Vì một Đông Á cùng tiến bộ

KIM OANH 20/05/2014 15:55

(QNO) - Từ ngày 21 - 24.5, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014 chính thức khai mạc tại thủ đô Manila của Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014.

Với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, diễn đàn kéo dài trong 3 ngày với sự tham dự của khoảng 450 nhà lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực, tập trung thảo luận các chủ điểm tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, hướng tới phát triển bền vững và kết nối khu vực.

Các nguồn tin dẫn từ trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết, đại diện Trung Quốc vắng mặt tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014 do phải chủ trì Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè tại thành phố Thiên Tân của nước này. Tuy nhiên, nhiều báo đài thế giới trong đó có tờ Want China Times của Đài Loan giải thích rằng, lý do vắng mặt thật sự của Trung Quốc chính là vụ đặt giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như nước này bị Philippines tố giác có hoạt động xây dựng trái phép một đường băng ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được đăng tải vào tháng 4.2014, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 3,6%, so với 2,4% của năm 2013 và sẽ tăng 3,9% vào năm 2015. Cũng theo dự báo của IMF, tăng trưởng của các nước khu vực Đông Á khá ổn định trong năm 2014 với mức 7,1%, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đóng góp quan trọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực Đông Á bao gồm 18 nền kinh tế (7 nền kinh tế thuộc Đông Bắc Á và 11 nền kinh tế thuộc Đông Nam Á) với dân số gần 2,2 tỷ người, chiếm tới gần 30% tổng thương mại của thế giới và hằng năm thu hút gần 1/3 tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Bert Hofman - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận định, kinh tế Đông Á vẫn đối mặt với không ít rủi ro như sự phục hồi chậm và khá mong manh của nền kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế phát triển - kể cả các nền kinh tế mới nổi còn gặp nhiều khó khăn, lãi suất toàn cầu tăng, giá cả biến động… Đáng chú ý, nguồn cầu ngoài Đông Á là động lực cho khu vực này phát triển chứ không phải nguồn cầu nội địa. Thêm nữa, chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang Mỹ khiến dòng vốn nước ngoài bắt đầu chảy ra khỏi các nước khu vực, tạo ra một số biến động; trong đó khiến đồng nội địa của các nước bị giảm giá, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực.

Các nhà phân tích khẳng định, đi cùng nỗ lực đẩy mạnh kinh tế là nỗ lực đảm bảo an ninh, nhưng thời gian gần đây khu vực đối mặt với bất ổn chính trị tại một số nước. Trong đó, điểm nóng trên biển Đông hay việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ được dành hẳn một phiên thảo luận, đặc biệt có sự tham gia của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Samuel J. Locklear. Bên lề diễn đàn, Tổng thống nước chủ nhà Philippines, Benigno Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ thảo luận về hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì một Đông Á cùng tiến bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO