Nhà thờ tộc Doãn ở khối phố Phú Phong, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, hiện còn lưu mấy văn bản của các triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị cấp cho ông Doãn Văn Xuân - người đầu tiên thi đỗ học vị cao của vùng nam Quảng Nam. Ngôi mộ đất sơ sài của nhân vật này hiện vẫn nằm ven dốc phía nam đồi Quảng Phú, gần giáp sông Bàn Thạch - Tam Kỳ với tấm bia đá đã bị mờ nhiều nét chữ.
Trang sách Đại Nam nhất thống chí chép về ông Doãn Văn Xuân (ở các dòng 2- dòng 7; từ phải qua). |
Đủ tài lẫn đức
Ông Doãn Văn Xuân quê ở xã Quảng Phú, huyện Lễ Dương - nay thuộc phường An Phú, TP.Tam Kỳ. Kết quả thi cử của ông được ghi trong văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” (bia ghi danh những người đỗ đạt của huyện Lễ Dương) - hiện còn lưu có mấy chi tiết: “Gia Long thập bát niên - Kỷ Mão khoa Hương cống Doãn Văn Xuân: Hưng Thịnh hạ tổng, Quảng Phú xã nhơn... Công vi bản huyện Hương cống thủy”, nghĩa là: “Doãn Văn Xuân đỗ Hương cống khoa thi năm Kỷ Mão mở vào năm Gia Long thứ 18-1819 là người xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ… Ông là người đỗ Hương cống đầu tiên của huyện nhà”. Hương cống (còn gọi Hương tiến) là học vị dành cho người đỗ cả 4 kỳ thi Hương, thời Minh Mạng (1828) đổi tên gọi thành cử nhân.
Ghi chép trong sách Quốc triều Hương khoa lục cho biết: Cùng đỗ với ông Xuân trong khoa thi Kỷ Mão nói trên có nhiều vị rất nổi tiếng trong bước đường làm quan, như: Trương Đăng Quế (Quảng Ngãi) - làm đến chức Phụ chính đại thần; Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh) - ông quan hay chữ, nổi tiếng về tài khai khẩn đất đai; Lý Văn Phức (Hà Nội) - người nhiều lần được cử đi sứ các nước và là tác giả truyện thơ có tiếng; Trương Minh Giảng (Gia Định) - nhà cai trị giữ nhiều trọng trách ở vùng đất phía nam, rất được triều đình tín nhiệm.
Bộ sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn có nhiều chỗ ghi chép, nhận xét về ông Doãn Văn Xuân với nhiều chi tiết rất đáng để ý:
Thứ nhất, ông là người Quảng Nam đầu tiên được tuyển vào dạy học trong cung vua Nguyễn. Sử ghi: Tháng 5 năm 1820, sau khi thi đỗ một năm, theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, ông Xuân được triệu về kinh đô làm chức Hành tẩu ở bộ Lễ để “học tập chính sự”. Sau đó, vua nói: “Nay, trong bọn hoàng tử tuổi hơi lớn, có 4 người, tất phải chọn người làm thầy bạn mới có thể dạy dẫn nên người” và sai đình thần chọn người sung vào làm thầy học (Giáo đạo) cho các con của mình. Ông Doãn Văn Xuân là một trong 3 người được chọn. Bên cạnh công việc giảng sách để truyền kiến thức và đạo đức (bạn độc), ông còn được giao kiêm luôn công việc giúp đỡ (hộ vệ) các hoàng tử về nhiều mặt khác. Ở địa vị thân cận này, ông được sử nhà Nguyễn ghi nhận là người “có học hạnh thuần cẩn”.
Thứ đến, ông được triều đình giao cho nhiều chức vụ quan trọng sau khi rời việc dạy học trong cung. Sau một thời gian làm Lang trung tại bộ Lễ, từ tháng 1.1831 đến tháng 6.1832 ông đã được bổ vào nhiều chức vụ quan trọng ở nhiều địa phương của vùng biên giới phía Bắc: đầu tiên làm tham mưu (Tham hiệp) cho quan đầu trấn (Hiệp trấn) Cao Bằng và sau đó là trấn Bắc Ninh rồi thăng lên chức Án sát sứ trấn nhậm ở Lạng Sơn. Nơi cuối ở phía Bắc mà ông làm Án sát là tỉnh Quảng Yên - một tỉnh giáp hai mặt đất liền và biển với Trung Hoa. Án sát sứ là một chức quan chuyên lo việc bảo vệ luật pháp, xử án, trấn áp tội phạm, giữ gìn trị an… Việc giao làm nhiệm vụ này tại những nơi quan trọng nói trên chứng tỏ ông Xuân được triều đình thật sự tín nhiệm.
