quyền và một phần của địa phương. Ngoài ra, các mô hình 1+4 tại xã Ba (tức một người vi phạm thì có 4 người đứng ra kèm cặp, giúp đỡ), ba mô hình 1+5 tại xã Jơ Ngây, một mô hình 1+3 tại thị trấn P’rao nhìn chung được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, được duy trì. Đoàn thể các nơi có sự chủ động trong phối hợp, tích cực giám sát, theo dõi, kèm cặp giúp đỡ trẻ em, đối tượng vị thành niên có nguy cơ làm trái pháp luật, số đối tượng tù thả về hoàn lương cũng nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTT” trên địa bàn Đông Giang còn đối diện với nhiều khó khăn. Việc duy trì các tổ tự quản ANTT hết sức khó khăn do kinh phí chủ yếu được vận động từ sự đóng góp của nhân dân và một phần từ sự hỗ trợ của địa phương. Phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các tổ tự quản chưa được trang bị, chủ yếu là ban công an xã cho mượn thông qua công an viên. Công tác tập huấn xây dựng và nhân rộng mô hình chưa được quan tâm mạnh mẽ. Sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa đồng bộ, còn bỡ ngỡ, sự phối hợp giữa các ban ngành còn mang tính thời vụ, chưa chủ động trong việc xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình…

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì bình yên thôn xóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO