Báo cáo sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố cho thấy, số người nghèo giảm, tuổi thọ tăng lên, song còn nhiều điều đáng quan ngại.
Công bố của WHO diễn ra vào thời điểm thế giới sắp hoàn tất lộ trình phấn đấu cho những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), được khởi động từ năm 1990. Thật đáng mừng khi WHO ghi nhận những “tiến bộ không ngờ” khi vào năm 2010, một nửa số người nghèo đói trên thế giới được cắt giảm (tức 700 triệu người) so với năm 1990, hoàn thành trước 5 năm mà MDGs đề ra. Tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới tăng từ 65,3 tuổi vào năm 1990 lên 71,5 tuổi vào năm 2013. Thêm vào đó, tỷ lệ người nhiễm HIV cũng giảm đáng kể, với 2,1 triệu ca nhiễm mới của năm 2013, so với 3,4 triệu ca của năm 2001.
Ngoài ra, trong vòng 25 năm, thế giới cũng đạt được nhiều tiến bộ nhằm cải thiện tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ mang thai. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đã giảm từ 90/1.000 trẻ vào năm 1990 xuống còn 46/1.000 trẻ năm 2013 (mặc dù mới giảm một nửa, so với kế hoạch đề ra là phải giảm ¾). Do vậy, WHO khuyến nghị các nước khẩn trương hành động đến cuối năm 2015 để đạt được MDGs. WHO bày tỏ hy vọng những mục tiêu còn lại như giảm số người nhiễm HIV/AIDS, sốt rét, lao phổi sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015, thời hạn chót của MDGs.
Nhân viên y tế trong chiến dịch loại trừ sốt rét ở châu Phi. (Ảnh: WHO) |
Báo cáo của WHO đặc biệt khen ngợi nỗ lực đáng kể của chính phủ và người dân các nước khu vực Tây Á - Thái Bình Dương, từ châu Mỹ đến châu Âu, Trung Á. Trái lại, một số nơi ở châu Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi, tình trạng cải thiện là chậm nhất. Tỷ như, hiện mỗi ngày trên toàn thế giới có tới 1.500 phụ nữ tử vong do các biến chứng trong lúc mang thai và khi sinh, là một con số quá đau lòng. Trong đó, tình trạng này diễn biến rất nghiêm trọng tại châu Phi, nhất là vùng hạ sa mạc Sahara. Các căn bệnh như viêm đường hô hấp thấp, sốt rét và tiêu chảy vẫn nằm trong danh sách 5 nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới, cướp đi gần 2 triệu sinh mạng trẻ em mỗi năm là điều chúng ta cần phải suy ngẫm, bởi có thể tránh được.
Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan nói, MDGs là chương trình mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống, cải thiện tình trạng sức khỏe cho nhân loại. WHO khuyến khích những tiến bộ đạt được và có biện pháp khắc phục những tồn tại, nhất là khoảng cách chênh lệch về tiến bộ giữa các quốc gia, thậm chí giữa các vùng miền trong cùng một quốc gia. Để đạt được MGDs đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các nhà lãnh đạo, sự nhận thức của mỗi công dân về việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình và xã hội.
Vào tháng 9 tới đây, 194 thành viên của Hội đồng Y tế thế giới sẽ có quyết định mới, đầy tham vọng với các mục tiêu đến năm 2030. Đó là hoàn thành MDGs, loại trừ các thách thức đang nổi lên từ tác động của các căn bệnh không truyền nhiễm để đảm bảo cho mọi người, mọi lứa tuổi có sức khỏe tốt hơn.
KIM OANH