Hết làm việc ở phía Bắc, mùa thu năm 1835, ông lại được đưa vào phía Nam giữ chức ở Lương Trừ đạo của Trấn Tây thành - một vùng rất rộng về phía Tây Nam lúc đó. Đến tháng 7 năm 1836 lại được thăng bổ làm Án sát sứ tỉnh Định Tường (Nam kỳ). Hơn một năm sau khi được bổ giữ chức vụ tại đây, ông bị bệnh rồi qua đời tại nhiệm sở (tháng 11 năm 1836). Sau khi mất ông được tặng hàm Thị Lang (năm đầu đời Thiệu Trị - 1841).
Sách Đại Nam nhất thống chí (bản chữ Nho hiện lưu tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) ghi chép tóm tắt về ông Doãn Văn Xuân (dịch ra) như sau: “Người huyện Hà Đông, đỗ Hương tiến năm Gia Long thứ 18. Năm Minh Mạng thứ 2 sung chức Bạn độc của hoàng tử, rồi chức Tán thiện, rồi làm Án sát sứ hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Yên, phải tội mất chức, sau được khởi phục làm Lang trung Lương Trừ đạo Trấn Tây thành, sau đổi làm Án sát sứ tỉnh Gia Định (nhiều sách khác ghi là Định Tường - NV), rồi chết. Đầu đời Thiệu Trị (truy) tặng hàm Thị lang” (quyển 5, tr.722). Sách này, còn có dòng đánh giá rất đẹp về ông: “Xuân vi nhân thuần cẩn, dữ vật vô cạnh, nhân phục kỳ lượng” (ông Xuân sống cẩn trọng, hiền lương; không hề biết bon chen tranh cạnh; tấm lòng và tư cách của ông được mọi người mến phục).
Câu chuyện “đền thuyền công”
Chuyện “phải tội và mất chức” của ông Doãn Văn Xuân trong thời gian làm Án sát tỉnh Quảng Yên đã được bộ sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn (Bản dịch- Nxb Giáo dục 2002, tập 4) ghi lại như sau:
Vào mùa hạ năm Giáp Ngọ - 1834, vua Minh Mạng đã cách chức hai viên (cựu và đương chức) Tuần phủ của tỉnh Quảng Yên là Lê Đạo Quảng và Vũ Tuấn về tội lơ là trách nhiệm không báo cáo kịp thời về việc 30 chiếc thuyền sử dụng cho công vụ bị hư hỏng. Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) là tỉnh biên giới trọng yếu giáp cả hai mặt đất liền và biển với Trung Hoa nên việc quản lý tàu thuyền quyết không thể bị xem nhẹ, lơ là. Lúc ấy, ông Doãn Văn Xuân - đang làm Án sát tại tỉnh đó - cũng bị cách chức vì tội “biết việc sai mà không phát giác” và bị buộc phải cùng những người chịu trách nhiệm chính “ra sức sửa chữa hơn 30 chiếc thuyền bị mọt nát; nếu xong sớm sẽ liệu cho khai phục, nếu không sẽ bị trị tội nặng cũng chưa muộn”. Việc ấy cũng được bộ sử nói trên ghi thêm (đại ý) là “Viên cựu tuần phủ Lê Đạo Quảng - người chịu trách nhiệm chính - phải tự xuất tiền riêng, thuê người sửa chữa thuyền - cùng với sự hiệp sức của ông Xuân; hai người này phải làm sao cho số thuyền công ấy được sửa chữa chắc chắn - có thể sử dụng được; còn người đương chức Tuần phủ là Vũ Tuấn - xét tội nặng hơn - phải bị đày đi làm lính ở Thái Nguyên” (tr.190). Hơn một năm sau (mùa thu năm Ất Mùi - 1835) việc sửa chữa đã xong; “cho viên bị cách là Doãn Văn Xuân được khởi phục làm Viên ngoại lang bộ Lại. Xuân trước làm Án sát Quảng Yên, vì vụ án để thuyền công mọt nát, bị cách chức, bắt phải là đền; đến đây đền xong, lại được bổ dùng”.
PHÚ BÌNH